Tin thế giới Tin thế giới
Bán đảo Crưm “nóng” lên từng ngày
08:44 | 03/03/2014 Print   E-mail    

Tình hình ở Cộng hòa tự trị Crưm thuộc U-crai-na đang nóng lên từng ngày trong bối cảnh các nước cáo buộc lẫn nhau vì các hành động can thiệp vào bán đảo này gây nhiều quan ngại.
Description: http://image.qdnd.vn/Upload/vanphong/2014/3/1/01032014p28210905535.jpg
Các tay súng không rõ thuộc lực lượng nào đang làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự tại sân bay quốc tế Xim-phơ-rô-pôn. Ảnh: AP
 
Trước những thông tin cho rằng, Nga đang có những chuyển dịch quân sự trên bán đảo Crưm, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã bày tỏ lo ngại sâu sắc, đồng thời, đưa ra cảnh báo Nga sẽ phải “trả giá nếu có bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào U-crai-na. Ông B. Ô-ba-ma không nêu rõ các biện pháp đáp trả của Mỹ là gì. Theo AFP, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, sự trả giá có thể bao gồm một quyết định của ông B. Ô-ba-ma và các lãnh đạo hàng đầu châu Âu nhằm tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Sochi của Nga vào tháng 6 tới. Ngoài ra, quan chức này còn tiết lộ biện pháp đáp trả nữa của Oa-sinh-tơn có thể là ngăn cản các mối quan hệ thương mại sâu hơn mà Nga đang tìm kiếm.
Trong khi đó, Tổng thống lâm thời U-crai-na A-lếch-xan-đơ Tu-chi-nốp (Aleksander Turchynov) cáo buộc, Nga triển khai các binh sĩ tới Crưm và âm mưu kích động Ki-ép vào một cuộc xung đột vũ trang. Báo chí U-crai-na dẫn lời các giới chức địa phương cho biết, 13 máy bay Nga chở gần 2000 binh sĩ đã hạ cánh xuống một căn cứ không quân gần Xim-phơ-rô-pôn, thủ đô của Cộng hòa tự trị Crưm. Ngày 28-2, các xe bọc thép và trực thăng của Nga đã được tìm thấy trong và xung quanh Xim-phơ-rô-pôn và Xê-vát-xtô-pôn. Ngày 1-3, Bộ trưởng Quốc phòng U-crai-na I-ho Te-niu-khơ (Ihor Tenyukh) cho biết, Nga gần đây đã điều thêm 6000 quân tới U-crai-na và quân đội U-crai-na tại khu vực Crưm đang được đặt trong tình trạng báo động. Còn các quan chức quốc phòng Mỹ ngày 28-2 cho biết, Nga đã điều “vài trăm” binh sĩ đến Crưm. Tuy nhiên, những tin tức về các chuyển dịch quân sự của Nga ở Crưm đều chưa được kiểm chứng.
Các quan chức Mỹ cho biết thêm, Oa-sinh-tơn đang tập trung vào nỗ lực ngoại giao và không cân nhắc nghiêm túc bất cứ phương án quân sự nào của Mỹ. Họ cũng nói rằng, "không hay biết về bất cứ đề nghị viện trợ quân sự nào của U-crai-na".
Phản ứng trước các cáo buộc trên, tại cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình U-crai-na ngày 28-2, đại diện thường trực Nga tại LHQ Vi-ta-li Tru-rơ-kin (Vitali Tru-rơ-kin) nhấn mạnh, Nga có hiệp định với U-crai-na về việc đồn trú Hạm đội Biển Đen tại Xê-vát-xtô-pôn và Nga đang hành động trong khuôn khổ hiệp định. Cũng tại cuộc họp này, Nga đã bác bỏ đề xuất của đại diện thường trực Mỹ tại LHQ về việc gửi một phái bộ trung gian quốc tế tới Crưm, cho rằng, không thể áp đặt một phái bộ mà không có yêu cầu từ phía Chính quyền Crưm.
Đáng chú ý, Nga cũng đưa ra cáo buộc U-crai-na đã điều các tay súng đến chiếm Bộ Nội vụ Crưm. Bộ Ngoại giao Nga ngày 1-3 cho biết, đêm 28-1, các tay súng không rõ danh tính do Ki-ép điều động đã tìm cách chiếm giữ các văn phòng của Bộ Nội vụ Cộng hòa tự trị Crưm. Kết quả của hành động gây hấn hết sức nghiêm trọng này là đã có người bị thương. Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Trước hành động cương quyết của các nhóm tự vệ, nỗ lực chiếm tòa nhà Bộ Nội vụ đã bị đẩy lui…”. 
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 1-3, Thủ tướng nước Cộng hòa tự trị Crưm Xéc-gây Ác-xê-nốp (Sergei Aksenov) đã yêu cầu Tổng thống Nga V. Pu-tin “giúp bảo đảm hòa bình và ổn định tại vùng lãnh thổ Crưm. Ông cho biết, lời kêu gọi này được đưa ra xuất phát từ tình hình thực tế và trách nhiệm của người lãnh đạo đất nước đối với cuộc sống và sự an toàn của người dân. Điện Krem-li ngay sau đó khẳng định, Nga “sẽ không bỏ qua” lời yêu cầu giúp đỡ này của Crưm. Cùng ngày, Đu-ma Quốc gia (Hạ viện  Nga) đã yêu cầu Tổng thống V. Pu-tin thực thi các biện pháp nhằm ổn định tình hình trên bán đảo Crưm và sử dụng “mọi khả năng” để bảo vệ người dân địa phương khỏi các hành động bạo lực và vô luật pháp.
Ông Xéc-gây Ác-xê-nốp còn cho biết, đã kiểm soát tất cả các lực lượng vũ trang và bảo vệ trật tự Crưm dưới sự chỉ huy của mình sau khi xuất hiện các nhóm vũ trang lạ mặt, các phương tiện kỹ thuật quân sự trên lãnh thổ Crưm và đã gây ra một số vụ đụng độ có nổ súng. Theo một số nguồn tin, hiện, các chuyến bay đi và đến thủ đô Xim-phơ-rô-pôn đã bị hủy trong khi các hãng hàng không cho biết, không phận trên bán đảo đã bị đóng cửa.
Trước những diễn biến phức tạp tại Crưm, trong tuyên bố ngày 1-3, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, việc tăng thêm sức ép với tình hình vốn đã rất căng thẳng ở Crưm là hành động hết sức vô trách nhiệm. Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, Nga hết sức quan ngại về những diễn biến mới nhất cho thấy bạo lực và bất ổn leo thang tại Crưm.
Điện Krem-li cho biết, trong cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) ngày 28-2, Tổng thống Nga V. Pu-tin kêu gọi nhanh chóng đưa tình hình U-crai-na trở lại bình thường và không được để bất ổn ở nước này leo thang hơn nữa.
Liên quan tới diễn biến chính trị tại Crưm, theo AFP, ngày 1-3, một phát ngôn viên của Thủ tướng Xéc-gây Ác-xê-nốp thông báo, ngày 30-3 đã được chọn là thời điểm để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thay vì ngày 25-5 đã được chọn trước đó, nhằm quyết định liệu cư dân bán đảo này có muốn quyền tự trị lớn hơn hay không? 
VT.QĐND