Khoa học công nghệ Khoa học công nghệ
Phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Trường Giang- Trưởng khoa Lao- Trung tâm phòng chống bệnh xã hội về tình trạng gia tăng bệnh Lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh.
04:24 | 24/03/2015 Print   E-mail    

Nhân ngày Quốc tế phòng chống Lao 23-3:
Phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Trường Giang- Trưởng khoa Lao- Trung tâm phòng chống bệnh xã hội về tình trạng gia tăng bệnh Lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh.
------------------
 
Theo báo cáo của Hội Lao và bệnh phổi Việt Nam, mỗi năm nước ta phát hiện thêm khoảng 130.000 người nhiễm bệnh lao, trong đó, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và 18.000 người chết vì bệnh lao. Nước ta đang đứng thứ 2 trong số 22 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh lao. Bà Rịa- Vũng Tàu cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ bệnh nhân mắc lao đa kháng thuốc khá cao. Chỉ tính riêng từ quí III/2013 đến nay, TT phòng chống bệnh xã hội tỉnh đã xét nghiệm cho 75 trường hợp nghi ngờ, qua đó  phát hiện 48 bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc. Số bệnh nhân lao đa kháng thuốc có xu hướng tăng đang gây trở ngại cho công tác phòng chống bệnh lao tại cộng đồng. Để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lao và lao đa kháng thuốc trong tỉnh cũng như biện pháp phòng chống, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Trường Giang- Trưởng khoa Lao- Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh về vấn đề này.
 
Phóng viên: Hiện nay tình hình bệnh Lao cũng như Lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa bác sĩ?
 
Bác sĩ Nguyễn Trường Giang: Tỉnh BRVT là tỉnh nằm trong khu vực B2, tức là khu vực của Nam bộ có khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn lao phát triển. Chính vì vậy, tỉnh BRVT là một trong những tỉnh có tỷ lệ người mắc lao khá cao. Những năm trước, mỗi năm BRVT phát hiện khoảng 1.400 đến 1.500 ca mắc lao. Chúng tôi đã liên tục tìm mọi cách để thu dung nguồn bệnh nhân này về để điều trị triệt để cho bệnh nhân. Kết quả, chúng tôi đã thu dung được 70% trong tổng số bệnh lao trong cộng đồng và đã điều trị khỏi cho khoảng 90% bệnh nhân. Tuy nhiên hiện nay tình trạng Lao kháng thuốc ở tỉnh ta vẫn còn khá nặng nề. Tỉnh ta có bệnh nhân mắc lao kháng thuốc từ lâu rồi nhưng do chưa có bệnh viện để điều trị và cũng chưa được đầu tư nhiều nên số bệnh nhân kháng thuốc từ trước đến nay đã tồn lưu lại trong cộng đồng khá nhiều. Cuối năm 2014, được sự giúp đỡ của Bệnh viện Phổi Trung ương, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh đã được đầu tư một máy Gene Xpert. Đây là một loại máy rất hiện đại có thể chẩn đoán chính xác bệnh nhân bị lao và lao kháng thuốc. Như vậy, trong thời tới chúng tôi có thể thu dung được nhiều bệnh nhân lao kháng thuốc hơn.
 
Phóng viên: Như bác sĩ vừa chia sẻ thì trong những năm gần đây, tình hình lao kháng thuốc có chiều hướng gia tăng, vậy nguyên nhân là do đâu?
 
Bác sĩ Nguyễn Trường Giang: Bệnh lao kháng thuốc là một bệnh kháng tất cả các loại kháng sinh, kể các các loại thuốc kháng sinh liều cao. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do sự chủ quan của bệnh nhân. Bệnh lao điều trị với thời gian khá dài, từ 18 đến 24 tháng. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân sau khi điều trị được một vài tháng cảm thấy khỏe rồi, có khả năng phục hồi lại rồi lại tưởng bệnh đã khỏi nên ngưng uống thuốc. Chính vì vậy, một số vi khuẩn còn chưa chết hẳn sẽ trở nên kháng thuốc. Một nguyên nhân nữa là sự lây lan Lao kháng thuốc từ những người đã mắc bệnh sang những người mới.  Những người mới khi bị lây sẽ trở thành bệnh nhân mắc Lao kháng thuốc ngay, đó gọi là kháng thuốc tiên phát.
 
Phóng viên: Vậy để phòng chống hiệu quả bệnh Lao nói chung và Lao kháng thuốc nói riêng, theo bác sĩ cần có những biện pháp gì?
 
Bác sĩ Nguyễn Trường Giang: Bệnh Lao là bệnh lây qua đường hô hấp, mà tất cả các bệnh lây qua đường hô hấp công tác phòng chống khá là khó khăn. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua hắt hơi, sổ mũi hoặc ho khiến vi khuẩn bay ra môi trường và người khác hít phải rồi mắc bệnh. Như vậy, quan trọng nhất là phải chữa khỏi triệt để cho những bệnh nhân lao. Trong gia đình có người bị bệnh lao thì phải có cách phòng tránh cho những người xung quanh. Đối với những bệnh nhân bị Lao cần phải điều trị càng sớm càng tốt để tránh lây lan ra cộng đồng. Bệnh nhân Lao phải đeo khẩu trang suốt trong thời gian điều trị. Bên cạnh đó cũng cần bồi bổ sức khỏe cho bệnh nhân, khi bệnh nhân có sức khỏe thì sẽ có sức đề kháng tốt hơn. Kết hợp cả chế độ ăn uống và uống thuốc đều đặn thì bệnh Lao sẽ nhanh khỏi. Bệnh nhân tuyệt đối không được bỏ uống thuốc giữa chừng, bởi chỉ cần bỏ thuốc giữa chừng thì vi rút Lao sẽ kháng thuốc ngay, khi đó việc điều trị bệnh sẽ càng khó khăn hơn. Vấn đề phát hiện sớm và điều trị cho bệnh nhân sớm là rất quan trọng, bởi việc dự phòng sớm sẽ hạn chế lây lan bệnh cho những người xung quanh. Với những bệnh nhân Lao kháng thuốc, chúng tôi đang tìm các nguồn có nguy cơ lây lan lao kháng thuốc và chuyển những mẫu đờm của bệnh nhân lên Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội để xét nghiệm bằng máy Gene Xpert. Trong vòng quý VI/2014 và quý I/2015, chúng tôi đã tìm ra được hơn 40 bệnh nhân lao kháng thuốc. Hiện nay, những bệnh nhân này đang được điều trị. Khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có bệnh viện Phổi nên những bệnh nhân này chúng tôi phải chuyển lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tại Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị 15 ngày tại đó. Sau khi bệnh nhân đã có thể uống thuốc tốt, không có những phản ứng dị ứng, chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân về địa phương và quản lý, điều trị cho họ. Hiện nay, mạng lưới phòng chống Lao trong toàn tỉnh đang cố gắng nỗ lực để trong vòng một đến hai năm nữa sẽ thu dung hết toàn bộ số bệnh nhân đang tồn lưu trong cộng đồng và những bệnh nhân mới mắc phải lao kháng thuốc để điều trị triệt để cho họ, có như vậy thì tỉnh ta mới giảm dần tỷ lệ lao kháng thuốc ở cộng đồng.
 
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!
 
Bài: Minh Phát
BBT.