Khoa học công nghệ Khoa học công nghệ
Bệnh viện Lê Lợi và bệnh viện Bà Rịa áp dụng quy trình chăm sóc sản khoa mới
07:04 | 07/08/2015 Print   E-mail    


Nhằm giảm tai biến sản khoa và tử vong trẻ sơ sinh, Bệnh viện Lê Lợi và Bệnh viện Bà Rịa đã áp dụng quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh sớm (gọi tắt là EENC). Đến nay, Khoa Sản của hai Bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện cho hàng ngàn trường hợp sản phụ đến sinh con tại Bệnh viện. Phương pháp này đang mang lại nhiều lợi ích cho cả trẻ sơ sinh, sản phụ và nhân viên y tế.
 

Người mẹ vui mừng bên con sau khi sinh áp dụng quy trình EENC

Chị Võ Thị Thanh, 30 tuổi ở tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành vừa sinh đứa con thứ hai tại khoa Sản, Bệnh viện Bà Rịa. Khác với lần sinh đầu, lần này mẹ con chị Thanh được chăm sóc bằng quy trình EENC. Khi con chị Thanh vừa được đỡ ra khỏi cơ thể mẹ, nữ hộ sinh nhanh tay lau khô, ủ ấm và đặt bé lên trên bụng mẹ để tiếp xúc “da kề da”, hay còn gọi là “cái ôm đầu tiên”. Được ôm con ngay khi vừa sinh ra đã giúp chị Thanh quên đi cảm giác đau đớn mệt mỏi của quá trình “ vượt cạn”. Chia sẻ cảm xúc của mình khi sinh con và được áp kỹ thuật mới, chị Cao Thị Dung ở xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành cho biết: “Sinh con lần này khác với trước nhiều. Trước đây pahir mấy tiếng sau tôi mới được ôm con, còn bây giờ sinh ra là được ôm ngay. Tôi thấy rất là hạnh phúc và sung sướng”

 
Có chung cảm xúc hạnh phúc như chị Thanh, chị Phan Thị Thu Hằng- 29 tuổi ở số nhà 80/1, đường Ngư Phủ, phường 6, Thành phố Vũng Tàu cho biết: “Sau khi sinh con thứ hai tại Bệnh viện Lê Lợi, so với lần sinh trước, cảm giác đau đớn ở cổ tử cung và âm đạo giảm đi rất nhiều. Con của tôi sau khi lọt lòng đã được tiếp cận ngay với nguồn sữa mẹ, tôi cũng không còn cảm giác lo lắng sợ bị lạc con như trước đây nữa”.
 
Nữ hộ sinh trưởng Nguyễn Thị Lang- Bệnh viện Lê Lợi cho biết, “Bước đầu tiên trong quy trình mới là “ da kề da”, tức nữ hộ sinh sẽ lau khô bé và đặt bé trên ngực mẹ. Phương pháp này giúp giảm tình trạng hạ thân nhiệt của trẻ, giúp cho bé ổn định được thân nhiệt. Bởi vì trẻ từ môi trường bụng mẹ là 37 độ, khi đột ngột ra môi trường bên ngoài trẻ rất dễ bị hạ thân nhiệt, do đó khi da kề da thì nhiệt độ của mẹ sẽ truyền cho em bé giúp giảm tình trạng hạ thân nhiệt. Đối với trẻ sơ sinh non tháng, trẻ có  những đợt ngưng thở thì chính động tác thở của mẹ qua tiếp xúc trực tiếp như vậy giúp cho trẻ thở đều đặn hơn.”
 
Không chỉ giúp trẻ ổn định thân nhiệt, việc vẫn để nguyên dây rốn trong khi trẻ được đặt trên bụng mẹ còn giúp trẻ phòng chống thiếu máu trẻ sơ sinh nhờ được cung cấp máu từ mẹ qua dây rốn. Dây rốn chỉ được cắt khi ngừng đập. Những trường hợp trẻ bị ngạt cần hồi sức tích cực mới phải kẹp dây rốn sớm. Rốn của trẻ sau khi cắt sẽ được để khô và rụng tự nhiên chứ không băng rốn và sát khuẩn như trước đây.
 
Bác sĩ Nguyễn Văn Trọng- Trưởng khoa Sản- Bệnh viện Bà Rịa cho biết: “Trước đây khi trẻ sinh ra sẽ kẹp cắt rốn liền còn hiện tại với kỹ thuật mới này, nhân viên y tế chờ cho đến khi nào dây rốn ngừng đập mới cắt rốn. Trong thời gian chờ đợi đó chúng tôi thấy rằng số lượng máu truyền từ bánh nhau của mẹ qua cho em bé khoảng 80ml, thậm chí là 100ml trong 3 phút đầu. Điều này mang lại số lượng Sắt cho trẻ từ khoảng 40 đến 50 mg Sắt trên 1 kg cân nặng. Lượng Sắt này kèm với lượng Sắt vốn có trong cơ thể của bé nó làm giảm tình trạng thiếu máu, thiếu Sắt ở những năm đầu đời của trẻ. Đặc biệt là trong thời gian chờ đợi máu truyền từ bánh nhau của mẹ qua em bé thì máu này nó cung cấp một số lượng Prothrombin là thuốc đông máu giúp cho bé giảm tình trạng xuất huyết não.”
 
Một điểm mới và khác so với quy trình trước đây nữa, đó là sau khi trẻ chào đời, nhân viên y tế sẽ không thực hiện hút nhớt từ mũi và họng của trẻ mà để tự khô, trừ những trường hợp trẻ bị tắc nghẽn đường thở mới thực hiện hút nhớt. Cách làm này nhằm giảm tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cho trẻ sơ sinh.
 
Nữ hộ sinh trưởng Lê Thị Khánh Quy – Khoa Sản Bệnh viện Bà Rịa cho biết: “Chúng tôi thấy rất là thuận lợi khi áp dụng quy trình này vì đa số các bà mẹ đều bằng lòng thực hiện .Khi thực hiện quy trình này chỉ cần 1 người thực hiện đỡ đẻ và 1 người phụ( có thể là bà mẹ hoặc người thân của bà mẹ) là được. Và khi thực hiện quy trình mới tạo cho nhân viên y tế thay đổi những hành vi không đúng trước đây như hút nhớt đại trà cho trẻ,  kỹ thuật hút nhớt này dễ gây tổn thương cho niêm mạc mũi và vòm họng của em bé "
 
Cũng theo phương pháp mới, sản phụ sau khi sổ thai sẽ được tiêm oxytocin và xoa đáy tử cung 15 phút/lần trong hai giờ đầu, nhằm giảm đáng kể tỷ lệ băng huyết sau sinh. Theo báo của Sở y tế tỉnh,  sau hơn 7 tháng áp dụng, viện Bà Rịa, đã thực hiện được 3.461 ca sanh thường ứng dụng quy trình EENC. So với cùng kỳ năm 2014, tình hình băng huyết sau sinh đã giảm gần 10 trường hợp, số trẻ sơ sinh phải chuyển khoa nhi điều trị đã giảm gần 20 trường hợp, rốn trẻ khô nhanh trong vòng 24 giờ. Bệnh viện Lê Lợi sau khi được Bệnh viện Bà Rịa tập huấn quy trình này cũng đã áp dụng vào đầu tháng 7/2015, đến nay đã thực hiện được hơn 200 ca sinh thường áp ứng dụng quy trình EENC. Theo đánh giá của các bác sĩ Sản Khoa hai bệnh viện tuyến tỉnh, quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh góp phần làm giảm thời gian chăm sóc sản phụ xuống còn một nửa, các chi phí y tế khác như dụng cụ hút nhớt, băng bông, hóa chất sát khuẩn rốn… cũng giảm đáng kể.
 
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở y tế, Bệnh viện Bà Rịa đã tập huấn quy trình EENC cho đội ngũ y bác sĩ, nữ hộ sinh và điều dưỡng Khoa Sản ở các TTYT huyện/Thành phố. Hiện các đơn vị này cũng đã bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 8/2015. Riêng các ca đẻ mổ hiện nay vẫn chưa thể ứng dụng hoàn toàn theo quy trình EENC, bởi hai bệnh viện tuyến tỉnh vẫn chưa đủ nhân lực để giúp sản phụ thực hiện bước “ “da kề da” do sản phụ sanh mổ bị ảnh hưởng của thuốc tê hoặc mê không đủ tỉnh táo để tự thực hiện phương pháp này./.

Bài, ảnh: Minh Anh, BBT