Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Vũng Tàu – Thành phố 30 mùa hoa (1991-2021)
11:43 | 11/02/2021 Print   E-mail    

Những ngày tháng đầu tiên của năm 2021, trong không khí tươi vui, náo nức rộn ràng ở khắp các cơ quan, đơn vị, trên các nẻo đường của thành phố Vũng Tàu đang chào đón mùa xuân Tân Sửu 2021 đang đến gần thì nhiều công trình mới được khởi công, khánh thành, nhiều phong trào thi đua được các ngành, các cấp phát động, tạo nên khí thế của mùa xuân mới - mùa xuân đánh dấu hành trình 30 năm xây dựng và phát triển của thành phố Vũng Tàu (1991-2021). 

(Thành phố Vũng Tàu chào đón năm mới 2021, dấu ấn 30 năm thành lập thành phố (1991-2021) 

Cách đây 30 năm, ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trên cơ sở sắp xếp và hợp nhất các đơn vị hành chính, gồm đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo với một số huyện thuộc tỉnh Đồng Nai. Trong đó, thành phố Vũng Tàu cùng được thành lập, trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Tỉnh và hệ thống chính trị của thành phố bắt đầu hoạt động từ ngày 01/11/1991.

Tháng 04 năm 2013, thành phố Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Để có được thành quả đó quả thật không đơn giản một chút nào, đó là sự nỗ lực không ngừng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố hơn hai mươi năm (1991-2013).

Thành phố hiện có tổng diện tích tự nhiên là 15.000 ha, chiếm khoảng 7,31% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; có 17 đơn vị hành chính, gồm 16 phường và 01 xã, với dân số gần 500.000 người. Qua 30 năm (1991-2021) xây dựng và phát triển, thành phố Vũng Tàu đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả các mặt, trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nếu như ở thời điểm mới thành lập năm 1991, giá trị sản xuất các ngành kinh tế của thành phố Vũng Tàu chỉ đạt 271 tỷ đồng, đến nay đạt khoảng 70.500 tỷ đồng (gấp 260 lần); thu ngân sách thời kỳ đầu thành lập bình quân hàng năm đạt khoảng 14 tỷ đồng, đến nay đạt hơn 4.000 tỷ đồng (gấp 286 lần); thu nhập bình quân đầu người thời kỳ đầu thành lập đạt khoảng 500USD/người, nay đạt khoảng 8.000USD/người (gấp 16 lần). Thành phố Vũng Tàu cũng không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Nếu như thời kỳ đầu hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố Vũng Tàu mới chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất về giao thông thì đến nay đã có hàng chục tuyến giao thông chính được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp đồng bộ, hiện đại. Toàn bộ các đường hẻm trong khu dân cư đều được đầu tư nâng cấp và lắp đặt đèn chiếu sáng để phục vụ dân sinh; 100% phường, xã thuộc thành phố Vũng Tàu đều đạt chuẩn quốc gia về y tế, chất lượng giáo dục của thành phố Vũng Tàu luôn đứng đầu tỉnh hằng năm.

Vũng Tàu sở hữu một vùng biển với nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, những bãi biển lý tưởng như Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dứa, Bãi Dâu… và nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc sắc, thành phố xác định du lịch là ngành kinh tế chiến lược. 05 năm trở lại đây, thành phố Vũng Tàu đã đầu tư nhiều công trình để khẳng định vị thế của một đô thị loại I trực thuộc Tỉnh. Với việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, diện mạo đô thị của thành phố Vũng Tàu ngày càng khởi sắc. Các công trình như công viên Bãi Trước, Hoa viên Trưng Vương, các thảm cây trên đường phố đã làm cho bộ mặt đô thị xanh mát hơn. Mạng lưới giao thông ngày càng hoàn chỉnh, giải tỏa được nhiều nút ách tắc giao thông. Một số tuyến đường đã được đầu tư xây dựng, cải tạo mở rộng như: đường 30-4, Nguyễn An Ninh, Trương Công Định, Võ Thị Sáu, Hoàng Hoa Thám, 3-2, Võ Nguyên Giáp…Các tuyến đường ở khu vực xa trung tâm cũng đã được nâng cấp đồng bộ cả mặt đường, vỉa hè, thoát nước, cây xanh. Nhiều công trình văn hóa, xã hội, du lịch, trường học, bệnh viện, công viên cây xanh và điện chiếu sáng … được đầu tư phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư và mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí của nhân dân; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Thành phố Vũng Tàu đã và đang thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam của Chính phủ giai đoạn 2018-2025, thực hiện Nghị quyết 112/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh giai đoạn 2020 - 2022, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc thông minh hóa các ứng dụng trong quản lý điều hành và các ứng dụng thông minh phục vụ cho doanh nghiệp, người dân và du khách. Theo đó, Đề án phát triển đô thị thông minh thành phố Vũng Tàu giai đoạn 2020 - 2022, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Vũng Tàu sẽ trở thành đô thị thông minh thông qua việc ứng dụng các thành tựu Công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông vào tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và dựa trên 6 đặc trưng cơ bản: Nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, môi trường thông minh, công dân thông minh, cuộc sống thông minh. Tất cả sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

Năm 2020 vừa qua, Thành phố Vũng Tàu là địa phương thí điểm đô thị thông minh đầu tiên trên địa bàn tỉnh, theo đó, thành phố Vũng Tàu là địa phương đầu tiên áp dụng xây dựng cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu để xây dựng đô thị thông minh. Ông Nguyễn Trọng Thụy - Trưởng phòng quản lý đô thị Vũng Tàu cho biết, trong giai đoạn 2020-2022, thành phố sẽ triển khai phần mềm quản lý đất đai, đô thị, môi trường, giao thông, du lịch… vào áp dụng, người dân, du khách sẽ được tiếp cận các thông tin trên được dễ dàng, thuận tiện hơn. Ít nhất là mình phải số hóa về dữ liệu đất đai, nhà ở. Đưa các tiện ích vào ứng dụng như du lịch thông minh. Du khách đến Vũng Tàu muốn được truy cập vào danh lam, thắng cảnh, nhà hàng thì công cụ tiện ích sẽ cung cấp cho khách. Cơ quan nhà nước thông qua đó cũng kiểm soát được lượng khách lưu trú ở các hệ thống khách sạn.

Có thể thấy rằng, sau 30 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu mà thành phố Vũng Tàu đạt được như hôm nay là có sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành của Tỉnh cũng như vai trò quan trọng từ lãnh đạo cấp ủy địa phương qua các thời kỳ, đã có những đường lối, chủ trương và chỉ đạo đúng đắn, chèo lái thành phố đi đúng hướng, đúng trọng tâm. Với quyết tâm tiếp tục xây dựng thành phố Vũng Tàu trở thành đô thị loại I với nhiều tiềm năng và lợi thế, thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền thành phố Vũng Tàu sẽ đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp đồng bộ để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được giao, quyết tâm xây dựng thành phố Vũng Tàu ngày văn minh, hiện đại./.     

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT