Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Bạo lực gia đình: nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình ở nước ta là do nhận thức về bình đẳng giới còn rất hạn chế
07:06 | 25/12/2014 Print   E-mail    

Như chúng ta đã biết, gia đình luôn là nơi yên bình nhất của con người, là nơi mà ta tìm được sự chia sẻ và yêu thương, là nơi tiếp sức cho ta có nhiều nghị lực để vượt qua những khó khăn trong công việc. Mối Quan hệ trong gia đình là mối quan hệ tình cảm thiêng liêng và ấm áp, và người phụ nữ trong gia đình là người vợ, người mẹ cống hiến, hy sinh cả cuộc đời mình để chăm lo cho chồng, cho con, cho gia đình. Ta thường nghe nói " Đằng sau một gia đình hạnh phúc luôn có bàn tay của một người phụ nữ".
 
Thật vậy người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong gia đình. Nhưng không phải người phụ nữ nào củng có được sự tôn trọng, thương yêu của người chồng vì sự hy sinh đó, có không ít người phụ nữ đã và đang phải chịu đựng nỗi đau về thễ xác và tinh thần do chính người thân mình gây ra và nỗi đau do bạo lực gia đình gây ra không là nỗi đau của riêng ai mà đã trở thành vấn đề nhức nhối khiến xã hội đặc biệt quan tâm.
 
Bạo lực gia đình có rất lâu trong đời sống gia đình, nhưng hiện nay đã trở thành vấn nạn khiến xã hội phải đặc biệt quan tâm. làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình, đồng thời ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội an ninh trật tự của địa phương. Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đặt biệt quan tâm tới việc xây dựng và bảo vệ gia đình vì vậy luật phòng chống bạo lực gia đình cũng được quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2008 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả hơn.
 
Tuy nhiên, bạo lực gia đình là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, gắn liền với truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương và nhận thức của người dân. Trên thực tế, tình trạng bạo lực gia đình đã và đang diễn ra ngày càng phổ biến ở nhiều nơi, nhiều thành phần, tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tính mạng của con người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em ngày càng gia tăng. Bạo lực gia đình không chỉ phát sinh ở những gia đình có học vấn thấp, trình độ nhận thức còn hạn chế mà còn xãy ra ở những gia đình có học vấn cao, không chỉ xảy ra ở những gia đình khó khăn về kinh tế mà còn xãy ra ở những gia đình khá giả, giàu có. Trong dó hành vi bạo lực gia đình gồm có: bạo lực về tinh thần, bạo lực thể chất và bạo lực tình dục. Và cho dù ở bất kỳ dạng nào thì bạo lực gia đình cũng gây ra những hậu quả nặng nề về thể xác và tinh thần đối với con người, gây tác động xấu đến sự bền vững của gia đình, làm cho nhiều gia đình tan nát, vợ chồng ly dị, con cái ly tán và gây tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển của xã hội.
 
Theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, nhưng có 4 nguyên nhân chính trực tiếp dẫn đến bạo lực gia đình là: do thiếu hiểu biết về pháp luật, do khó khăn về kinh tế, do say rượu, do tính gia trưởng.
 
Như vậy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình ở nước ta là do nhận thức về bình đẳng giới còn rất hạn chế, bất bình đẳng giới là gốc rễ của bạo lực gia đình, là sản phẩm của chế độ gia trưởng. Quan niệm về bất bình đẳng giới chính là sự phân biệt giữa nam giới và phụ nữ, đã đẩy chị em vào vị trí thứ yếu, phụ thuộc vào nam giới. Vì vậy nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình thường là phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó vẫn còn quan điểm phong kiến Phụ nữ phải phụ thuộc, thụ động và chỉ làm công việc nội trợ, nam giới là trụ cột trong gia đình, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng, định kiến như trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội và khả năng phát triển của chị em phụ nữ  trong gia đình và xã hội. Điều đáng tiếc là một bộ phận không nhỏ phụ nữ và nam giới chưa nhận thức được sự bất bình đẵng này cũng như sự cần thiết phải thay đổi nó, chính vì thế, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra, và nhiều gia đình còn cho rằng bạo lực gia đình là vấn đề của riêng gia đình họ không muốn sự can thiệp, giúp đỡ của các cơ quan chức năng.
 
Vì vậy, để nhằm ngăn chặn bạo lực gia đình thì trước tiên chúng ta cần phải nâng cao nhận thức về giới cho nam, nữ và cả cộng đồng, cần làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu được về bình đẳng giới, muốn làm được điều đó cần phải có sự chung tay vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng, đặc biệt là hội phụ nữ thông qua các sinh hoạt chi, tổ hội, tổ dân cư, sinh hoạt câu lạc bộ để tuyên truyền về luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo hành, nghị định 110/NĐ-CP về quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình tới cộng đồng và từng hộ gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của con người đối với bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
 
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải chú trọng công tác tuyên truyền, vận động chị em rèn luyện phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” để nâng cao vị thế của bản thân trong gia đình và ngoài xã hội. Động viên chị em khéo léo ứng xử trong gia đình nhằm để duy trì và hài hòa mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình.
 
Chú trọng vấn đề giải quyết việc làm cho những hộ gia đình khó khăn về kinh tế góp phần tăng thu nhập, ổn định kinh tế gia đình, đặt biệt là đối với hội viên, phụ nữ; xây dựng những địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm kịp thời bảo vệ, hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho những nạn nhân bị bạo lực gia đình.
 
Nếu chúng ta thực hiện có hiệu quả những biệp pháp trên trên thì chắc chắn sẽ thay đổi tích cực nhận thức của mỗi người dân, của cộng đồng, xã hội về bình đẳng giới, nhằm ngăn chặn được tình trạng bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình bình dẳng, tiến bộ hạnh phúc, xã hội ổn định và phát triển.
 
Bài: Tiến Loan
BBT.