Tin thế giới Tin thế giới
Hải quân Mỹ hướng về châu Á-Thái Bình Dương.
08:10 | 19/02/2014 Print   E-mail    


Trong chiến lược "xoay trục" về châu Á-Thái Bình Dương của Chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, lực lượng hải quân Mỹ đóng vai trò tối quan trọng. Cũng vì thế mà lực lượng hải quân được coi là hùng hậu nhất thế giới đang lên kế hoạch cho một loạt hoạt động để phục vụ chiến lược này... 
Kế hoạch phát triển rầm rộ
Năm ngoái, Mỹ đã thông qua một kế hoạch về chiến lược phát triển hải quân trong giai đoạn 2014-2018, nhấn mạnh việc duy trì và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Mỹ, bất chấp những khó khăn của thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”.
Trong bản báo cáo chiến lược do Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Giô-na-than Grin-nớt (Jonathan Greenert) công bố giữa tháng 8-2013, Oa-sinh-tơn đã vạch ra một số mục tiêu quan trọng đối với lực lượng hải quân.
Description: http://image.qdnd.vn/Upload/tuanson/2014/2/17/17022014son3203355609.jpg
Tàu ngầm USS Virginia tại căn cứ tàu ngầm ở bang Con-nếch-ti-cớt (Connecticut) của Mỹ. Ảnh: US Navy
Trước hết, về mặt lực lượng, dự kiến trong vòng 4 năm tới, Hải quân Mỹ sẽ đưa vào biên chế tàu sân bay USS Gerald R. Ford CVN-78, tàu đổ bộ tổng hợp USS America LHA-6 và hoàn thành dự án chế tạo các tàu đổ bộ mới. Cùng với việc duy trì hạm đội tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo hiện có, Hải quân Mỹ sẽ đóng thêm 10 tàu ngầm đa năng lớp Virginia nhằm bảo đảm chiếm ưu thế dưới nước và tiếp tục dự án chế tạo tàu ngầm hiện đại hơn. Các máy bay chiến đấu, trực thăng, hệ thống điều khiển hỏa lực để lắp đặt trên chiến hạm và máy bay cũng sẽ là một trong những ưu tiên.
Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra trên các đại dương và phô trương lực lượng, bảo đảm sự hiện diện tại các vùng quan trọng. Ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương được coi là trọng điểm và các căn cứ tại Mỹ, Oa-sinh-tơn sẽ điều tổng cộng 4 tàu khu trục đến căn cứ Rô-ta (Rota) ở Tây Ban Nha để tăng cường cho hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực Đại Tây Dương. Căn cứ tại Ba-ranh cũng sẽ được bổ sung một số tàu tuần tiễu và tàu rà phá thủy lôi. Trong khi đó, cụm tàu đổ bộ thứ 5 dự kiến sẽ có mặt ở Ô-xtrây-li-a trong vòng 4 năm tới nhằm bảo đảm hoạt động của lực lượng thủy quân lục chiến ở các khu vực lân cận.
Một nội dung quan trọng khác trong chiến lược phát triển hải quân 2014-2018 là tăng cường hợp tác với hải quân các nước nhằm củng cố khả năng chiến đấu của Hải quân Mỹ, mà chủ yếu là bằng các cuộc tập trận chung.
Cũng phải thừa nhận rằng, việc ngân sách bị cắt giảm mạnh sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch chế tạo và mua sắm các tàu chiến mới của Hải quân Mỹ. Nhưng ngay cả trong điều kiện như vậy, có vẻ như Mỹ vẫn quyết tâm duy trì năng lực hải quân và hoàn thành các dự án quan trọng nói trên.
Lá chắn vững chắc ở châu Á-Thái Bình Dương
Cùng với chiến lược "xoay trục" về châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, gần như chắc chắn thời gian tới, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở khu vực này. Với kế hoạch cấp tập triển khai lực lượng các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và máy bay chiến đấu, dự kiến đến năm 2020, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ chiếm 60% số lượng tàu chiến và lực lượng của Hải quân Mỹ.
Trước hết, Hải quân Mỹ cho biết, sẽ luân chuyển 3 tàu sân bay nổi tiếng là USS Theodore Roosevelt, USS George Washington và USS Ronald Reagan như một phần trong kế hoạch gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương. Trong đó, tàu USS Ronald Reagan sẽ được điều đến một căn cứ hải quân của Oa-sinh-tơn ở Nhật Bản để thay thế cho chiếc USS George Washington đang cần trùng tu. “Sự hiện diện của các tàu sân bay của chúng tôi thể hiện một cách mạnh mẽ cam kết của chúng tôi đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, Phó đô đốc Đây-vít Bút-xơ (David Buss), chỉ huy Lực lượng Không quân của Hải quân Mỹ cho biết.
Hiện, Mỹ đang sở hữu 10 tàu sân bay, 5 chiếc trong số này đang hoạt động ở Thái Bình Dương và 5 chiếc còn lại làm nhiệm vụ canh giữ ở Đại Tây Dương.
Ngoài ra, còn có tin Mỹ đang tập trung bố trí hơn 60% số tàu ngầm hạt nhân của nước này ở Thái Bình Dương. Mặc dù Mỹ chưa chính thức thừa nhận, tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc Oa-sinh-tơn điều động các tàu ngầm hạt nhân tới Thái Bình Dương là để đề phòng khả năng chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc và Triều Tiên.
Kế hoạch củng cố năng lực hải quân của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương có vẻ như đang "xuôi chèo mát mái" bởi ở khu vực này, Oa-sinh-tơn đang có những đồng minh thân cận, chẳng hạn như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Phi-líp-pin. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, cùng với việc đưa thêm lực lượng tới châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ sẽ phải quan tâm hơn tới việc giúp các đồng minh củng cố năng lực hải quân, đồng thời, thiết lập một cơ sở hậu cần vững chắc để thuận lợi hơn trong trường hợp cần phải sử dụng hành động quân sự.
Có thể nói, việc Hải quân Mỹ tăng cường “điều binh” tới châu Á-Thái Bình Dương đang khiến nhiều nước trong khu vực phải lo ngại. Điều đó cũng có thể sẽ khiến cuộc chạy đua vũ trang và cạnh tranh thế lực ở khu vực này trở nên gay gắt hơn trong thời gian tới.
 Văn Trương: Theo QĐND