Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Con trâu trong đời sống văn hóa của người Việt
03:13 | 17/02/2021 Print   E-mail    

 

Năm mới Tân Sửu 2021 nói về con Trâu: 

Con trâu trong đời sống văn hóa của người Việt

--------------

Trong đời sống văn hóa của người Việt, con trâu từ thuở xa xưa đã vô cùng quen thuộc với cuộc sống lao động của người nông dân một nắng hai sương và làng cảnh Việt Nam. Những chú trâu có khi xuất hiện với hình ảnh cần mẫn, chăm chỉ bên thửa ruộng cày, chia sẻ nỗi khó khăn vất vả với người nông dân, cũng có khi xuất hiện thung thăng gặm cỏ trong bức tranh nên thơ với tiếng sáo của trẻ mục đồng dưới ánh hoàng hôn. Dù là ở hình ảnh nào thì con trâu cũng cho người ta cảm giác thân thiết, toát lên một đức tính cần lao, chịu thương chịu khó. Chính vì thế, trâu là con vật có dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Con trâu đã cùng người Việt đi suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm, trở thành một hình ảnh gắn bó với làng mạc, ruộng đồng và cuộc đời một nắng hai sương của người nông dân. 

(Con trâu trong văn hóa người Việt – Hình minh họa) 

Theo những nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam thì: Thời kỳ Vua Hùng dựng nước, con trâu góp phần xây dựng căn bản cho nền văn minh nông nghiệp trồng cấy lúa mạ, đó cũng là hình ảnh ăn sâu vào đời sống trong dân gian Việt Nam miền thôn quê đồng ruộng. Từ xa xưa, hình tượng con trâu còn được thể hiện trên các dòng tranh Tết, đặc biệt là dòng tranh Đông Hồ, mà ngày nay đã trở nên quá quen thuộc đối với người Việt Nam, đó là tranh "Em bé chăn trâu thả diều" và "Em bé chăn trâu thổi sáo". Hình ảnh con trâu sau đó cũng đi vào hội họa Việt Nam với các tác phẩm trâu của nhiều họa sĩ như Nguyễn Sáng với bức Chọi trâu, rồi họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm với bức tranh Con nghé, trong tranh Bùi Xuân Phái cũng có bóng dáng của con trâu…

Với nhiều người dân Việt Nam, con trâu đã là biểu tượng của sự hiền lành, chăm chỉ, cần mẫn từ hàng ngàn năm nay. Ngoài những việc cày bừa trâu có thể là một công cụ phương tiện, vì vậy có thể nói trâu là công cụ không thể thiếu của người nông dân. Trâu có vị trí quan trọng trong cuộc sống của con người. Ngày trước chưa có máy cày, trâu thường phải làm việc nặng nhọc: “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Trâu thức dậy từ sáng sớm tinh mơ khi chú gà trống báo thức, cùng người nông dân ra đồng làm việc. Trâu chăm chỉ, cần mẫn cày hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác, bất kể là sáng hay tối, nóng nực hay giá rét. Nhờ có trâu, người nông dân mới có thể thu được một mùa màng bội thu. Đến ngày gặt, trâu lại chở lúa từ ruộng về nhà. Tuy công việc vất cả là vậy nhưng thức ăn của trâu rất giản dị, chỉ là cỏ hoặc rơm. Trâu thường được nuôi để lấy sức kéo, ở miền núi, ngoài công việc đồng ruộng, trâu còn chở hàng hoặc kéo xe, giúp con người vượt qua những con đường trắc trở, những ngọn núi xa xôi. Vì thế, trâu chở thành một gia sản quan trọng của người nông dân.

(Chăn trâu thả diều là một trong những trò chơi của trẻ em nông thôn)

Hình ảnh con trâu ung dung gặm cỏ non, xanh mát và trên trời là những cánh diều bay cao giữa không trung đã in sâu trong tâm trí người Việt Nam. Chăn trâu thả diều là một trong những trò chơi của trẻ em nông thôn, một thú vui đầy lý thú. Trên lưng trâu còn có bao nhiêu là trò như đọc sách, thổi sáo... Những đứa trẻ đó lớn dần lên, mỗi người mỗi khác nhưng sẽ không bao giờ quên được những ngày thơ ấu.Ngoài ra trâu con gắn liền với những lễ hội truyền thống như chọi trâu đâm trâu. Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng là nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - một lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Về nguồn gốc xuất xứ của trâu tại Việt Nam có rất nhiều tài liệu, tuy nhiên chưa có một tài liệu nào chính xác nói đến sự ra đời của trâu là như thế nào. Tùy vào điều kiện thiên nhiên địa lí mà trâu ở mỗi vùng miền lại có những đặc tính sinh trưởng khác nhau. Ở Việt Nam khí hậu nhiệt đới gió mùa nên trâu có nguồn gốc là trâu rừng thuần hóa, hay còn gọi là trâu đầm lầy.Trâu có hai loại: Trâu đực và trâu cái. Chúng có đặc tính giống nhau nhưng về hình dáng, kích thước thì khác nhau một chút, tuy nhiên không đáng kể. Trâu đực thường to và cao hơn trâu cái, sừng to và dày hơn, đôi chân chắc nịch, lúc chạy rất nhanh. Đầu của trâu đực nó hơn trâu cái một chút.Tuy với những sự khác nhau như vậy nhưng đặc tính của trâu là hiền lành, chậm chạp, nặng nề. Mỗi con trâu trưởng thành có khối lượng từ 200kg đến 500kg tùy vào sức khỏe của mỗi con. Một đặc điểm rất dễ nhận dạng của trâu chính là không có hàm răng trên. Trâu thuộc động vật nhai lại, sức nhai của trâu rất bền.

Năm mới Tân Sửu – 2021 đã đến với mỗi người, mỗi nhà. Và hình ảnh con trâu với những phẩm chất tốt đẹp hy vọng sẽ mang lại cuộc sống dồi dào, ấm no, hạnh phúc cho người dân. Ngày nay, khi trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, hình ảnh con trâu ngày càng vắng bóng trên những cánh đồng, nhưng với một quốc gia có nền tảng của một nền văn minh lúa nước như đất nước chúng ta, thì bóng dáng con trâu vẫn hiện diện đâu đó trong căn nhà của mỗi gia đình nông thôn Việt Nam. Với sức mạnh bền bỉ, tinh thần hăng say lao động, cần cù, chăm chỉ, chịu được gian khổ. Chúng ta hy vọng một năm mới Tân Sửu sẽ mang lại nhiều niềm vui, may mắn, thành công, bình an…đối với mọi người, mọi nhà./.

Bài: Lê Ngân, BBT