Tôn vinh Ngày Gia đình Việt Nam nhằm thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Qua đó nêu cao những giá trị của gia đình, đó là tình cảm của ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, vợ, chồng, anh, em, tôn kính bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ. Ngày Gia đình Việt Nam năm 2015 sẽ tiếp tục tuyên truyền chủ đề "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" với ý nghĩa tôn vinh những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm, gắn với chủ đề truyền thông về công tác gia đình năm 2015 là"Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình".
Gia đình - đó là những viên gạch xây nên tòa lâu đài cho xã hội, là chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho mỗi thành viên, gia đình là tổ ấm nơi các con trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng và lớn lên. Nhưng khi tổ ấm ấy bị đổ vỡ thì những con trẻ thơ ấy biết tránh vào đâu trong cơn mưa bão. Những đứa trẻ lang thang bơ vơ giữa cuộc đời, không hy vọng, không chỗ dựa, không tình thương, chúng phải nếm trải những lo toan nhọc nhằn của cuộc sống. Trong khi đó, những đứa trẻ cùng trang lứa khác được học hành, được vui chơi, được yêu thương âu yếm được vỗ về với đôi bàn tay thân thương của cha mẹ.
Gia đình là bức tường vững chắc để ngăn ngừa tội phạm và cùng với gia đình, nhà trường là phía khác của bức tường ấy. Bởi lẽ, gia đình không hoàn thiện mới chỉ là nguyên nhân đầu tiên, chứ không phải là nguyên nhân duy nhất tạo ra những số phận trẻ thơ phải sống lang thang, cơ nhỡ.
Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi dùy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.
Trải qua nhiều thế hệ gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ảnh minh họa
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm xuất phát từ truyền thống đạo lý từ mấy ngàn năm văn hiến cho đến nay. Tên tuổi các vị anh hùng, các danh nhân, các bậc kỳ tài, các nhà cách mạng lỗi lạc đều xuất phát từ những gia đình có tính chất đặc biệt, tiềm ẩn trong những gia đình đó là sự giáo dục, chăm sóc của những người cha, người mẹ đã tảo tần nuôi con ăn học thành tài để ra giúp dân giúp nước. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong quá trình lịch sử đến nay.
Ngày 04 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/TTg chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Tạo điều kiện để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Người xưa có câu“ Đàn ông xây nhà, Đàn bà xây tổ ấm” đây cũng chính là lời nhắc nhở sâu sắc để mỗi chị em phụ nữ cần phát huy thiên chức của mình trong gìn giữ mái ấm gia đình. Hơn lúc nào hết mọi thành viên của các gia đình, đặc biệt là người phụ nữ, người thắp lửa cho gia đình cần quan tâm chăm lo nhiều hơn cho gia đình của mình xây dựng mỗi tế bào lành mạnh thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.
Ngày nay, với sự phát triển và hội nhập, truyền thống gia đình Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới với sự quan tâm yêu thương sâu sắc. Tuy nhiên trong xu thế hội nhập đã có nhiều vấn đề tiêu cực phát sinh phá vỡ nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam. Đứng trước những tác động tiêu cực phá vỡ sự phát triển bền vững của mỗi gia đình, những năm qua, Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương đã ban hành nhiều văn bản nhằm tạo điều kiện cho mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội với mục tiêu phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc.