Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Đừng để có “những đứa con ngoài kế hoạch”
01:28 | 12/07/2015 Print   E-mail    

Hướng tới “Ngày dân số thế giới”
Đừng để có “những đứa con ngoài kế hoạch”
------------------------
 
Mỗi gia đình chúng ta thật hạnh phúc. Tôi xin mượn lời nhạc của nhạc sĩ Ngọc Lễ: Ba là cây nến vàng/Mẹ là cây nến xanh/Con là cây nến hồng/Ba ngọn nến lung linh/Thắp sáng một gia đình.
 
Hai tiếng gia đình nghe sao thân thương quá. Chúng ta dù đi đâu, làm gì, thì luôn luôn phải nghĩ về nhà, về với gia đình thân yêu của mình - Căn nhà ấm cúng đã cho ta nhiều động lực để làm việc và hoàn thiện mình hơn trong cuộc sống. Vậy muốn có một gia đình hạnh phúc trước hết chúng ta phải thực hiện tốt kế hoạch về dân số.
 
“Ngày dân số Thế giới” 11 tháng 7 năm nay(2015) có chủ đề "Hỗ trợ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai". Nội dung này cho thấy, cả thế giới đều quan tâm và hướng tới những người dân thiệt thòi ở những vùng thiên tai. Việt Nam chúng ta cũng là một trong những nước nằm trong vùngbịảnh hưởng nặng nề bởi sự tác động to lớn của thiên tai. Bởi vậy để "Hỗ trợ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai"chúng ta phải thực hiện tốt chương trình “Kế hoạch hóa gia đình” với chỉ tiêu “Mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con”.
 
Bởi vì, trong cuộc sống vốn đã có muôn vàn những khó khăn về xã hội, rồi thiên tai do biến đổi khí hậu, làm cho mỗi người dân chúng ta dễ bị tổn thương, nhất là những người làm mẹ. Để xây dựng một gia đình hạnh phúc, để có đủ tiền ăn, tiền sinh hoạt, học hành cho con cái, mà như chúng ta đã thấy, số tiền đó luôn là một khoản tiền không nhỏ và chỉ có thể tăng lên chứ chưa bao giờ giảm xuống.Cộng với những khoản chi phí sinh hoạt lớn bé hàng ngày trong gia đình, đã đủ để chúng ta phải suy nghĩ, phải tính toán khi đứng trước những nhu cầu bức bách của cuộc sống. Nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng và tổn thương trong gia đình là do sự thiếu hụt về tài chính, mà nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt về tài chính, đáng kể nhất có lẽ phải kể đến là do “vỡ kế hoạch”dẫn đến có “những đứa con ngoài kế hoạch”.
 
Nguyên nhân là do có người chủ quan, bất cẩn, nhưng cũng có người vì muốn có thêm một bé trai để chiều lòng cha mẹ và gia đình, hay muốn sinh thêm một bé gái cho có nếp có tẻ, hoặc có thể do mê tín, tin vào tướng số, nghe lời thầy bói nói trong năm nay phải sinh được quý tử, tài lộc cũng theo đó mà nảy nở sinh sôi, gia đình được bình an, hạnh phúc… Dù với bất cứ lý do nào, hợp lý hay hợp tình, chúng ta đều phải đối diện với một thực tế: Cuộc sống gia đình vốn đã vất vả, nay lại càng khó khăn hơn. Ngoài xã hội nếu người cha, người mẹ là cán bộ công nhân viên nhà nước chúng ta còn phải đối diện với những hình thức kỷ luật khác nhau do không thực hiện chương trình “Kế hoạch hóa gia đình”. Rồi trong chúng ta là những người làm cha, làm mẹ đều biết mình cần phải chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng đương đầu với những lo toan, cực nhọc mới để đón nhận thành viên mới “ngoài kế hoạch”của gia đình.
 
Trong chúng ta ai cũng ngày đêm luôn luôn mong cho con mình lớn lên, có được cuộc sống tốt đẹp, học hành thành tài, công việc ổn định và có địa vị trong xã hội, từ đó có điều kiện phụng dưỡng, báo hiếu cha mẹ và chăm sóc cho cha mẹ khi về già. Nhưng khi có “những đứa con ngoài kế hoạch” điều kiện chăm sóc không đảm bảo, cộng với môi trường ngoài xã hội quá phức tạp, làm cho những đứa con đó vuột khỏi vòng tay của cha mẹ, khỏi tầm kiểm soát của gia đình và trở nên hư hỏng, bị nhiễm nhiều thói hư tật xấu : hút chích, xì ke, ma túy, trộm cướp… và các tệ nạn xã hội khác, gây phiền nhiễu cho gia đình và xã hội. Đó là những đứa con mà đối với chúng ta, những bậc làm cha mẹ, không ai mong muốn. Bởi vậy, giờ đây tâm lý đại đa số các gia đình trên thế giới nói chung và trong mỗi gia đình ở Việt Nam nói riêng, không muốn có “những đứa con ngoài kế hoạch” vì thường “những đứa con ngoài kế hoạch” hay gây cho các bạn nhiều nỗi lo toan và phiền muộn.
 
Để khỏi có “những đứa con ngoài kế hoạch”, nhân “Ngày dân số thế giới” 11 tháng 7 năm 2015, mỗi chúng ta cần phải hết sức thấm nhuần về chủ trương “Kế hoạch hóa gia đình”, gạt bỏ những quan niệm sai lệch về giới tính, về những hủ tục lạc hậu và thấu hiểu hết những khó khăn khi có “những đứa con ngoài kế hoạch”. Các đoàn thể, tổ chức, chính quyền phải tăng cường hơn công tác tuyên truyền, giáo dục và triển khai thật tốt công tác “Kế hoạch hóa gia đình” để mọi người cũng như dư luận xã hội hưởng ứng chương trình “Mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con” và nuôi dạy cho tốt. Đừng để gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đừng để những bà mẹ phải tổn thương do sự thiếu hiểu biết của chúng ta.
                                                                            
Bài: Trọng Chu
BBT.