Khoa học công nghệ Khoa học công nghệ
Nhiều giải pháp từ hội thi sáng tạo kỹ thuật đã được ứng dụng vào thực tiễn
05:41 | 12/06/2016 Print   E-mail    

 

 
Từ hội thi sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh năm 2014-2015, 55 giải pháp KH-CN đã được xướng tên, trao giải. Tuy nhiên, điều mà người ta quan tâm hơn là các đề tài, dự án được ứng dụng như thế nào vào thực tiễn cuộc sống. Đáng mừng là những STKT của họ không chỉ mang lại hiệu quả công việc nơi họ công tác mà còn được một số đơn vị khác nhận chuyển giao công nghệ.
 
NHỮNG NHÀ NGHIÊN CỨU KHÔNG CHUYÊN
 
31 giải pháp đạt giải tại hội thi được trưng bày, triển lãm tại Trung tâm Tin và Thông tin khoa học khiến người xem thích thú không chỉ bởi sự sinh động, sáng tạo mà quan trọng hơn các giải pháp này được tạo ra từ chính những nhà nghiên cứu khoa học không chuyên. Họ là những điều dưỡng làm việc trong bệnh viện, là những nông dân làm việc ngoài đồng ruộng, là những kỹ sư làm việc trong ngành dầu khí, là những giáo viên giảng dạy ở các trường… Nhưng vì đam mê khoa học, “các nhà khoa học không chuyên” này đã nghiên cứu ra các giải pháp giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, mang lại hiệu quả cao trong công việc. Câu chuyện dưới đây của hai tác giả nữ đã minh chứng cho điều đó.
 
Chị Châu Thị Ngọc Hương, Điều dưỡng trưởng làm việc tại Khoa nhi Bệnh viện Lê Lợi, tác giả của giải pháp “Giường – nôi sơ sinh” (giải nhất) cho biết, trước đây tại phòng Bệnh lý sơ sinh của bệnh viện Lê Lợi, mẹ và bé thường phải nằm chung một giường nên mức độ an toàn cho bé không cao; bé ngủ không ngon giấc, mẹ cũng không thoải mái. Do đó, chị đã chế tạo ra “Giường - Nôi sơ sinh” nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên mà vẫn bảo đảm yêu cầu chăm sóc, điều trị cho trẻ. “Giường - nôi sơ sinh” được làm từ chất liệu inox có ngăn chứa tã, quần áo, khăn… cho bé. Hai vách bên có thể hạ xuống khi bác sĩ thăm khám, thực hiện kỹ thuật, chăm sóc. Nôi em bé được kết nối với giường của mẹ nhưng cũng có thể tháo rời ra khỏi giường khi cần thiết. Hai chiếc “giường – nôi sơ sinh” này khi đưa vào thử nghiệm tại Bệnh viện Lê Lợi 100% bệnh nhân đều hài lòng. “Sau khi thấy sản phẩm giường – nôi sơ sinh này tiện lợi, an toàn mà chi phí sản xuất thấp (3 triệu đồng/sản phẩm), Bệnh viện Lê Lợi đặt tôi làm thêm 1 cái cho phòng Bệnh lý sơ sinh (phòng chỉ đặt được 3 chiếc giường – nôi) để đáp ứng nhu cầu cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện”, chị Hương cho biết.
 
Các giải pháp KHCN không phải là những nghiên cứu “đao to búa lớn”, đôi khi mô hình đó nhỏ thôi nhưng nó đáp ứng được nhu cầu thiết thực của cuộc sống thì vẫn được đánh giá cao. Mô hình mô phỏng hiện tượng động đất núi lửa của cô giáoVũ Cẩm Vân, giáo viên môn địa lý trường THCS Long Toàn (TP. Bà Rịa) chỉ nhỏ bằng 2 cái khay đựng bộ ly trà nhưng lại khiến rất nhiều người thích thú, đặc biệt là các em học sinh. Khi bật công tắc lên thì ngọn núi được làm bằng vỏ sắt bọc mica phun ra khói và nham thạch, kết hợp với rung lắc giống như hiện tượng động đất, núi lửa thật sự. “Mô hình của tôi đã đạt giải 3 tại hội thi và đã trở thành thiết bị dạy học giúp tôi truyền niềm đam mê môn địa lý đến các em học sinh”, cô Vân nói.
 
SÁNG TẠO KHÔNG NẰM TRONG TỦ
 
Giải pháp giường nôi sơ sinh
 
Tác giả Hồ Viết Vẻ với giải pháp “hệ thống hố ga của hệ thống thoát nước thải (hố ga ngăn mùi không có muỗi)”
 
Xưa nay, nhiều người vẫn phản ánh nhiều nghiên cứu chỉ tham gia hội thi xong rồi để đó, thậm chí có nhiều đề tài, dự án sau khi làm xong là “cất tủ”, nhưng các giải pháp tại hội thi STKT năm 2014-2015 lại được nhiều người đánh giá cao bởi tính ứng dụng vào thực tiễn, thậm chí còn được một số DN từ địa phương khác nhận chuyển giao công nghệ. Giải pháp “hệ thống hố ga của hệ thống thoát nước thải (hố ga ngăn mùi không có muỗi)” của ông Hồ Viết Vẻ, Giám đốc Công ty TNHH SiGen (TP. Vũng Tàu) là một ví dụ. Giải pháp này đã đạt giải ba hội thi STKT tỉnh; giải khuyến khích hội thi STKT Toàn quốc 2014-2015 và đã được tác giả đăng ký độc quyền sáng chế. Giải pháp này còn được nghiên cứu thí nghiệm đạt hiệu quả tốt và được Công ty CP xây dựng HT (TP. Hồ Chí Minh) hợp tác triển khai và đề nghị chuyển giao công nghệ. Sở KH-CN cũng đề xuất đưa giải pháp này vào ứng dụng thực tiễn ở BR-VT tại một số công trình trường học, bệnh viện, chợ, hệ thống thoát nước đô thị… Theo đánh giá của ban tổ chức thì giải pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội như: ngăn chất thải gây tắc ống, thoát nước và ngăn mùi hôi… nên hoàn toàn không có muỗi và côn trùng. Hơn nữa, sản phẩm này được tác giả thiết kế đơn giản, thi công dễ dàng mà giá thành lại khá rẻ, chỉ 10 triệu đồng/sản phẩm.
 
Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN nhận định, tại BR-VT, KH-CN đã được ứng dụng đồng bộ, đều khắp trên các lĩnh vực đời sống như: hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục… Nhiều giải pháp từ hội thi STKT đã được đưa vào áp dụng trong thực tế sản xuất và đời sống ở các cấp độ khác nhau, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tính đến nay, Sở KH-CN tỉnh đã triển khai hơn 300 đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh (trung bình mỗi năm khoảng 12 đề tài, dự án); kinh phí thực hiện đề tài, dự án hàng năm bình quân khoảng 6 tỷ đồng./.
 
Bài, ảnh: NHƯ MÂY, BBT
 
 
 
Description: C:\Users\MrViet\Downloads\khcn - giai phap sang tao 1.jpg