Khoa học công nghệ Khoa học công nghệ
Giáo sư Nguyễn Văn Thông tập huấn cấp cứu và điều trị đột quỵ cho các bác sĩ Trung tâm Y tế Vietvsopetro- Vũng Tàu
04:22 | 20/03/2015 Print   E-mail    

Trong 3 ngày 19, 20 và 21/3, GS.TS Nguyễn Văn Thông - Phó chủ tịch Hội phòng chống đột quỵ Việt Nam- Chủ nhiệm khoa thần kinh BV TƯ Quân đội 108  - Ủy viên hiệp hội thần kinh Mỹ - Ủy viên Ban chấp hành hội thần kinh Việt Nam- Phó chủ nhiệm bộ môn thần kinh Viện nghiên cứu Y dược lâm sàng 108 tiến hành tập huấn cho đội ngũ bác sĩ Khoa Thần kinh của TTYT Việt Xô, bệnh viện Lê Lợi và bệnh viện Bà Rịa về phương pháp cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân bị đột quỵ, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não.

Trên các trường hợp bệnh nhân cụ thể đang nằm cấp cứu, điều trị tại TTYT Vietvsopetro, GS.TS Nguyễn Văn Thông đã hướng dẫn cho các bác sĩ của TTYT Vietvsopetro, Bệnh viện Lê Lợi, bệnh viện Bà Rịa cách cấp cứu khẩn cấp các trường hợp bệnh nhân đột quỵ, phương pháp Hội chẩn, phương pháp kiểm tra các triệu chứng ở những bệnh nhân dạng nhẹ và dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân ở tình trạng nặng, phương pháp điều trị, phẫu thuật trong trường hợp cần thiết, đồng thời cập nhật những phương pháp điều trị đột quỵ mới trên thế giới. Qua các buổi làm việc tại TTYT Vietvsopetro, GS Nguyễn Văn Thông đánh giá cao về khả năng tiếp thu cũng như khả năng xử trí bệnh nhân đột quỵ của các bác sĩ tỉnh BRVT.
 
GS.TS Nguyễn Văn Thông- Phó chủ tịch Hội phòng chống đột quỵ Việt Nam nhận xét: “Qua tiếp xúc với đội ngũ các bác sĩ ở đây tôi thấy các anh làm theo đúng tiêu chuẩn chuyên ngành. Các anh đã tổ chức được các bước cấp cứu ban đầu, phân loại được bệnh nhân và điều trị đúng theo bậc thang điều trị của đơn vị mình. Bên cạnh đó, các trang thiết bị ở đây cũng được đầu tư rất hiện đại, đáp ứng được yêu cầu cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân đột quỵ”.
 
Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, trong đó có khoảng 50% người bị tử vong. Không chỉ gây tử vong cao, đột quỵ còn để lại những di chứng nặng nề. Có đến 90% bệnh nhân đột quỵ sống sót mắc các di chứng về vận động, liệt nửa người, suy giảm trí nhớ...Bên cạnh đó, bệnh nhân còn phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ tái phát. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ tái phát đột quỵ chiếm khoảng 25 - 40% tổng số bệnh nhân sau đột quỵ, nhất là trong năm đầu tiên sau đột quỵ. Nguy hiểm hơn, đột quỵ tái phát thường có tỷ lệ tử vong, tàn tật và chi phí điều trị cao hơn rất nhiều so với lần đầu. Nếu như trước đây, đột quỵ thường gặp ở những người tuổi từ 50 trở lên thì hiện nay, bệnh ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới.
 
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vă Thông nhận định: “Cường độ làm việc quá lớn,  một số thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh như rượu, bia, thuốc lá, ít vận động, cùng đó là một số bệnh như cao huyết áp, xơ vữa động mạch gia tăng chính là những nguyên nhân gây nên đột quỵ. Đột quỵ nếu được phát hiện kịp thời có thể cứu chữa được. Do vậy, khi thấy những triệu chứng như: đột ngột tê bì nửa người, tê chân, hoặc đột ngột nói khó, nói ngọng,  ngất hay đau đầu dữ dội mà không tìm ra căn nguyên thì phải nghĩ ngay đó là các triệu chứng của đột quỵ. Khi bị đột quỵ, trước hết phải để bệnh nhân nằm tại chỗ và gọi cấp cứu đưa ngay đến cơ sở y tế có điều kiện chẩn đoán và điều trị, không nên để tại nhà.”
 
Được biết, trong những năm gần đây, TTYT Vietvsopetro đã cấp cứu thành công nhiều ca bị đột quỵ, trong đó có các bệnh nhân bị đột quỵ khi đang làm việc tại các giàn khoan dầu khí. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, TTYT Vietvsopetro đã cấp cứu kịp thời cho hơn 100 ca bị đột quỵ do nhồi máu não và xuất huyết não.
 
Ông Nguyễn Long Đĩnh- Giám đốc Trung tâm y tế Vietvsopetro, Thành phố Vũng Tàu cho biết: “Những năm vừa qua, TTYT tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ. Nhờ đã xây dựng được đội ngũ cấp cứu chuyên nghiệp, do đó chúng tôi không để trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Ở đây, chúng tôi có các thiết bị hỗ trợ như máy CT 64 lát cắt hoạt động liên tục 24/24, máy Cộng hưởng từ và các loại xét nghiệm khác, do đó các công tác chẩn đoán chính xác rất kịp thời.”
 
Có thể nói, việc thường xuyên cử các đội ngũ y bác sĩ đi đào tạo tại các tuyến trên và mời các chuyên gia giỏi đầu ngành về tập huấn, đào tạo tại chỗ là hướng đi đúng của TTYT Vietvsopetro trong tiến trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
 
Bài, ảnh: Minh Phát
BBT.