Chúng ta có thể thấy rằng, hiện nay, điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia đang trở thành vấn nạn gây ra hiểm họa khôn lường trong toàn xã hội. Thời gian qua, trên cả nước nói chung và tại thành phố Vũng Tàu nói riêng đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm do sử dụng rượu, bia gây ra. Chính vì thế, hạn chế tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội. Hơn lúc nào hết, ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra.
Một vụ va chạm giao thông do rượu bia xảy ra trên đường Lê Hồng Phong, thành phố Vũng Tàu
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng xác định, nguyên nhân TNGT do vi phạm nồng độ cồn còn chiếm tỷ lệ cao là do thói quen sinh hoạt, tập quán văn hóa chúc tụng nhau uống rượu bia, nhất là vào dịp lễ, Tết; hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm còn hạn chế; các cán bộ, đảng viên chưa phát huy tốt vai trò nêu gương trong việc thực hiện quy định “đã uống rượu bia, không lái xe”; Ngày 14-6-2019, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, sửa khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và trên cơ sở 2 năm sơ kết thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Theo đó khoản 6 Điều 5 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia: "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" và khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 21 quy định: "Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông; cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông". Mới đây, một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với hành vi “Uống rượi bia khi tham gia giao thông”.
Theo thông tin từ Đội cảnh sát giao thông – Công an thành phố Vũng Tàu thì: Trong Tháng 10 năm 2020 vừa qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được giữ vững và ổn định, bảo vệ an toàn các mục tiêu trên địa bàn. Song, trên địa bàn thành phố Vũng Tàu vẫn xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, làm chết 03 người, bị thương 16 người, hư hỏng 30 xe các loại, thiệt hại 22,5 triệu đồng (so với tháng trước giảm 12 vụ; số người chết giảm 02 người, số người bị thương giảm 10 người, số xe hư hỏng tăng 16 chiếc); lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính về an toàn giao thông, trật tự tại các khu du lịch 1.008 trường hợp, tạm giữ 09 ô tô, 02 xe ba bánh, 111 xe mô tô, 03 xe đạp và 685 giấy tờ các loại, ra quyết định xử phạt hành chính 990 trường hợp với số tiền trên 970,8 triệu đồng. Tước giấp phép lái xe có thời hạn 40 trường hợp; gián thông báo xử phạt 18 trường hợp đậu xe không đúng quy định với số tiện 15,3 triệu đồng. Lũy kế 10 tháng xảy ra 214 vụ tai nạn giao thông, làm chết 47 người, bị thương 175 người, hư hỏng 351 xe các loại, thiệt hại 261,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019 số vụ tai nạn giao thông giảm 12 vụ, số người chết giảm 08 người, số người bị thương tăng 68 người, số xe hư hỏng giảm 36 chiếc; lập biên bản 9755, xử lý vi phạm hành chính về trật tự giao thông 8.374 trường hợp, với số tiền trên 6,9 tỷ đồng. Mà thực tế chứng minh nguyên nhân chính để xảy ra các vụ tai nạn giao thông vẫn liên quan nhiều đến rượu, bia.
Điều đáng nói là dù các cơ quan chức năng đã thường xuyên kiểm tra, tăng cường xử phạt nhưng tình trạng lái xe sử dụng rượu bia vẫn còn phổ biến. Nguyên nhân của tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn chiếm tỷ lệ cao, theo ý kiến của nhiều người là do thói quen sinh hoạt, tập quán văn hóa của người dân về uống rượu bia đã tồn tại từ lâu. Theo ghi nhận tại thành phố Vũng Tàu, việc xử lý những vi phạm liên quan đến nồng độ cồn đã và đang được các ngành chức năng triển khai đồng bộ, mạnh mẽ với quyết tâm phòng, tránh các vụ TNGT thương tâm có thể xảy ra. Đối với hành vi vi phạm này, lực lượng chức năng tại thành phố Vũng Tàu đã kiên quyết lập biên bản, giữ phương tiện và hướng dẫn người say rượu ra về bằng các hình thức an toàn. Tuyệt đối không để người say rượu tiếp tục điều khiển phương tiện, bởi có nguy cơ cao đến tính mạng chính họ, hoặc những người cùng lưu thông. Nhằm thực hiện nghiêm việc chấp hành quy định không uống rượu, bia khi tham gia giao thông, thời gian qua, lực lượng CSGT tại thành phố Vũng Tàu đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tuần tra xử lý vi phạm, trong đó tập trung vào lỗi uống rượu, bia. Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã gắn việc ra quân thực hiện tháng ATGT với tuyên truyền “Nói không với uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”. Tuy nhiên để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của ngành chức năng cũng như toàn xã hội.
Theo đại diện Đội cảnh sát giao thông – Công an thành phố Vũng Tàu thì: Giải pháp đặt ra để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông là cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, qua đó thông tin về quy định nồng độ cồn đối với người sử dụng khi tham gia giao thông cũng như tác hại của việc uống rượu, bia… để nhân dân biết, nghiêm túc thực hiện. Mặt khác, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể cần vận động công chức, viên chức, hội viên chấp hành quy định về TTATGT nói chung và không uống rượu, bia khi tham gia giao thông nói riêng để làm gương trong nhân dân. Để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng của bản thân và người khác, hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông. Đây cũng là biện pháp để mọi người cùng chung tay góp phần xây dựng văn hóa giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Vũng Tàu.
Những ngày tháng cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang tới gần, để an toàn hơn khi tham gia giao thông, chúng ta phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông kết hợp với sự giáo dục của các cấp, các ngành, các đoàn thể, nhà trường và gia đình để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tham gia giao thông của cộng đồng. Đồng thời phải có những biện pháp, chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm luật an toàn giao thông./.
Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT