An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Quan tâm, chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi, nhất là trong mùa dịch bệnh Covid-19.
04:16 | 04/08/2020 Print   E-mail    

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi luôn được các cấp, các ngành, nhất là ngành Y tế thành phố Vũng Tàu quan tâm, chú trọng, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi trên địa bàn thành phố. Cùng với xu hướng chung của cả nước, trong những năm gần đây, tốc độ già hóa dân số trên địa bàn thành phố Vũng Tàu diễn ra tương đối nhanh. Theo đánh giá của ngành Y tế, già hóa dân số làm gia tăng các bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi như bệnh xơ vữa động mạch, thiểu năng mạch vành, tăng huyết áp, bệnh viêm phế quản mãn tính, giãn phế quản, âm phế mãn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, rối loạn tiêu hóa, các bệnh về hệ xương khớp, các bệnh liên quan hệ thần kinh trung ương như trí nhớ kém, hay quên, Alzheimer…Những bệnh này rất dễ mắc phải đối với người cao tuổi nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng như hiện nay.

Trung tâm Y tế Thành phố Vũng Tàu phối hợp với Hội Người cao tuổi và Trạm y tế phường 10 tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi

Theo thông tin từ Phòng Dân số (Trung tâm y tế thành phố Vũng Tàu) thì người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm tỷ lệ 12,1% dân số toàn thành phố. Thành phố Vũng Tàu đang ở giai đoạn già hóa dân số. Như vậy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ ngày càng tăng. Do mức sinh thấp nên tỷ lệ dân số già tại thành phố Vũng Tàu ngày càng tăng. Số người già độ tuổi từ 60 trở lên đã vượt hơn 12%, người từ 75 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ 7%. Một số địa phương như phường 1, phường 4, phường 3, phường 2, phường 7 do ít biến động về dân cư nên có tỷ lệ già hóa diễn ra nhanh. Già hóa dân số tạo gánh nặng về y tế bởi nhu cầu, chi phí khám chữa bệnh của người cao tuổi thường cao gấp 8-9 lần so với người trẻ. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, ở nhiều cơ sở y tế, người cao tuổi đến khám và điều trị sử dụng tới hơn 50% chi phí điều trị mỗi năm. Tại các bệnh viện, tỷ lệ người cao tuổi đến khám chữa bệnh đang ngày càng tăng. 

Các chuyên gia về y tế cho rằng: Dịch Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người. Theo khuyến cáo, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc Covid-19, trong đó nhóm người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có các bệnh lý nền kèm theo khi mắc Covid-19 sẽ khiến bệnh tiến triển nặng và nguy cơ tử vong cao hơn. Sở dĩ như vậy bởi người cao tuổi là nhóm có đa bệnh lý và thường có bệnh nền mãn tính như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn, khớp, loãng xương... Ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác. Vì vậy, nếu người cao tuổi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ làm thúc đẩy các bệnh mãn tính đó chuyển thành giai đoạn cấp, dẫn đến bệnh nhân rất dễ tử vong. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng bệnh đối với người cao tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng cần thiết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, người cao tuổi hãy giữ vững tâm lý, bình tĩnh tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ và luyện tập thể dục thường xuyên, đặc biệt luôn đảm bảo tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh - là một trong những biện pháp quan trọng giúp người cao tuổi tăng sức đề kháng để phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Do người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu nên tuyệt đối tránh đến những nơi đông người và tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm. Khi ho hoặc hắt hơi, hãy che kín mũi, miệng bằng khăn tay, khăn giấy, khẩu trang hoặc khuỷu tay để bảo vệ sức khoẻ người xung quanh. Ngoài ra, người cao tuổi cần giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát và dùng quạt thay cho điều hòa. Nhà cửa nên thường xuyên vệ sinh, khử trùng, nhất là các nơi, bề mặt vật dụng tiếp xúc thường xuyên như phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, tay nắm cửa… Người thân trong gia đình cũng phải làm theo các hướng dẫn trên để vừa bảo vệ bản thân mình, vừa bảo vệ cha mẹ cao tuổi. Cần áp dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý. Trước tiên là uống đủ nước. Cơ thể đủ nước sẽ giúp hệ bài tiết đưa các chất cặn bã ra bên ngoài, giúp cho hệ miễn dịch tiêu diệt những tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Ngoài nước lọc, có thể uống nước trái cây và uống sữa để bổ sung vitamin và dưỡng chất cần thiết. Ngoài ra, người cao tuổi cần đảm bảo giấc ngủ ngon và sâu, mỗi đêm, cần ngủ 7-8 tiếng. Người cao tuổi nên thư giãn nhẹ nhàng, tránh nghĩ đến chuyện phiền muộn để giấc ngủ ngon hơn. Đặc biệt, trước khi ngủ không nên ăn no, có thể uống một ly sữa ấm giúp giấc ngủ sâu hơn.

