Công nghệ thông tin Công nghệ thông tin
Sống ảo trên mạng xã hội
10:02 | 14/05/2015 Print   E-mail    

 
Trên thực tế, các nghiên cứu cũng khẳng định tham gia mạng xã hội giúp người ta sống vui hơn, có thêm nhiều mối quan hệ hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ bị thế giới ảo mê hoặc mà quên đi những thói quen tốt trong cuộc sống đời thực.
 
Mạng xã hội, internet và tốc độ lan truyền chóng mặt cuốn giới trẻ hiện nay vào một lối sống rất khác. Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận, nó cũng kèm theo vô số hệ lụy đáng báo động. Sống lâu trong thế giới ảo, người ta dần trở thành “con người ảo”, tôn sùng cái tôi một cách quá mức, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, mù quáng chạy theo những giá trị “ảo”… 
 
2 người bạn cùng bước vào quán cà phê, ngay khi vừa vào chỗ ngồi, họ lập tức dán mắt vào màn hình điện thoại. Suốt 1 tiếng đồng hồ, họ hầu như không nói với nhau câu nào mà chỉ chăm chăm lướt qua những thông tin được update liên tục trên smartphone. Những hình ảnh như vậy hiện nay không còn quá xa lạ trong cuộc sống hiện nay. Mạng xã hội, internet khiến không ít bạn trẻ dần quên đi cuộc sống thực của mình. Mải mê với mạng xã hội, người trẻ mất dần kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau. “Bây giờ đâu cần gặp mặt trực tiếp nữa, trò chuyện qua facebook, quan tâm hỏi han nhau bằng những comment (bình luận), xin lỗi cũng bằng facebook”, Mỹ Vân -20 tuổi, bán hàng thời trang tại TP. Vũng Tàu trả lời lạnh lùng khi được hỏi về quan điểm sống của giới trẻ trong cuộc sống công nghệ hiện nay.
 
Không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ mang lại, song cuộc sống trong thời đại số hôm nay đang khiến tình cảm đời thường trở nên nhạt nhẽo hơn.  Ở nhà, ngồi quán cà phê, chờ khám bệnh thậm chí trong những buổi gặp mặt... nhiều người vẫn chăm chăm vào các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng có kết nối internet mà bỏ quên những câu chuyện thăm hỏi nhau trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì mải mê với thế giới ảo, các bạn trẻ hãy mở lòng với cuộc đời thực. Lúc rảnh rỗi, quan tâm tới gia đình, bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện… các bạn trẻ sẽ thấy rằng, thế giới bên ngoài rộng lớn, sinh động và tuyệt vời hơn gấp nhiều lần thế giới trước màn hình máy tính. Bản lĩnh đích thực của con người được rèn giũa giữa cuộc đời họ đang sống, những bài học, kinh nghiệm xương máu được rút ra từ sự cọ xát thực tế mang lại, chứ đâu đo đếm bởi những cuộc rong chơi trên thế giới ảo.
 
Thời buổi công nghệ số đã thay đổi thói quen của con người, kể cả trẻ em. Khác với điện thoại cơ bản vốn chỉ có vai trò duy trì liên lạc và giải trí như nghe nhạc và chơi game đơn giản, smartphone mở ra một thế giới đầy mới mẻ và hấp dẫn như duyệt web, truy cập mạng xã hội, chat... nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường trước. Một chiếc smartphone hầu như có thể chứa đầy đủ những thứ thu hút trẻ, những trò chơi, ứng dụng, kết nối internet, mạng xã hội… Mong muốn cho con mình được tiếp xúc với công nghệ để mở mang trí thức. Đó là lý do khiến nhiều phụ huynh cho con em mình tiếp cận sớm với các thiết bị công nghệ như smartphone, máy tính bảng. Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận một sự thật là các bậc phụ huynh đang xem điện thoại, máy tính bảng là “cứu tinh” để nịnh trẻ ăn, chơi còn mình thì rảnh tay làm những việc khác.
 
 
                     Các bậc phụ huynh nên kiểm soát việc sử dụng Internet của con em mình
 
Việc cho bé tiếp xúc, sử dụng máy tính bảng, các thiết bị số không phải hoàn toàn là xấu. Điều quan trọng là cha mẹ phải quản lý và kiểm soát thời gian, thói quen và tư thế của bé khi sử dụng, để bảo đảm tốt nhất sức khoẻ cho con mình. Theo các bác sĩ tâm lý, nếu trẻ em sử dụng thiết bị số quá một tiếng trong ngày có thể gây tổn hại về thể chất ở bé như mệt mỏi, căng thẳng, ảnh hưởng đến tư thế ngồi và cột sống… Chưa kể việc dành quá nhiều thời gian để chơi game trên máy tính bảng cũng khiến cho trẻ nhỏ ít có cơ hội tiếp xúc với thế giới xung quanh, gây ra những nguy cơ mắc bệnh tâm lý ở trẻ.
Bài, ảnh: Yến Nhi
BBT.