Lòng nhân ái là một giá trị bền vững, là nhân tố quan trọng hàng đầu tác động đời sống văn hóa tinh thần và trở thành truyền thống, bản lĩnh Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử; là cơ sở vững chắc gắn kết các khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy, một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên hiện nay chưa nhận thức đầy đủ về lòng nhân ái nên hiệu quả còn hạn chế. Nhận thức đầy đủ và đúng đắn về tầm quan trọng giáo dục lòng nhân ái thông qua hoạt động từ thiện, ngoại khóa hiện nay là yếu tố quan trọng trong sự thành công của sự nghiệp giáo dục đào tạo, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Vũng Tàu đã và đang quan tâm đến các hoạt động giáo dục về lòng nhân ái và tinh thần “tương thân tương ái” cho học sinh.
(Trường tiểu học Hải Nam thành phố Vũng Tàu tổ chức chương trình " Trái tim hồng" hướng về đồng bào các tỉnh miền Trung)
Từ ngàn xưa, cha ông ta đã từng răn dạy con cháu: “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Đúng vậy, yêu thương con người là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam mà mỗi chúng ta ngày nay phải có trách nhiệm kế thừa và phát huy nó lên một tầm cao mới. Ở nhà trường, môn đạo đức ở bậc Tiểu học, môn giáo dục công dân ở Trung học cơ sở và rất nhiều bộ môn khác nữa đã đồng hành cùng với sự nghiệp giáo dục để giáo dục học sinh lòng yêu thương con người, hướng các em đến với những việc làm tốt đẹp, việc thiện và tránh xa việc làm sai trái, việc xấu, ác.
Những ngày qua, cùng với các tầng lớp nhân dân trong cả nước hướng về miền Trung bị thiệt hại do bão lũ gây ra, các trường học tại thành phố Vũng Tàu đã diễn ra những hoạt động quyên góp, ủng hộ, chia sẻ với những khó khăn mà đồng bào miền Trung đang phải gánh chịu được lan tỏa mạnh mẽ. Từ lời kêu gọi, phát động ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ gây ra của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các trường học trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã tích cực hưởng ứng, ủng hộ với sự tham gia đông đảo của giáo viên và học sinh. Từ bậc Tiểu học đến THCS, THPT đâu đâu cũng thấy hình ảnh thầy cô giáo, học sinh quyên góp, ủng hộ sách, vở, dụng cụ học tập, áo quần, lương thực, tiền để hỗ trợ cho đồng bào vùng bão lũ. Nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung, ngay từ những ngày đầu kêu gọi, các Trường học của thành phố Vũng Tàu đã phát động đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường tham gia ủng hộ giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục khó khăn sau mưa lũ. Rất đông học sinh của thành phố đã dành tiền ăn sáng, đập heo đất của mình để mua những món quà ý nghĩa như bút, vở trắng, khăn mặt, kem đánh răng, xà bông… hay quyên góp áo quần, sách cũ gửi tặng các bạn học sinh miền Trung.
Sau một thời gian phát động, các hoạt động hướng về đồng bào miền Trung của các Trường học trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã được cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh toàn thành phố tích cực hưởng ứng. Ngoài tiền mặt, các nhà trường còn nhận được nhiều quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm… Trước khi đưa cho các đoàn cứu trợ đến với đồng bào miền Trung, những vật dụng này đều đã được chọn lọc, phân chia theo chủng loại, bảo đảm sự phù hợp và giá trị sử dụng. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên, học sinh đã tranh thủ thời gian sau buổi học gấp rút phân loại, đóng gói quần áo, sách vở…với tình yêu thương sâu lắng.
Chị Phạm Hải Triều, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Hải Nam, thành phố Vũng Tàu cho biết: “Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Ngay khi Trường Tiểu học Hải Nam phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, tôi đã cùng các con chọn ra những vật dụng trong gia đình còn sử dụng được như chăn mền, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập để quyên góp. Chăn mền, quần áo được giặt sạch sẽ, thơm tho, sách vở được bao lại cẩn thận để con mang đến trường đóng góp, gửi các bạn học sinh miền Trung”.
(Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân thành phố Vũng Tàu tổ chức chương trình “Hướng về miền Trung thân yêu”)
Em Lê Hoài An – Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thành phố Vũng Tàu chia sẻ: “Con đập heo đất ra được 1.050.000 đồng, còn em con đập ra được 750.000 đồng. Tất cả số tiền này con và em đều bỏ vào thùng để cùng các bạn quyên góp cứu trợ vùng lũ lụt. Đây là số tiền mà tụi con được bố mẹ cho khi được điểm cao và tiết kiệm, ăn sáng còn dư thì bỏ vào heo, với dự định để mua đồ dùng học tập. Nhưng con thấy hoàn cảnh của người dân miền Trung hiện tại đang bị lũ lụt và mất mát nhiều thứ nên hai anh em con quyết định đập ra để ủng hộ”.
Theo cô Dương Thị Lam – Giáo viên bộ môn Ngữ Văn, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, phường Rạch Dừa, thành phố Vũng Tàu thì: Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam, những ngày qua, Trường THCS Ngô Sĩ Liên đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, kịp thời cứu giúp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Hình ảnh về bão lũ trong những ngày qua đã khiến nhiều người không khỏi day dứt, thương cảm bởi những đau thương khúc ruột miền Trung đang phải gánh chịu. Thông qua các hoạt động ý nghĩa này, cán bộ, giáo viên chúng tôi mong muốn sẽ góp phần giáo dục cho các em học sinh về lòng nhân ái và tinh thần “tương thân tương ái”, giúp các em hình thành nhân cách, đức tính nhân hậu để mai này trở thành người có ích cho xã hội.
Có thể thấy rằng, Lòng nhân ái và tinh thần “tương thân tương ái” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Mỗi khi đồng bào trên khắp mọi miền Tổ quốc gặp thiên tai, khó khăn thì tinh thần ấy lại được phát huy một cách mạnh mẽ nhất. Cùng với cả nước hướng về miền Trung bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra, những ngày qua cán bộ, giáo viên, học sinh toàn thành phố Vũng Tàu đã tổ chức quyên góp, ủng hộ nhằm chung tay giúp đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và học tập sau bão lũ. Phong trào ủng hộ đã lan tỏa sâu rộng trong các trường học trên địa bàn thành phố. Thông qua hệ thống Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hoặc qua tổ chức đoàn, hội để chuyển số tiền và hàng hóa đã quyên góp được đến với đồng bào vùng lũ. Đây còn là hoạt động có ý nghĩa trong trường học nhằm giáo dục học sinh về lòng nhân ái, tinh thần “tương thân tương ái”, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta./.
Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT