Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Cần ngăn chặn, xóa bỏ bạo lực gia đình để có một gia đình bền vững và hạnh phúc!
09:09 | 23/06/2015 Print   E-mail    

 
 
Gia đình là nơi yên bình nhất của con người, là nơi mà con người tìm được sự chia sẻ và yêu thương, là nơi tiếp sức cho con người có nhiều nghị lực để vượt qua những áp lực trong công việc và các thử thách hay khó khăn bên ngoài xã hội. Quan hệ gia đình giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, anh chị em với nhau là quan hệ tình cảm thiêng liêng và ấm áp. Từ trước đến nay, gia đình luôn luôn được coi là tổ ấm, là nơi thỏa mãn những nhu cầu tình cảm và vật chất của các thành viên và bảo vệ họ trước những căng thẳng trong cuộc sống. Chính vì vậy, sự xuất hiện ngày càng mạnh mẽ của hiện tượng bạo lực gia đình đã làm cho rất nhiều thành viên trong các gia đình rơi vào trạng thái bất ổn thật sự. Sự gia tăng của nạn bạo lực gia đình đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, lo lắng của dư luận xã hội. Mái ấm gia đình không còn bình lặng vì sự xuất hiện ngày càng nhiều của nạn bạo lực gia đình. Vấn nạn này đã để lại nhiều nỗi đau về cả vật chất lẫn tinh thần cho người vợ, trẻ em, những nạn nhân được coi là đối tượng chịu nhiều hậu quả trực tiếp và nặng nề của bạo lực gia đình.
 
Ngày nay, bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình cũng như xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc... Những hành vi bạo lực đó gây ra những tiêu cực về mặt xã hội, dẫn đến sự bất ổn trong quá trình phát triển của gia đình và xã hội.
 
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là biểu hiện cao nhất của bạo lực gia đình. Đây không còn là chuyện riêng của mỗi nhà mà trở thành một vấn đề cần được cả xã hội quan tâm giải quyết. Điều quan trọng hơn hết là sự hiểu biết và ý thức của mỗi người, đặc biệt là người đàn ông trong gia đình: “Vai trò của nam giới trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ là điều vô cùng quan trọng. Bởi nam giới không chỉ là người thực hiện hành vi bạo hành mà họ còn có quyền lực rất lớn trong gia đình. Do đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm của nam giới là vô cùng quan trọng. Nam giới thường là nguyên nhân gây ra bạo lực và họ cũng là một phần trong giải pháp phòng chống”.
 
Theo điều tra ở 8 tỉnh Hội liên hiệp Phụ Nữ vào năm 2014, có 25% số gia đình được hỏi có hành vi bạo hành về thể chất, 30% số gia đình có bạo lực về tình dục và 25% số gia đình được hỏi có hành vi bạo lực về tinh thần trong đó phụ nữ là nạn nhân chiếm 97%. Trong thời gian gần đây hàng loạt các bài báo đăng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang mạng xã hội đã gây ra sự bức xúc và phẫn nộ của các thành viên trong xã hội về sự gia tăng của vấn đề bạo lực gia đình. Chúng ta có thể liệt kê một số bài báo sau đây: "Đổ xăng đốt vợ"; "Khống chế, đổ thuốc diệt cỏ vào miệng vợ"; "Kẻ giết vợ dã man"…Những bài báo trên đã mô tả những hành động dã man, vô nhân tính của người chồng đối với người vợ và những bi kịch gia đình đau lòng sau những vụ bạo hành ấy. Trên đây chỉ là những hành vi bạo lực gia đình đã được phát hiện và xử lý, còn trong thực tế có rất nhiều nạn nhân đang phải sống chung với bạo lực gia đình mà đối tượng gây ra bạo lực không ai khác là những thành viên gần gũi nhất trong gia đình thì chưa được trừng trị nghiêm minh của pháp luật.
                                                               (Hình minh họa)
 
Hậu quả của bạo lực gây ra là một nỗi đau đặc biệt nghiêm trọng, nó không chỉ gây tổn thương đến cuộc sống, sức khỏe, danh dự của các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm tới các chuẩn mực đạo đức xã hội, tiếp tay cho sự gia tăng các tệ nạn như: mại dâm, ma túy, người lang thang, tội phạm vị thành niên, nạn buôn bán trẻ em và phụ nữ...Bạo lực gia đình tác động tiêu cực đến lực lượng lao động và do đó cũng tác động đến các hoạt động kinh tế của nạn nhân bị bạo lực. Phụ nữ là nạn nhân chủ yếu của hành vi bạo lực, và sau mỗi hành vi bạo lực gây ra từ người chồng thì sức khỏe của phụ nữ ngày càng giảm sút và việc phải nghỉ làm để điều trị vết thương là điều không thể tránh khỏi đã ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình họ nói riêng và xã hội nói chung.
Có thể thấy nguyên nhân của nạn bạo lực gia đình trước hết là bởi các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương do chưa xây dựng được phương án điều tra thực trạng bạo lực gia đình một cách đồng bộ và sâu rộng nên chưa có các kế hoạch và giải pháp cụ thể. Hình thức đưa ra để giảm bớt bạo lực gia đình hiện nay chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền giáo dục, chưa có phân bố đầy đủ cán bộ chuyên trách công tác gia đình ở cơ sở, hầu hết các địa phương đang phân công cán bộ xã hội văn hóa kiêm nhiệm nên việc tổ chức phòng chống bạo lực gia đình chưa cao. Một nguyên nhân khác của nạn bạo lực gia đình là do tình trạng bất bình đẳng giới còn tồn tại trong gia đình và ngoài xã hội. Chính sự bất bình đẳng sâu sắc trong quan hệ giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ là nguyên nhân sâu xa và xuyên suốt các vụ bạo lực trong gia đình.
 
Nói tóm lại, bạo lực gia đình là vấn đề của gia đình, cộng đồng và xã hội. Vì vậy, chúng ta cần sớm xây dựng những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn cũng như xóa bỏ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội. Bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và xã hội. Do đó mà việc xóa bỏ bạo lực gia đình không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và quốc gia trong phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ khi nào công tác phòng, chống bạo lực được triển khai có hiệu quả thì lúc đó gia đình mới được coi là chốn yên bình và hạnh phúc của các thành viên trong gia đình và chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và phát triển bền vững./.
                                                                                              Bài: Lê Ngân

BBT.