Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản – giải pháp lâu dài cho ngành thủy sản thành phố Vũng Tàu
06:07 | 17/06/2020 Print   E-mail    

Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng phát triển nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, do thủy sản bị khai thác tràn lan nên có nguy cơ cạn kiệt, gây mất môi trường sinh thái. Đứng trước thực trạng đó, vấn đề cấp thiết cần giải quyết hiện nay là làm sao để khai thác nguồn lợi thủy sản một cách bền vững, hợp lý.

Vùng biển Vũng Tàu nằm trong ngư trường Đông Nam Bộ, là một trong 5 ngư trường trọng điểm của cả nước, được đánh giá có trữ lượng hải sản rất lớn, khoảng 1,14 triệu tấn, khả năng khai thác đạt 478.000 tấn. Trong đó, vùng biển khơi Đông Nam Bộ có trữ lượng hải sản chiếm tới 66,8% tổng trữ lượng nguồn lợi của toàn vùng. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, sản lượng đánh bắt hải sản liên tục giảm mạnh cả về số lượng và chủng loại. Một số loài có giá trị kinh tế cao và được đánh bắt nhiều trước đây đã không còn nhiều, thậm chí cạn kiệt. Lượng hải sản chưa trưởng thành nhưng đã bị khai thác khá lớn, chiếm khoảng 30-40%. Bên cạnh đó, đánh giá của cơ quan chức năng cũng cho thấy, sản lượng hải sản khai thác mấy năm gần đây đã gần đạt đến ngưỡng cho phép khai thác. Nguyên nhân lớn nhất của việc nguồn lợi thuỷ sản ở các ngư trường trong nước suy giảm là việc đánh bắt tận diệt. Cụ thể là các loại tàu có mắt lưới nhỏ, đánh bắt gần bờ như lưới kéo vẫn còn khá nhiều. Thành phố vẫn còn hơn 300 tàu lưới kéo, chiếm tỷ lệ 16% so với tổng số tàu đánh bắt trên địa bàn. Ngư dân đánh bắt cá vào mùa di cư sinh sản của cá khiến các loài này không thể phục hồi. Theo ông Nguyễn Văn Tính, người dân làm nghề đánh bắt nhiều năm nay tại Phường 5 cho biết “Hiện nay lượng hải sản đánh bắt giảm đáng kể. Nhiều chuyến đi biển chỉ đủ trang trải phí xăng dầu”.

Hiện Thành phố Vũng Tàu ngưng cấp phép đóng mới các tàu lưới kéo để góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Để giải quyết tình trạng trên, cùng với cơ quan chức năng của tỉnh, Thành phố Vũng Tàu đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Đó là việc triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản như: chính sách hỗ trợ lãi suất, Chính sách chuyển đổi ngành nghề, chính sách đối với HTX… Đồng thời, quản lý tài nguyên biển được tăng cường và gắn với đẩy mạnh khai thác đánh bắt hải sản xa bờ; không tham gia đánh bắt vùng biển của các nước khác trái quy định, đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cụ thể là việc thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; vận động, thành lập các Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển nhằm giảm số ngày khai thác, tăng năng suất, giúp đỡ nhau trong quá trình khai thác, tìm kiếm cứu nạn... Theo cán bộ phụ trách thủy sản Phòng Kinh tế cho biết “Tính đến tháng 4/2020, Thành phố đã có 832 lượt tàu cá đăng ký tham gia chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa trong đó Thành phố đã phối hợp giải ngân 147 tỷ đồng cho hỗ trợ chi phí nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu và thuyền viên, máy thông tin liên lạc. Đối với công tác hỗ trợ đóng mới tàu, thời gian qua, trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã có 19 tàu cá được đóng mới và 01 tàu được vay vốn nâng cấp tàu, trong đó có 11 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ, 5 tàu vỏ Composite, hoạt động chủ yếu nghề lưới rê, lưới vây và Dịch vụ hậu cần thủy sản. Các tàu cá đóng mới có công suất lớn trên 400 CV, trang thiết bị hiện đại, giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày. Đến nay các phường, xã vận động thành lập được 126 Tổ đoàn kết với 672 tàu cá tham gia.

Ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố trao cờ cho ngư dân tiêu biểu nhân dịp 60 năm ngày kỷ niệm truyền thống ngành Thủy sản, thành phố Vũng Tàu năm 2019.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung vào công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Cụ thể là triển khai thực hiện Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 26/6/2012 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc cấm tàu cá hoạt động, neo đậu tại khu vực tuyến bờ từ Cửa Lấp đến mũi Sao Mai, thành phố Vũng Tàu nhằm đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh, vệ sinh môi trường cho hoạt động du lịch, góp phần giảm áp lực đến nguồn lợi thủy sản tại khu vực tuyến bờ từ Cửa Lấp đến mũi Sao Mai thành phố Vũng Tàu; chỉ đạo UBND các phường, xã có biển, các đồn Biên phòng Bến Đá, Chí Linh, Long Sơn tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác trái phép ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản: khai thác hủy diệt bằng xung điện, chất nổ, kích thước mắt lưới nhỏ hơn so với quy định…

Cùng với đó, Thành phố tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền như: Tổ chức trao quà của Phó Chủ tịch nước trong Chương trình “Một triệu lá cờ tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, kết hợp tuyên truyền Luật Thủy sản và các văn bản triển khai liên quan cho ngư dân thành phố; đào tạo nghề Thuyền trưởng tàu cá hạng II cho 35 ngư dân thành phố; phối hợp UBND phường Thắng Nhì, Phân hiệu Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mở lớp đào tạo thợ máy tàu cá, kết quả có 82 học viên được đào tạo thợ máy tàu cá giúp ngư dân có đủ điều kiện vươn khơi, bám biển. Năm 2019, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản (01/4/1959-01/4/2019), UBND Thành phố đã tổ chức thả tổng cộng 3.000 cá Chẽm, 1.000 cá Chim, 100.000 con tôm Sú tại bãi Trước. Năm 2020, Thành phố tiếp tục phối hợp với Chi cục thủy sản thả 1.000 con cá Mú, 1.500 cá Chẽm, 1.000 cá Chim và 400.000 con tôm Sú tại sông Mũi Giui, xã Long Sơn. Đây là hoạt động diễn ra hàng năm, nhằm mục đích tái tạo nguồn lợi thủy sản, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ nguồn lợi cho ngư dân thành phố.

Với những nỗ lực trên, ngành thủy sản Vũng Tàu đã và đang góp phần hồi phục nguồn lợi thủy sản, gìn giữ tính đa dạng sinh học của tài nguyên thủy sản theo quan điểm của UBND Thành phố tại Quyết định số 3121/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 quy hoạch phát triển khai thác, cơ khí, cảng cá và dịch vụ hậu cần thủy sản thành phố Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 “Phát triển khai thác phải đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái trên nguyên tắc phát triển bền vững, chú trọng đến hiệu quả kinh tế, không chạy theo sản lượng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác”.

Bài, ảnh: Trần Linh, BBT