Tin du lịch Tin du lịch
Đến Vũng Tàu tìm hiểu di sản Hán Nôm
06:31 | 13/11/2015 Print   E-mail    

 

Di sản Hán Nôm đã xuất hiện, tồn tại và phát triển từ lâu đời ở nước ta. Cũng như nhiều địa phương khác, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, di sản Hán Nôm là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hoá của nhân dân. Và hôm nay, đến thăm các di tích trên địa bàn tỉnh, du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi những di sản Hán Nôm như: sắc phong, câu đối, hoành phi… vