Khoa học công nghệ Khoa học công nghệ
Khó khăn và thách thức trong công tác phòng chống lao tại tỉnh BRVT
10:01 | 26/03/2015 Print   E-mail    

 

 
Là địa phương có số bệnh nhân mắc Lao khá cao, tuy nhiên trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của các địa phương mà đặc biệt là của ngành y tế, chương trình chống lao của tỉnh đã đạt được kết quả đáng khích lệ: hơn 90% bệnh nhân Lao được điều trị khỏi, tỷ lệ bệnh nhân mắc Lao từ năm 2012 đến 2014 tăng không đáng kể. Tuy nhiên, công tác phòng chống Lao hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc thanh toán bệnh lao vào năm 2030.
 
 
Theo thống kê của Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh, hàng năm, BRVT tiếp nhận từ 1.400 đến 1.500 bệnh nhân lao, chiếm tỷ lệ khoảng 140 đến 150/100.000 dân, trong đó số bệnh nhân chết do lao hằng năm từ 60-80 bệnh nhân. Một trong những khó khăn lớn trong công tác phòng chống lao đó là sự kỳ thị đối với bệnh lao còn cao. Chính vì thế, đa phần bệnh nhân còn e ngại, lo sợ bị kỳ thị, xa lánh và phân biệt trong đối xử nên giấu bệnh, không đến khám và điều trị tại cơ sở y tế. Theo kết quả điều tra dịch tễ, vẫn còn khoảng 40% số bệnh nhân lao phổi chưa được phát hiện và điều trị. Cùng đó là tình trạng gia tăng bệnh nhân Lao kháng thuốc cũng khiến cho công tác phòng chống lao càng thêm khó khăn. Báo cáo của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cho biết, từ quý III/2014 đến quý I/2015, Trung tâm đã xét nghiệm cho 75 trường hợp nghi ngờ, qua đó đã phát hiện 48 bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc, tăng 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số bệnh nhân lao kháng thuốc được công bố chỉ là số người được khám phát hiện, trên thực tế số người mắc bệnh thực sự còn cao hơn nhiều do bệnh nhân không chịu đi khám hoặc do bản thân họ cũng không biết mình mắc bệnh lao. Và nếu không được thu dung xét nghiệm điều trị kịp thời thì số bệnh nhân mắc lao nói chung và lao kháng thuốc nói riêng sẽ nguồn lây bệnh đáng kể cho cộng đồng.
 
Bác sĩ Nguyễn Trường Giang- Trưởng khoa Lao, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh cho biết: “Từ năm 2012-2014 tỷ lệ mắc Lao chững lại và có xu hướng giảm, đây là điều rất đáng mừng cho tỉnh BR-VT. Chúng ta đã nỗ lực rất nhiều trong vấn đề đó, tuy nhiên tỉnh ta cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là Lao kháng thuốc. Hiện nay, chúng tôi đã được Bệnh viện lao trung ương cấp một máy Gene Xpert nên sẽ thuận lợi hơn trong vần đề khám phát hiện các bệnh nhân lao kháng thuốc ở tại tỉnh. Qua xét nghiệm của máy này. Từ quý 4 /2014 đến đầu năm 2015, chúng tôi đã khám phát hiện khá nhiều bệnh nhân bị kháng thuốc.”
 
Bên cạnh đó, việc thiếu cán bộ chuyên trách ở tuyến xã, phường và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Lao ở bệnh viện tuyến tỉnh cũng là những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác phòng chống và điều trị bệnh lao. Những người làm công tác phòng chống lao có nguy cơ lây nhiễm cao hơn 6 lần so với môi trường làm việc bình thường. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ độc hại nghề nghiệp theo các qui định của Nhà nước cho cán bộ làm công tác chống lao tuyến cơ sở ở một số đơn vị chưa triển khai; hoặc có triển khai nhưng chưa được đầy đủ, thỏa đáng, để động viên cán bộ tích cực và gắn bó lâu hơn trong công tác chống Lao.
 
Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân- cán bộ chuyên trách phòng chống Lao- TTYT Thành phố Vũng Tàu cho biết: “ Lực lượng cán bộ chuyên trách của tuyến phường xã, phường tuy rằng đã được phủ kín 100%. Tất các các địa phương đều có cán bộ chuyên trách nhưng vấn đề cố định vẫn chưa được như mong muốn. Chương trình lao là một chương trình kéo dài và phải cần có một cán bộ làm lâu dài mới nắm bắt được địa bàn cũng như theo dõi sát sao bênh nhân, vì vậy, nếu chúng ta thay đổi cán bộ chuyên trách quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến công tác phòng chống lao”
 
Bác sĩ Phạm Trung Thảo-Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Bà Rịa cho biết: “Hiện nay, mặc dù bệnh viện Bà Rịa đã có cơ sở mới tốt, nhưng vấn đề về nhân sự lại đang gặp phải khó khăn.Khoa chúng tôi hiện vẫ còn thiếu các bác sĩ chuyên khoa lao. Thứ hai là vấn đề về tuân thủ điều trị của bệnh nhân, đa số bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn, trình độ kém nên vấn đề tuân thủ điều trị rất là khó, kèm theo đại dịch HIV cũng như các bệnh lý mãn tính, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh tim cũng góp phần khó khăn trong quá trình điều trị...
 
Hiện nay, công tác phòng chống lao của tỉnh vẫn luôn là một trong các mục tiêu đang được cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành y tế tiếp tục quan tâm đẩy mạnh. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là phải làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống bệnh lao cho chính mình mà mọi người trong cộng đồng. Bệnh Lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Nhưng để mỗi bệnh nhân hiểu rõ về tác hại của bệnh và điều trị kịp thời, thì công tác tuyên truyền phải thật sự đẩy mạnh hơn nữa, làm cho toàn dân thực sự chung tay góp sức vào công tác phòng chống Lao một cách tích cực. Như vậy, đây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng chống Lao mà cần phải có sự phối hợp của cả cộng đồng, toàn xã hội và của mỗi cá nhân.
 
Bài: ảnh : Minh Phát
BBT.
 
 
 

Các bài mới hơn
Các bài cũ hơn