Ông Nguyễn Văn Thế (71 tuổi, phường 10, thành phố Vũng Tàu) cho biết: “Tôi đã chung sống với bệnh đái tháo đường từ nhiều năm nay. Mùa dịch bệnh Covid-19 này tôi ít đến thăm khám tại bệnh viện hơn những năm trước vì tôi sợ nếu không may mắc thêm Covid-19 thì rất khổ. Chính vì vậy, tôi không dám đến những nơi đông người, hạn chế tối đa việc đi ra ngoài đường và khi ở nhà thường xuyên tuân thủ việc rửa tay bằng xà phòng...”.

Bà Lê Phương Oanh (69 tuổi, thường trú tại phường 3, thành phố Vũng Tàu) cho biết: “Những năm qua, để bảo vệ sức khỏe của mình, ngoài tập dưỡng sinh, đi bộ, tôi còn tập các môn có cường độ thể lực trung bình thấp như: đạp xe, chạy bộ, đánh cầu lông, bơi lội… một cách nhẹ nhàng. Quan trọng là phải lượng sức mình mà luyện tập. Mỗi ngày, tôi vận động cơ thể nhẹ nhàng 30 – 45 phút để giúp cơ thể giải phóng năng lượng, xương khớp chắc khoẻ, dẻo dai, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể”.

Theo bác sĩ Trần Mạnh Tuân, Phó Trưởng khoa Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Lê Lợi – Vũng Tàu thì: Đối với những người cao tuổi thì bệnh mãn tính là rất thường gặp. Việc tái khám và sử dụng thuốc cần phải duy trì thường xuyên và xem đây là thói quen quan trọng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người cao tuổi do lo sợ khi đến các cơ sở y tế hoặc ngại tái khám, tự ý bỏ thuốc điều trị dẫn đến việc bệnh trở nặng phải cấp cứu, có thể nguy hiểm cho sức khỏe. Tại Bệnh viện Lê Lợi, chúng tôi hiện đã tăng cường công tác vệ sinh, sát khuẩn, nhất là khâu sàng lọc, cách ly chống dịch Covid-19, vì vậy, người dân thành phố nhất là người cao tuổi không nên quá lo lắng khi đi khám bệnh. Nếu mọi người không thể đến bệnh viện thì có thể đến Trạm y tế phường, xã để được khám, điều trị ban đầu. Hoặc có thể gọi điện thoại qua đường dây nóng của Bệnh viện để được bác sĩ tư vấn về việc sử dụng thuốc và chăm sóc sức khỏe trong mùa dịch.

Có thể thấy, đối với việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để phòng, chống dịch Covid-19 thì ngoài việc duy trì điều trị thường quy các bệnh lý đang có, người cao tuổi nên giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ đường mũi, họng sạch, giữ ấm, đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc ở chỗ đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Quan trọng là khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở thì cần báo ngay với các cơ sở y tế để có ngay các biện pháp hỗ trợ, điều trị cũng như cách ly kịp thời./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT