Theo thống kê của ngành Tài nguyên- Môi trường khoảng 70% chất gây ô nhiễm biển và đại dương có nguồn gốc từ đất liền, từ chất xả thải của dân cư, rác thải nhựa thì chiếm khoảng từ 50% đến 80% rác thải biển. Vũng Tàu cũng là địa phương ven biển, lại là địa phương phát triển về du lịch đang chịu tác động không nhỏ từ nguồn rác thải này. Thời gian qua công tác bảo vệ môi trường đã được tỉnh Bà Ria- Vũng Tàu cũng như thành phố Vũng Tàu quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đến nay đã có những chuyển biến rõ rệt, tích cực.
Nhưng để luôn được tiếp tục, duy trì và hạn chế thấp nhất lượng rác thải nhựa từ các vật dụng, túi ni lông từ nhựa ra môi trường thì về lâu về dài không chỉ đơn giản mà là cần phải thay đổi từ ý thức của từng người, từng cấp từng ngành, từng cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả về việc bảo vệ môi trường, thực hiện các giải pháp nhiệm vụ để phòng ngừa, cải thiện môi trường sống, khắc phục ô nhiễm môi trường từ các điểm nóng môi trường, mới đây UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các ban ngành, địa phương tiếp tục quán triệt trong toàn hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ giải pháp về bảo vệ môi trường, chú trọng công tác ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường, các nguồn cấp nước sinh hoạt, đặc biệt là đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý, chất thải nhựa, tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong khu dân cư, đô thị,trong công tác quy hoạch đầu tư cũng ưu tiên công tác đảm bảo môi trường bền vững…
Thành phố Vũng Tàu là địa phương đi đầu của tỉnh triển khai và tiên phong thực hiện làm cho bãi biển, làm cho thành phố đẹp lên mỗi ngày như các chương trình hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới, ngày Đại dương thế giới, tuần lễ biển và hải đạo, tháng hành động vì môi trường, chung tay làm sạch biển đi theo đó là các hoạt động thiết thực như ra quân thu gom rác thải làm sạch Kênh Bến đình, ở các bãi biển, ở khu vực Cửa Lấp, triển lãm ảnh về chủ đề môi trường, nghệ thuật sắp đặt các mô hình từ rác tái chế, phát động cuộc thi viết “cùng giữ gìn màu xanh của biển”, trao quà cho ngư dân vươn khơi bám biển. Lực lượng tham gia ban đầu là cán bộ công chức của Thành phố, sau đó là các lực lượng vũ trang, các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức tự phát, các hội nhóm, cá nhân và lan tỏa đến từng gia đình, từng cá nhân, các khu phố tự quản…và những năm gần đây, bộ măt của Thành phố đã thay đổi đáng kể, từ rác thải nhựa, làm sạch Thành phố, các bãi biển, các mãng xanh đô thị, rực rỡ sắc hoa. Và đây trở thành là một trong những chiến dịch, những kế hoạch mà các Trường học, các cơ quan đưa vào hoạt động thường niên, định kì. Thầy Vũ Văn Đông- Trường Đại học Bà Rịa- Vũng Tàu tự hào chia sẻ “ Môi trường là vấn đề sống còn của con người, nhận thức được tầm quan trọng trong công tác giáo dục, định hướng nên Trường đã đưa vào kế hoạch giảng dạy, ngoại khóa, các buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức các giáo viên, cán bộ và sinh viên của Trường tham gia thực hiện nhặt rác, làm sạch môi trường sống”.
Trường ĐH BRVT(BVU) cùng chung tay bảo vệ môi trường biển
“Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” được chương trình môi trường Liên hợp quốc phát động toàn cầu vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm, từ đó đến nay chiến dịch trở thành sự kiện môi trường quốc tế thường niên thu hút sự tham gia hưởng ứng hàng trăm triệu người của các quốc gia trên thế giới, nhằm tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức doanh nghiệp, toàn thể cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, thu gom xử lý tái chế rác thải, từ chối sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân huỷ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng chỉ đạo không sử dụng băng rôn, chai, cốc, bát, đũa nhựa... dùng một lần tại công sở, trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trườn, chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện một số các hoạt động cụ thể như gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn.v.v...thực hiện truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường. Ngoài ra Thủ tướng cũng chỉ đạo xác định các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm khác như oi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên, tăng mức thuế đối với túi ni-long, bao bì và sản phẩm nhựa khác; Xây dựng phong trào, liên minh chống chất thải nhựa… Với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam giảm 75% rác thải nhựa đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản dược thu gom trên biển; 100% khu, điểm du lịch không sử dụng rác thải nhựa một lần; 100% các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa…đòi hỏi các địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả hơn nữa về công tác bảo vệ môi trường.
Chỉ cần mua nước uống mang đến giao cho khách, sẽ có những bình, ly nhựa, ống hút nhựa và bọc nilong kèm theo, nên hàng ngày chất thải nhựa được thải ra môi trường rất rất nhiều
Hiện nay các siêu thị, các cửa hàng, siêu thị lớn, các trường học, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, các cơ quan, ban ngành, địa phương của Vũng Tàu cũng đã hầu như sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cô Huyền- Giáo viên Trường Võ Trường Toản cũng đã thông tin đến phụ huynh học sinh trong năm học mới “chủ trương của Trường là hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường, nên quý phụ huynh nhắc nhở con em không nên sử dụng chai nước 01 lần, không bọc sách vở bằng bọc nhựa, khuyến cáo phụ huynh học sinh và tham gia cùng nhà trường để đồng hành, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường”. Tuy nhiên hầu hết các hộ dân, các chợ nhỏ lẻ, các cửa hàng nhỏ lẻ người dân vẫn sử dụng các sản phẩm từ nhựa cũng rất rất nhiều, hàng ngày mỗi hộ gia đình cũng thải không biết bao nhiêu là sản phẩm làm từ nhựa như bịch ni lông, chai nước, nước uống bên đường…
Vũng Tàu trong những năm qua mặc dù đã hạn chế đến mức thấp nhất về rác thải nhựa, công tác bảo vệ môi trường đã mang tính hiệu quả cao, tuy nhiên trong thời gian qua do đại dịch COVID nên người dân đã sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần tăng cao nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, điều này đã tác động không khỏ đến môi trường sống. Mong rằng trong thời gian tới người người, nhà nhà, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nâng cao hơn nữa ý thức về bảo vệ môi trường, quyết liệt thực hiện để hiệu quả hơn./.
Bài, ảnh: Việt Bách, BBT