Khoa học công nghệ Khoa học công nghệ
Phát triển các giống cây chịu mặn ven biển
04:46 | 05/11/2015 Print   E-mail    


Bà Lê Thị Nga, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết, hiện nay địa phương đã thử nghiệm thành công nhiều giống cây có khả năng chịu mặn ven biển như: Chiêu liêu, cẩm liên, cẩm lai Bà Rịa, vên vên, sến mù... Địa phương đang tiếp tục nghiên cứu và tuyển chọn các loại cây đáp ứng được tiêu chí đa dạng sinh học và nhanh chóng xác định tập đoàn cây phù hợp với thổ nhưỡng và khoa học của BR-VT cũng như những cây mang tính đặc hữu, đặc trưng địa phương.

Description: C:\Users\MrViet\Downloads\da dang sinh hoc ven bien .jpg

Cây cỏ lông heo được trồng ở khu vực công viên Mũi Nghinh Phong

Đề tài “Nghiên cứu, sưu tập và gieo ươm một số loại gỗ bản địa quý của tỉnh BR-VT” được thực hiện từ năm 2011 đến nay. Từ đề tài này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng vườn ươm, tạo cây giống các loài đạt qui cách, phẩm chất cho trồng rừng, trồng vườn, qua đó, góp phần giới thiệu cho cả nước nguồn gen cây gỗ của tỉnh và nhân rộng các mô hình trồng rừng, trồng cây nhân dân từ các loài cây gỗ bản địa. Trong thời gian thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đề tài đã điều tra và sưu tầm được 20 loài cây gỗ thuộc 7 họ và 6 bộ có giá trị kinh tế và sinh thái cao của tỉnh BR-VT, điểm hình như: Cẩm lai Bà Rịa, vên vên, ầu cát, dầu song nàng... Đồng thời, nghiên cứu đặc điểm sinh lý của hạt giống, xử lý gieo ươm, đặc điểm sinh trưởng của cây con của 20 loài cây trên. Theo đánh giá của Sở KH-CN, đây là đề tài nghiên cứu có ý nghĩa kinh tế, sinh thái cao nhằm nghiên cứu sưu tầm và gieo ươm các loài cây gỗ bản địa quý của tỉnh. Sau khi nghiên cứu, thử nghiệm thành công, vài năm gần đây Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã tiếp tục xây dựng và thực hiện vườn mẫu sinh vật cảnh để ươm trồng hơn 200 cây gỗ quý bản địa BR-VT.

Ngoài việc bảo tồn đa dạng các loại cây gỗ bản địa quý, Sở KH-CN cũng đã nghiệm thu đề tài về các giống cây xanh có khả năng chịu mặn ven biển để tạo cảnh quan và giữ cát. Bà Lê Thị Nga, cũng cho biết, Vũng Tàu là thành phố du lịch có nhiều bãi tắm tự nhiên rất đẹp nhưng gió biển mang theo muối đưa vào đất liền trong suốt 6 tháng mùa khô, đã làm cho các chủng loại cây xanh dọc theo bờ biển không thể phát triển tươi tốt. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu đề tài “Cây xanh chịu mặn ven biển”, trong số 36 giống cây và 3 giống cỏ ở các đảo ven biển trên thế giới mà tập trung là ở miền Nam Trung Mỹ có điều kiện tự nhiên như ở Vũng Tàu. Kết quả, sau khi thử nghiệm thì chỉ có 6 giống cây và 1 giống cỏ phù hợp trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Bãi Sau. Đặc biệt, giống cỏ lông heo có khả năng chống chịu được điều kiện khắc nghiệt ở Bãi Sau, vừa tạo thành thảm phủ đất trống, làm đẹp cảnh quan vừa chống cát bay.

Bên cạnh vành đai ven biển thì núi Lớn – núi Nhỏ cũng được xem như tấm bình phong che chắn, bảo vệ cho cư dân TP. Vũng Tàu, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho thành phố biển. Tuy nhiên, có đến hơn một nữa diện tích núi Lớn – núi Nhỏ đất trọc trơ sỏi đá, không những làm mất vẻ mỹ quan mà còn không đáp ứng yêu cầu về phòng hộ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Vì vậy, “Nghiên cứu tuyển chọn một số loài cây thích hợp tạo cảnh quan cho Núi Lớn – Núi Nhỏ” với các loài cây trồng phủ xanh phổ biến như: keo lá tràm, keo tai tượng, bằng lăng, tếch, muồng đen, lim xẹt, gõ mật, giáng hương... đã che bớt những khiếm khuyết đó của núi.

Ngoài 25 chủng loại cây xanh có khả năng chịu mặn ven biển đã được nghiên cứu, ứng dụng, Hội Sinh vật cảnh tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu 25 chủng loại nữa để phủ xanh các đồi cát trong đó chọn ra 20 loài cây đặc trưng nhất của BR-VT để xuất khẩu sang thị trường Dubai. Đặc biệt, hội đang xây dựng đề án “1 triệu cây xanh” nhằm ứng dụng rộng rãi 3 đề tài đã được nghiên cứu, bảo vệ môi trường của tỉnh, giảm thiểu ô nhiễm khí thải, tái tạo hệ sinh thái cây trồng ở các khu vực đất đai nghèo dinh dưỡng và chua mặn. Có thể nói, thử nghiệm một số giống cây xanh chịu mặn ven biển; Nghiên cứu sưu tập và gieo ươm một số loài cây gỗ bản địa quý của BR-VT và Nghiên cứu tuyển chọn một số loài cây thích hợp tạo cảnh quan cho Núi Lớn – Núi Nhỏ, TP. Vũng Tàu là 3 đề tài nghiên cứu khoa học đã được Sở KH-CN thông qua và hiện đang được ứng dụng có hiệu quả tại BR-VT. Các đề tài này đã góp phần làm đa dạng sinh học cho vùng ven biển BR-VT trước điều kiện khí hậu khắc nghiệt./.

Bài và ảnh: NHƯ MÂY, BBT