An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Muốn xử lý tiếng ồn từ các loa di động, hát karaoke, hát cho nhau nghe cần sửa quy định xử phạt lĩnh vực môi trường
07:26 | 09/08/2020 Print   E-mail    

Âm thanh từ các loa di động, các tụ điểm hát cho nhau nghe, karaoke gia đình gây ồn ào, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, luôn được nhiều cử tri tại nhiều hội nghị lên tiếng, phản ứng, "đây là một loại rác gây ô nhiễm nặng ở khu dân cư" nhiều người đã ví von như vậy. Nhiều hội nghị ở nhiều cấp để bàn giải pháp xử lý tình trạng tiếng ồn này nhưng cho đến nay vẫn không hiệu quả. Vướng mắc này, muốn xử lý phải sửa lại quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường.  

ỒN DO TIẾNG HÁT AI XỬ LÝ?

Tại thành phố Vũng Tàu, trong nhiều năm qua các cơ quan chức năng đã nhận và xử lý nhiều tin báo phản ảnh tình trạng hát cho nhau nghe gây ồn, tuy nhiên các hành vi xử lý buộc ngừng hoạt động là các hành vi liên quan đến an ninh trật tự, lao động, hoạt động quá giờ quy định... chứ chưa có một trường hợp nào xử lý do vi phạm tiếng ồn.

Ông Lê Xuân Đăng Quang, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Vũng Tàu cho biết, do việc gây ồn có nguồn gốc từ tiếng hát, cho nên người dân phản ánh đến ngành văn hóa và thông tin, nơi được xem là "quản lý" tiếng hát để xử lý, tuy nhiên ngành văn hóa sẽ xử lý trường hợp sử dụng bài hát không đúng quy định như kích động bạo lực, phản động, chống phá chế độ hoặc người hát có hành động, trang phục phản cảm, khiêu dâm...  ngành văn hóa không có chức năng xử lý tiếng ồn. Trong khi đó ông Phạm Quốc Huy, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thì cho rằng việc xử phạt vi phạm hành chính do tiếng ồn phải thực hiện theo một quy trình quy định của pháp luật, đơn vị độc lập có chức năng đo độ ồn có kết quả vượt chuẩn mới xử phạt, chứ không phải cơ quan nhà nước hay cán bộ môi trường đo, kết luận vi phạm, tiếng ồn từ ca hát cũng vậy nên cho đến nay Thành phố chưa xử phạt được trường hợp nào về tiếng ồn từ các loa hát ở khu dân cư.

Thiếu tá Hồ Bá Khánh Sơn, Phó trưởng Công an phường Thắng Tam cho biết trong thời gian qua trên địa bàn người dân cũng phản ánh nhiều về việc hát bằng loa di động hoặc hát karaoke gia đình gây ồn ào, chức năng của Công an phường thường nhắc nhở để họ ngừng hát nếu sau 22 giờ chúng tôi xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực an ninh trật tự, chứ không xử phạt tiếng ồn và nếu người dân và du khách sử dụng loa di động và hát karaoke gây ồn trước 22 giờ thì Công an chỉ nhắc nhở, vận động hát nhỏ hoặc nghỉ hát chứ không thể xử phạt được.

Thiết bị âm thanh di động này rất tiện lợi, nhưng không sử dụng đúng thời gian, đúng lúc sẽ gây phản ứng tại các khu dân cư 

ĐỀ XUẤT SỬA QUY ĐỊNH XỬ PHẠT TIẾNG ỒN TỪ CÁC LOA PHÓNG THANH!

Nhiều địa phương trên cả nước và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã có những giải pháp, những chỉ đạo để xử lý tiếng ồn từ các loa di động, hát karaoke gia đình, hát cho nhau nghe. Chỉ thị 08/CT- UBND ngày 10/6/2019 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu liên quan đến việc quản lý Nhà nước đối với các hoạt động sử dụng thiết bị âm thanh gây ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên việc triển khai Chỉ thị này tại các địa phương vẫn chưa hiệu quả, vì việc quan trọng nhất là xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng gây ồn vẫn chưa được thay đổi do ràng buộc các quy định hiện hành.

Bức xúc từ ý kiến của người dân, ông Hà Minh Đăng, Trưởng Ban công tác Mặt trận Khu phố 2, phường Thắng Tam cho rằng, Cảnh sát Giao thông được trang bị thiết bị đo được độ cồn, đo được tốc độ người tham gia giao thông để xử lý vi phạm, thì tại sao không giao cho cán bộ, những người làm lĩnh vực văn hóa, môi trường hay Công an địa phương đo và xử lý độ ồn từ các loa di động mà phải qua một đơn vị độc lập như hiện hành.

Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Vũng Tàu kiểm tra một cơ sở bị phản ánh gây ồn ào từ hệ thống âm thanh

Trong báo cáo gửi Ban Văn hóa- Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu giải trình nội dung công tác quản lý nhà nước đối với các loa phát thanh di động trên địa bàn; UBND thành phố Vũng Tàu đã đánh giá thực trạng cũng như những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý hoạt động này. Thành phố đề xuất UBND Tỉnh kiến nghị Chính phủ sửa quy định xử phạt vi phạm hành chính ô nhiễm tiếng ồn. Ông Trần Bá Việt, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố cho biết, sẽ không bao giờ xử lý triệt để tình trạng tiếng ồn do các loa di động tại các khu dân cư nếu không sửa các quy định của pháp luật liên quan vấn đề này. Vướng mắc lớn nhất tại Điều 17 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, khi cho rằng ồn từ tiếng hát của hệ thống loa như tiếng ồn từ sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác mà cần tách ra và cho phép xử lý vi phạm riêng trong lĩnh vực văn hóa-thể thao.

Chúng ta đang tuyên truyền vận động người dân tự giác chấp hành pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật, nhưng rõ ràng nhiều người không vì cộng động, không tự giác nếu không có pháp luật chế tài. Việc gây ồn cho trong khu dân cư bằng ca hát trên các thiết bị di động đang ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, cần thiết phải sửa quy định xử lý những hành vi gây bức xúc của người dân, nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân./.

Bài, ảnh: Thắng Cảnh, BBT