Tin thế giới Tin thế giới
Mỹ tiết lộ kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc phòng.
10:20 | 27/02/2014 Print   E-mail    


Lần đầu tiên trong vòng hơn 7 thập kỷ trở lại đây, Lầu Năm Góc đã quyết định thu hẹp quy mô quân đội với việc cắt giảm mạnh biên chế của lực lượng Lục quân cũng như giảm bớt trang bị vũ khí cho các đơn vị để tiết kiệm ngân sách quốc phòng. Kế hoạch cắt giảm chi tiêu này được chính Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ C.Hây-gơ (Chuck Hagel) tiết lộ trong cuộc họp báo chiều 24-2, tại Lầu Năm Góc.
Giảm biên chế, giảm cả trang bị vũ khí, khí tài
Theo Bộ trưởng Quốc phòng C.Hây-gơ, trong kế hoạch ngân sách quốc phòng tài khóa 2015 mà Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) sắp trình lên Quốc hội, Lầu Năm Góc sẽ cắt giảm mạnh biên chế của lực lượng Lục quân. Theo đó, biên chế chính thức của lực lượng này sẽ giảm từ 570.000 người hiện nay xuống 490.000, thậm chí còn 450.000 hoặc 440.000 người. Nếu Quốc hội tiếp tục duy trì cơ chế cắt giảm tự động theo Đạo luật kiểm soát ngân sách năm 2011 thì đến năm 2019, số lượng lính Lục quân chính quy của Mỹ có thể còn giảm xuống mức 420.000 người. Đây sẽ là số lượng lính Lục quân thấp nhất của Mỹ kể từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, quy mô quân đội nước này vào năm 1940 là 267.000 quân, nhưng nhanh chóng đạt mức 8,2 triệu quân vào thời điểm kết thúc chiến tranh. Trong thời gian diễn ra chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ duy trì ở mức 1,6 triệu người.
Description: http://image.qdnd.vn/Upload/tuanson/2014/2/25/25022014son4203040550.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Chắc Hây-gơ trong một chuyến thăm các binh sĩ Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan. Ảnh: Roi-tơ
Bộ trưởng C.Hây-gơ cho biết, nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn đề nghị tăng 29 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng tài khóa tới, Lầu Năm Góc sẽ phải cân nhắc lại các ưu tiên quốc phòng theo hướng tập trung vào các hoạt động tác chiến đặc nhiệm và phát triển các công nghệ quân sự mới nhằm xử lý các thách thức trong tương lai. Một số trang bị như loại máy bay cường kích tầm thấp Warhog A-10, máy bay do thám U-2 của quân chủng Không quân cũng thuộc diện sẽ bị thải hồi. Dự án đóng mới các tàu tấn công Littoral Combat Ship (LCS) của Hải quân cũng sẽ giảm từ 52 chiếc xuống 32 chiếc. Về vấn đề lương trong quân đội, kế hoạch ngân sách quốc phòng 2015 đề xuất tăng 1% lương cho binh lính, riêng với các tướng lĩnh và đô đốc thì áp dụng chậm hơn một năm.
Đây không phải lần đầu tiên Lầu Năm Góc đứng trước nguy cơ cắt giảm ngân sách hoạt động. Năm ngoái, Bộ trưởng C.Hây-gơ cũng đã thông báo kế hoạch trong 5 năm cắt giảm 20% ngân sách của Bộ Chỉ huy các quân binh chủng để tiết kiệm 5 tỷ USD. Kế hoạch ngân sách mới công bố trên nếu được thông qua có thể sẽ được đưa vào thực hiện từ năm 2017.
Phản ứng trước những đề xuất của người đứng đầu Lầu Năm Góc, Tướng Ray-môn Ô-đi-ê-nô (Raymond Odierno), Tham mưu trưởng Lục quân, cảnh báo với quân số quá nhỏ trên đây, Lục quân Mỹ sẽ gặp khó khăn và rủi ro trong tình huống xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn.
Vẫn chú trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Việc cắt giảm quân sự nằm trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu 1000 tỷ USD trong thời gian 10 năm tới của Bộ Quốc phòng Mỹ. Kế hoạch này được hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thông qua hồi tháng 12-2013, như một nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính phủ đóng cửa. Việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm mạnh đang đặt ra câu hỏi chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương sẽ ra sao khi Mỹ không còn “bạo vì tiền”?
Theo các nhà phân tích quân sự Mỹ, sẽ không có tác hại “nặng nề và rõ nét” đến chính sách trở lại châu Á của Mỹ. Quân đội Mỹ sẽ không rút khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngân sách quốc phòng vẫn duy trì ở mức hơn 500 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2020. Oa-sinh-tơn vẫn tiến hành chiến lược thắt chặt quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại với châu Á song song với hợp tác quân sự. Kế hoạch đưa Thủy quân Lục chiến sang Ô-xtrây-li-a sẽ tiếp diễn…
Về phần mình, Bộ trưởng C.Hây-gơ cho biết, trong thời gian tới Hải quân Mỹ cũng sẽ đánh giá lại năng lực của Hạm đội tàu tuần duyên (LCS) trong trường hợp phải đối phó với một đối thủ mạnh có nền quân sự tân tiến hơn và các công nghệ mới. Theo ông C.Hây-gơ, Mỹ từng có kế hoạch sở hữu 52 LCS, những tàu chiến tàng hình tốc độ cao được thiết kế cho các nhiệm vụ như dò mìn và chiến tranh chống tàu ngầm, song sẽ giảm quy mô xuống còn 32 tàu. Hiện hải quân Mỹ đã triển khai 1 LCS tại Xin-ga-po và có kế hoạch triển khai một chiếc ở Sasebo của Nhật Bản. “Bất chấp việc ngân sách bị thắt chặt, Oa-sinh-tơn vẫn khẳng định quyết tâm theo đuổi chiến lược "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương”, Bộ trưởng C.Hây-gơ khẳng định.
VT. Nguồn QĐND