Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển bền vững kinh tế biển
04:16 | 23/05/2020 Print   E-mail    

 

Nhằm thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW; đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, ngày 18/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 647/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó, quan điểm phát triển của Chính phủ là hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển phải bảo đảm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc Việt Nam; chủ động và tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế biển theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của nước ta trong Biển Đông trên cơ sở Luật Biển Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển

Đề án đề ra 06 nhóm nhiệm vụ về hợp tác quốc tế trong các nội dung về phát triển bền vững kinh tế biển tương ứng với các nội dung của Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW (ban hành kèm theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ): Quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp vùng bờ; Phát triển kinh tế biển, ven biển; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; Bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thông tin tuyên truyền.

Để thực hiện các nhiệm vụ đề ra, Đề án đưa ra 07 nhóm giải pháp chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đa dạng hóa các loại hình, cách thức thông tin tuyên truyền; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đa dạng hóa các kênh và hình thức hợp tác; Ưu tiên hợp tác với các nước, các đối tác có nền kinh tế và công nghệ biển hiện đại, tiên tiến trên thế giới; Bố trí nguồn kinh phí hợp lý; Củng cố bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, chuyên gia hợp tác quốc tế về biển và kịp thời phát hiện điều chỉnh, bổ sung các dự án, đề án, nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình thực tế. Đề án cũng đề ra 16 dự án, nhiệm vụ cấp bách của các bộ, ngành, địa phương có biển để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.

Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo toàn diện và tổ chức thực hiện Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Ủy ban, có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan đầu mối giúp việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên./.

Tin, ảnh: Trần Linh, BBT