Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Bình đẳng giới giữa trẻ em trai và gái trong gia đình hiện nay
09:32 | 06/08/2013 Print   E-mail    

 

BÌNH ĐẲNG GIỚI GIỮA TRẺ EM TRAI VÀ GÁI
TRONG GIA ĐÌNH HIỆN NAY
 
              Trẻ em là mầm non của mỗi nước và là vấn đề được nhân loại hết sức quan tâm. Ở nước ta vẫn còn ảnh hưởng rất nặng nề tư tưởng trọng nam khinh nữ tình trạng phân biệt đối xử với trẻ em gái vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở nông thôn và thành thị, từ trong gia đình ra ngoài xã hội với mức độ khác nhau. Luật bình đẳng giới năm 2006 ra đời phần nào xóa giảm sự bất bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong gia đình và xã hội. Việc quan tâm, chăm lo, giáo dục, sự không phân biệt đối xử giữa trẻ em trai và trẻ em gái của gia đình và xã hội sẽ giúp cho thế hệ trẻ có hành trang vững chắc bước vào đời.
 
           Bình đẳng giới trong gia đình thực chất là bình đẳng giữa vợ, chồng, con trai, con gái, nam-nữ về vị trí, vai trò trong đó bao gồm sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn nhân lực, bình đẳng trong thù lao công việc, bình đẳng trong việc thụ hưởng các thành quả và bình đẳng trong các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội. Điều đó có nghĩa là đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình giúp cho nam-nữ đều được tạo cơ hội để phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng và xã hội.
 
          Như vậy bình đẳng giới giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong gia đình được hiểu là trong gia đình giữa trẻ em trai và trẻ em gái bình đẳng trong việc được chăm sóc bảo vệ quyền được sống, bình đẳng về quyền được học tập, bình đẳng trong việc thực hiện các công việc trong gia đình, bình đẳng về quyền được nghỉ ngơi, được vui chơi và tham gia các hoạt động vui chơi, giả trí phù hợp với lứa tuổi. Các thành viên khác trong gia đình không được có hành vi phân biệt đối xử giữa trẻ em trai và trẻ em gái .
 
Hiện nay khi đa số phụ nữ có bầu, họ sẵn sàng đến các phòng khám tư nhân để siêu âm giới tính thai nhi, mặc dù việc này đã bị nghiêm cấm. Nhiều trường hợp khi phát hiện thai nhi là bé gái họ không ngần ngại bỏ đi để chờ lần sau là con trai. Tình trạng nạo phá thai, lựa chọn giới tính của thai nhi trước khi sinh đã làm cho nhiều đứa trẻ khi còn trong bụng mẹ đã bị tước đoạt quyền được sinh và được sống. Do nước ta vẫn còn ảnh hưởng của hệ tư tưởng phong kiến”trọng nam khinh nữ”, các gia đình hay dòng họ từ xưa đã coi trọng việc sinh con trai, họ quan niệm “nhất nam viết nữ, thập nữ viết vô” dẫn đến nước ta vẫn còn bất bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái về các điều kiện bảo đảm cuộc sống ổn định. Việc các gia đình coi trọng con trai dẫn đến khi sinh con ai cũng muốn sinh em bé trai. Điều đó vô hình dung dẫn đến sự mất cân bằng về giới tính. Theo số liệu của các cơ quan chức năng thì ở nước ta hiện nay, có nơi tỷ lệ sinh là 135 bé trai/ 100 bé gái. Điều này là bất lợi, đáng cảnh báo trong tương lai gần
 
               Nguyên nhân dẫn đến sự bất bình là do chính các hộ gia đình đã định hình các mối quan hệ giới ngay từ đầu của quá trình xã hội hóa cá nhân và truyền tải chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong nhiều gia đình vẫn còn tồn tại sự phân công chênh lệch các công việc trong gia đình đối với trẻ em trai và trẻ em gái. Trẻ em gái phải bắt đầu làm việc khi còn ít tuổi, trong khi đó trẻ em trai có nhiều cơ hội đến trường học tập. Ngày càng có nhiều trẻ em gái bắt đầu kiếm sống vì nhu cầu kinh tế để tồn tại, công việc của trẻ em gái thường bếp bênh và chất lượng thấp, đặc biệt trẻ em gái có nguy cơ bị buôn bán. Trong phần lớn các gia đình trẻ em trai thường được ưu tiên không tham gia vào các hoạt động vô hình trong gia đình. Trẻ em trai có nhiều thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các hoạt động giải trí khác nhiều hơn so với trẻ em gái. Ví dụ như trẻ em gái khi đến trường học xong về nhà phải giúp bố mẹ làm các công việc nhà trong gia đình, trẻ em gái ở nông thôn học xong về nhà giúp bố mẹ nấu cơm, thái rau, bèo nấu cám cho lợn ăn trong khi thời gian đó trẻ em trai lại được nghỉ ngơi, cùng bạn tham gia vào các hoạt động giải trí khác. Do đó các gia đình không nên có sự chênh lệch về thời gian nghỉ ngơi giữa các trẻ. Cần cân đối thời gian hợp lý để cả trẻ em trai và trẻ em gái đều được nghỉ ngơi, tham gia vui chơi giải trí như nhau, bảo đảm phát triển trí tuệ và thể lực của trẻ.
 
              Phân biệt đối xử về giới trong gia đình là vấn đề cần được giải quyết để từ đó đạt được mục tiêu bình đẳng giới một cách thực chất. Vì gia đình là trường học đầu tiên của trẻ, mọi cử chỉ hành vi của người lớn đều được trẻ em tiếp thu và hình thành trong nhân cách của trẻ. Những biểu hiện của bình đẳng giới ngày càng phổ biến trên nhiều lĩnh vực và được nhận thức sâu sắc trong nhiều người dân. Tuy nhiên, không thể phủ nhận trên thế giới và đặc biệt ở Việt Nam hiện còn nhiều quan điểm bảo thủ, ủng hộ cho sự phân biệt giới. Định kiến giới được hình thành từ rất lâu và nó ăn sâu vào trong quan niệm của mọi người.
  

Để thực hiện tốt bình đẳng giới trong gia đình cần tăng cường tuyên truyền giáo dục các vấn đề giới, bình đẳng giới trong gia đình được quy định trong các chủ trương, chính sách, Pháp luật của Đảng và Nhà nước ta đặt ra. Từ cơ sở đó mỗi người có ý thức tốt về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình “ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường, giúp cho trẻ em nhận thức được những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và có hệ thống. Từ đó các em có ý thức trách nhiệm trong xây dựng gia đình sau này. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện Luật bình đẳng giới ở nước ta hiện nay, để từ đó mọi người có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện bình đẳng giới. Trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ là của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức nghề nghiệp.

             Thực hiện tuyên truyền sâu rộng luật bình đẳng giới, người làm công tác giáo dục truyền thông về bình đẳng giới phải có kiến thức về giới và bình đẳng giới để tuyên truyền phổ biến cho mọi người đều hiểu được nam nữ, trẻ em trai và trẻ em gái đều được không bị phân biệt đối xử về giới không chỉ là chuyện trong gia đình mà là vấn đề toàn xã hội. Đây chính là những tiền đề quan trọng để biến các quy định của Luật bình đẳng giới thành thực tiễn trongcuộc sống.

                Lợi ích của vấn đề bình đẳng giới vượt xa hơn nhiều những tác động trực tiếp của chúng tới trẻ em. Bình đẳng giới là nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ từ các cơ quan tổ chức, các cấp, các ngành và sự nỗ lực của chính các cá nhân trong gia đình. Vì vậy chúng ta cần quan tâm đến trẻ em để đảm bảo các quyền của trẻ em được thực hiện. Cần xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới giữa trè em trai và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội.              

Bài: Lệ Thủy

Ảnh sưu tầm

BBT.