Biển Vũng Tàu đang mùa lặng sóng, cá vào bờ nhiều nên bất kể đêm ngày, dọc các con đường ven biển có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các tay câu buông cần trầm ngâm dõi mắt ra biển hay tụ họp thành nhóm lai rai lon bia chờ cá cắn câu…
Thú vui câu đêm
Khi hoàng hôn cuối ngày chìm dần xuống biển cũng là lúc các tay câu đêm bắt đầu ra biển cắm chốt. Lúc đầu chỉ lác đác vài cần câu, trời càng về chiều dân câu đổ về các con đường ven biển Bãi Trước mỗi lúc một đông. Gió biển rì rào hòa lẫn tiếng cười nói của người đi tập thể dục, khách du lịch bộ hành và tiếng chào hỏi nhau của các tay câu xôn xao mặt biển.
-Câu cá biển: Câu cá ở biển Bãi Trước (TP.Vũng Tàu).
6 giờ chiều, đèn đường bật sáng. Trên bờ kè dọc các tuyến đường Hạ Long, Quang Trung, Trần Phú, nhiều tay câu đã yên vị bên chiếc cần phóng mắt ra biển chờ đợi. Trên vỉa hè, vài tay câu khác đang ngó nghiêng tìm chỗ thích hợp buông cần hoặc hí hoáy lắp mồi và trả lời những câu hỏi của người đi đường hiếu kỳ ghé vào xem như: “Được con nào chưa?”, “Cần mua bao nhiêu tiền?”, “Câu bằng mồi gì?”…
“Ban ngày bận “câu cơm” nhưng ban đêm nhất định phải vác cần ra biển câu cá. Cái thú câu đêm này ban đầu đi cho vui nhưng rồi đâm nghiện” - vừa nói anh Tùng (nhà ở đường Trương Công Định, phường 8, TP.Vũng Tàu) vừa vung tay quăng dây câu. Sau tiếng “vút” xé gió, chùm lưỡi câu và cục chì trên tay anh Tùng biến mất dưới mặt biển đen ngòm chỉ còn lại sợi dây cước căng vút kéo chiếc cần hơi chúi xuống biển. Năm nay 43 tuổi, anh Tùng hiện đang công tác tại một công ty chế biến hải sản. Công việc bận rộn nhưng chiều nào sau giờ làm, anh Tùng cũng tranh thủ ôm cần ra biển câu cá. Anh Tùng bảo, nhiều người khi đi câu thường rủ thêm bạn bè cùng đi cho vui, trong khi chờ cá cắn câu lai rai vài lon bia quên thời gian. Nhưng tôi lại khác. Tôi chỉ thích ngồi câu một mình, lâu lắm mới rủ thêm vài người bạn tâm giao đi cùng. Biển đêm tĩnh lặng, không khí trong lành, ngước lên bầu trời sao sáng lấp lánh, bao nhiêu ưu phiền, mệt nhọc như tan biến vào lòng biển bao la. Ngày nào không thích ngồi một mình thì quay mặt ra đường ngắm phố xá, xe cộ qua lại. Buổi tối, người dân Vũng Tàu và du khách ngồi chơi, hóng mát ở đây rất nhiều. Mỗi khi mình câu được cá, họ đến xem rồi thắc mắc đủ điều khiến mình cũng thấy vui vui.
Không phải là dân mê câu, nhưng khi ngồi nói chuyện với anh Tùng ánh mắt tôi không rời khỏi chiếc cần câu, thấy mũi cần động đậy tôi sốt ruột giục: “hình như cá cắn câu rồi”. Anh Tùng bảo: “Cá nhỏ rỉa mồi thôi. Khi cá lớn mắc câu nó sẽ giựt mạnh khiến chiếc cần chúi hẳn xuống”. Nói rồi, anh Tùng chỉ cho tôi kinh nghiệm chọn hướng gió, cách xem con nước, kỹ thuật quăng câu, chọn mồi câu... Theo anh Tùng, đi câu là cách tốt nhất rèn luyện tính kiên trì và sự điềm đạm. “Một hai lần đầu, chưa câu được cá có thể sẽ rất nản nhưng chỉ cần một lần cá cắn câu, bất kể to nhỏ, người câu sẽ nghiền ngay. Một con cá nặng khoảng 3-4 kg, khi mắc câu nó vẫy vùng rất dữ dội để thoát ra. Nếu không bình tĩnh xử lý thì sẽ rất khó kéo chúng vào bờ, người lại còn đứt cả dây câu. Khi cá cố vẫy vùng thì mình thả dây câu ra từ từ, lúc cá mệt mình lại kéo vào, đánh vật một hồi con cá sẽ mệt. Lúc cá đờ rồi, mình cứ thong thả cuốn dây cước. Cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy con cá vừa bị mình chế ngự lâng lâng khó tả lắm”. anh Tùng lý giải. Đó chính là lý do khiến nhiều người “say mê” đến mức bỏ qua những thú vui khác để giành thời gian đi câu và phải câu được một cái gì đó mới trở về nhà bất kể giờ giấc.
Vận động toàn thân
Nhiều người cho rằng, câu cá không phải vận động nhiều nhưng những người đam mê lại khẳng định đi câu chính là cách tập thể dục toàn thân. Anh Hùng (nhà ở đường Lê Lai, phường 3, TP.Vũng Tàu) nói: “Vung tay ném dây câu ra khoảng cách 30-40m, đứng lên ngồi xuống móc mồi, đi lại để dụ cá, đảo mắt quan sát liên tục… đều là những bài tập vật lý trị liệu rất tốt cho các bộ phận trên cơ thể. Một buổi câu kéo dài ít nhất cũng 4 tiếng đồng hồ, nên những động tác đó được lặp lại cả trăm lần”.
Cá ở biển di chuyển liên tục, để câu được các loại cá lớn như cá chẽm, cá nhồng, người đi câu phải thính tai để nghe thấy tiếng đớp và xác định được hướng di chuyển của chúng rồi mới quăng dây vừa đỡ tốn sức, đỡ hư mồi và xác suất thành công mới cao. “Hai loại cá này thường sống ở nơi có đá ngầm, sóng lớn xô đập vào bờ liên tục, lắng nghe tiếng cá đớp cũng là cách luyện cho thính giác thêm nhanh nhạy”, anh Hoàng Mỹ (nhà ở số 37 Bacu, phường 1, TP.Vũng Tàu) nói.
Cá biển có rất nhiều chủng loại. Mỗi mùa lại có mỗi loại cá khác nhau di chuyển qua. Mỗi loại cá lại có cách câu và “gu” mồi riêng. Trước khi đi câu, các tay câu thường nghiên cứu kỹ con nước, vùng biển để chắc chắn buông câu là dính cá. Bên cạnh đó, để câu được loại cá mình muốn, các tay câu còn phải lên mạng tìm hiểu đặc tính, tập quán săn mồi của chúng. Khi áp dụng vào thực tế, nếu không hiệu nghiệm lại phải nghiền ngẫm đến khi cá cắn câu, người đi câu mới thấy thỏa mãn.
“Chiến lợi phẩm” sau mỗi lần đi câu nhiều khi chỉ lèo tèo vài con cá rô biển, cá bà trầu, may mắn thì được cá lớn hơn như cá hường, cá tráp, cá chẽm… Câu xong, có người lại mang thả xuống biển hoặc đem biếu những người quen trên đường về. Nhưng được thư giãn, hít thở khí biển, vận động tay chân, rèn luyện nhân cách sống… là những điều khiến ngày càng có nhiều người tìm đến với thú vui câu cá để giải trí giữa cuộc sống bộn bề lo toan hiện nay.