Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Thực hiện công tác Chữ thập đỏ trong trường học năm 2021 trong cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
01:32 | 20/02/2021 Print   E-mail    

 

Nhằm giáo dục lòng nhân ái, truyền thống tương thân tương ái cho thanh niên, thiếu niên thông qua các hoạt động nhân đạo; trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết về chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu; khuyến khích thanh niên, thiếu niên tham gia các hoạt động cộng đồng, nhân đạo, từ thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ngày 18/2/2021 vừa qua, Sở giáo dục Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Công văn số 330/SGDĐT-VP gửi Phòng Giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố về việc hướng dẫn công tác Chữ thập  đỏ trong trường học năm 2021 trong cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo đó, nội dung thực hiện cần tập trung vào:

Thứ nhất, về phát triển lực lượng thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ tại các cơ sở giáo dục: Củng cố và phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong việc chủ trì, phối hợp tổ chức hoạt động thanh, thiếu niên Chũ thập đỏ trong trường học; Khuyến khích các cơ sở giáo dục thành lập các Đội thanh niên chữ thập đỏ hoạt động theo từng lĩnh vực trong trường học: Công tác xã hội nhân đạo; chăm sóc sức khỏe và sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng; tuyên truyền, vận động hiến máu; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; Thực hiện công tác quản lý thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ theo Quy chế tổ chức và hoạt động của thanh niên, thiếu niên Chữ thập đỏ Việt Nam.

Thứ 2, về tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái: Tuyên truyền cho thanh niên, thiếu niên về các giá trị nhân đạo, phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Luật nhân đạo quốc tế, Luật hoạt động chữ thập đỏ, tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, giúp thay đổi nhận thức và hành vi, biết giúp đỡ người dễ bị tổn thương trong xã hội và có trách nhiệm với cộng đồng; Phát động thanh thiếu niên tham gia cuộc thi viết Tôi tình nguyện 2021 (theo công văn riêng). Tuyên truyền về truyền thống đạo đức nhân văn và các giá trị nhân đạo của dân tộc Việt Nam; Tuyên truyền biểu dương những điển hình tập thể, cá nhân thanh thiếu niên Chữ thập đỏ có hành động, sáng kiến tốt trong hoạt động nhân đạo trong và ngoài trường học; Tham gia tuyên truyền về đảo bảo an toàn giao thông đường bộ; phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid- 19 và bệnh Bạch hầu; phòng chống tai nạn thương tích, bảo vệ môi trường; hiến máu nhân đạo (trong lực lượng giáo viên và sinh viên) và tham gia phòng ngừa ứng phó thảm họa, thiên tai.

Thứ 3, về tham gia chăm sóc sức khỏe học đường: Tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho thanh niên, thiếu niên theo các quy định hiện hành về công tác y tế trường học. Củng cố và phát triển các góc truyền thông chăm sóc sức khỏe, tủ thuốc y tế, đặc biệt phát triển vườn cây thuốc nam trong các trường học (nếu có điều kiện); Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách công tác chữ thập đỏ trường học hằng năm. Cán bộ, giáo viên sau khi tập huấn cần phối hợp chặt chẽ với cán bộ phụ trách y tế trường học, tổ chức Đoàn, Đội trong trường học hướng dẫn kiến thức, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho thanh niên, thiếu niên; Thành lập các đội sơ cứu, cấp cứu trong trường học; phòng, chống tai nạn thương tích; phòng ngừa, ứng phó thảm họa; phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tệ nạn xã hội; tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo, kỹ năng sống trong tình huống khẩn cấp, kỹ năng làm việc nhóm; Tổ chức định kỳ các hoạt động vệ sinh trong trường học và khu vực xung quanh trường học; giám sát việc giữ gìn vệ sinh trong trường học. Tổ chức các hoạt động diễn tập sơ cứu, cấp cứu, phòng ngừa và ứng phó khi có thảm họa, thiên tai xảy ra.

Thứ 4, về tổ chức các hoạt động nhân đạo trong trường học: Vận động thanh niên, thiếu niên tham gia các cuộc vận động, phong trào tương thân, tương ái do ngành Giáo dục, các cấp Hội Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên phát động. Triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Phối hợp khảo sát, lập hồ sơ “Địa chỉ nhân đạo” đối với các em học sinh và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Vận động thanh niên, thiếu niên trong từng lớp và cán bộ, giáo viên đăng ký trợ giúp thường xuyên với hình thức thiết thực. Mỗi tập thể thanh niên, thiếu niên trợ giúp ít nhất một “Địa chỉ nhân đạo” trong trường học hoặc ở cộng đồng dân cư; Phát triển các mô hình vận động ủng hộ, gây quỹ hoạt động Chữ thập đỏ hoặc quỹ nhân đạo trong từng lớp học và trường học, như:“Nuôi heo đất”, đóng góp xây dựng “Quỹ nhân đạo”, “Kế hoạch nhỏ”, ”Tặng bao lì xì nhân ái ” nhân Tết cổ truyền Tân Sửu 2021; vận động tặng “Học bổng Chữ thập đỏ”... quyên góp sách vở, quần áo tặng bạn, tổ chức đêm giao lưu văn nghệ quyên góp quỹ nhân đạo nhân dịp các ngày lễ kỷ niệm của trường, của ngành.

Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với tổ chức Chữ thập đỏ, tổ chức Đoàn cùng cấp và các đơn vị có liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chữ thập đỏ trong trường học trên địa bàn phụ trách; Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà trường trên địa bàn phụ trách thực hiện công tác thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ trường học theo hướng dẫn này và Thông tư 07/2014/TT-BGDĐT ngày 14/3/2014 về Quy định về hoạt động chữ thập đỏ trong trường học./.

Tin: Lê Ngân, BBT