Chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành Phố Chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành Phố
Chấn chỉnh công tác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
06:16 | 06/05/2020 Print   E-mail    

Để đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính về đất đai được kịp thời, đúng nguyên tắc theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012; Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;  thực hiện tốt công tác quản lý lưu trữ hồ sơ tài liệu; hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện của người vi phạm và tổ chức thi hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND thành phố đã ban hành, ngày 04/5/2020, UBND thành phố Vũng Tàu ban hành văn bản số 2689/UBND-TNMT chấn chỉnh công tác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã nghiêm túc triển khai thực hiện và cần đảm bảo xử lý đúng theo trình tự thủ tục của pháp luật, cụ thể sau:

Một là: Đối với việc lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải kịp thời;  đúng đối tượng; chỉ những người có thẩm quyền được pháp luật quy định mới có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về đất đai (Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực và công chức Địa chính – Xây dựng) và phải  tuân thủ theo đúng mẫu quy định ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ;  Biên bản vi phạm hành chính phải được đánh số tờ 1,2, 3, có đóng dấu treo ở góc bên trái nơi Cơ quan ban hành; trường hợp biên bản có từ 03 trang trở lên phải đóng dấu giáp lai.

Trong nội dung biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ cụ thể hành vi vi phạm hành chính theo đúng điều luật viện dẫn tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ. Trong đó, phải xác định rõ diện tích vi phạm cụ thể theo (m2)  bằng cách xác định nào ? theo tài liệu nào (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay theo bản đồ địa chính lưu trữ ở UBND xã) hoặc thực hiện tiến hành đo đạc tại địa điểm vi phạm.

Việc người vi phạm ký vào biên bản vi phạm hành chính là cơ sở đảm bảo tính pháp lý để người vi phạm nhận thức rõ hành vi vi phạm và mức độ vi phạm, diện tích vi phạm. Trường hợp người vi phạm không ký vào biên bản thì người có thẩm quyền lập biên bản phải ghi rõ lý do cụ thể người vi phạm không ký vào biên bản, khi đó biên bản vi phạm hành chính phải được đại diện chính quyền (UBND phường, xã) ký xác nhận.

Tất cả các biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai phải được ít nhất 02 người trở lên chứng kiến ký vào biên bản. Người có tên tham gia lập biên bản vi phạm hành chính (có mặt và có tên trong biên bản) phải ký đầy đủ trong biên bản. Người tham gia lập biên bản khác với người chứng kiến nên không thể vừa là người tham gia lập biên bản vừa là người ký chứng kiến.

Người có thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính đánh giá từng trường hợp cụ thể theo tính chất và mức độ vi phạm hành chính để đề xuất Chủ tịch UBND phường, xã có lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính hay không ?. Việc lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính chủ yếu là để làm rõ:  Đối tượng vi phạm hành chính và các giấy tờ xác định chủ sử dụng đất là hai đối tượng khác nhau; Xác minh tình tiết về nhân thân (đối với cá nhân), tư cách pháp nhân (đối với tổ chức) khi có cơ sở cần xác minh để làm rõ trước khi đề xuất mức xử phạt theo tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ; Việc xác định diện tích đất và loại đất vi phạm khó khăn do người vi phạm hành chính không hợp tác hoặc thuộc trường hợp các bên không thống nhất được diện tích vi phạm cụ thể; trường hợp trong quá trình lập biên bản có thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; người vi phạm không ký biên bản vi phạm hành chính mà không có lý do.

Hai là: Yêu cầu về hồ sơ xử lý vi phạm hành chính khi chuyển về UBND thành phố xử phạt theo thẩm quyền.

a) Về hồ sơ phải đầy đủ, bao gồm:

- Báo cáo đề xuất của UBND xã, phường liên quan đến đối tượng, hành vi đề nghị xử phạt vi phạm hành chính (nội dung báo cáo phải thể hiện rõ chủ thể sử dụng đất hoặc chủ thể vi phạm hành chính; xác định rõ hành vi vi phạm hành chính; diện tích vi phạm được xác định theo hình thức nào);

- Biên bản vi phạm hành chính (bản chính);

- Bản photo các loại giấy tờ pháp lý liên quan đến thửa đất vi phạm (giấy chứng nhận QSDĐ, bản đồ, sơ đồ vị trí, họa độ..)

-  Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính (nếu có);

- Các hình ảnh, giấy tờ khác liên quan nhằm chứng minh hành vi vi phạm (nếu có);

b) Nơi tiếp nhận hồ sơ:

 - Đối với hồ sơ xử lý vi phạm hành chính có 02 hành vi vi phạm (đất đai và xây dựng) của một đối tượng vi phạm trong một thửa đất; UBND phường, xã chuyển về phòng Quản lý Đô thị để tham mưu UBND thành phố xử phạt (phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với phòng Quản lý đô thị tham mưu xử lý hành vi vi phạm hành chính về đất đai).

 - Đối với hồ sơ xử lý vi phạm hành chính riêng về lĩnh vực đất đai chuyển về phòng Tài nguyên và Môi trường để tham mưu UBND thành phố xử phạt xử lý.

Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu giao phòng Tài nguyên và  Môi trường có trách nhiệm phối hợp với phòng Quản lý đô thị theo dõi, hướng dẫn UBND các phường, xã triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố theo quy định./.

Tin: Hiếu Nguyễn, BBT