Trong 9 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng, nhiều hoạt động kinh tế phải tạm dừng để thực hiện phòng chống dịch. UBND thành phố Vũng Tàu đã triển khai quyết liệt các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thành ủy về thực hiện các biện pháp phòng, chống kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh Codvid – 19 và vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng; thực hiện rà soát đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; chủ động xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Vũng Tàu.
(CoopMart Vũng Tàu đang thực hiện chương trình khuyến mãi “Lễ Hội Nho” với giá hấp dẫn)
Theo dự báo của ngành công thương Bà Rịa-Vũng Tàu, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, do vậy, thị trường trong nước tiếp tục giữ vai trò là động lực sản xuất đối với các doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tại thành phố Vũng Tàu, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 19.629 tỷ đồng, đạt 69,85% kế hoạch, tăng 0,18% so với cùng kỳ năm 2019; Giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 22.100 tỷ đồng, đạt 72,46% kế hoạch, bằng 98,70% so với cùng kỳ năm 2019.
Khảo sát thực tế thị trường tại thành phố Vũng Tàu thời điểm này, nhìn chung thị trường hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Tại hệ thống siêu thị Coopmart Vũng Tàu, Lotte Vũng Tàu và nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Vũng Tàu nguồn cung hàng hóa rất đa dạng, lượng người tiêu dùng đến mua sắm vẫn ổn định. Các doanh nghiệp đã có phương thức giám giá thành nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, thúc đẩy lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã tác động tích cực đến sức mua của người tiêu dùng, làm tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng toàn thành phố.
Những tháng cuối năm 2020 dự báo có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá cả. Giá nhiều loại nguyên vật liệu, nhiên liệu có xu hướng tăng. Để bình ổn thị trường tại thành phố, kiểm soát tốt giá cả hàng hóa, kiềm chế lạm phát, thời gian tới, các ngành chức năng tại thành phố Vũng Tàu sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, bảo đảm ổn định mặt bằng giá cả. Kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá. Tăng giá bất hợp lý; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ đời sống nhân dân cũng như các thiết bị vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch...
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2020, vừa qua, Sở Công Thương Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung bám sát diễn biến, tình hình, không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra; quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bà Rịa-Vũng Tàu thì: Trong những tháng còn lại của năm 2020, các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tập trung vào các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử. Phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá, nông sản Việt qua thương mại điện tử trên “Gian hàng Việt” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt phát triển. Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam của các doanh nghiệp Việt Nam; quảng bá các sản phẩm thực phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thông qua các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm. Tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng; giữa các đơn vị sản xuất với nhau; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại một số địa phương. Tổ chức Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; các hội chợ, triển lãm để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tới người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Có thể nói, trong những tháng cuối năm 2020, để bình ổn thị trường thì vai trò của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Việc trao đổi thông tin giữa ngành công thương của các tỉnh, thành phố cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, chú trọng cập nhật thị trường, nhất là các đợt cao điểm, dịp Tết. Sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và những doanh nghiệp, nhà cung ứng hàng hóa ở các địa phương trong vùng sẽ vừa tạo động lực thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa là yếu tố bảo đảm cân bằng cung-cầu hàng hóa, bình ổn thị trường./.
Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT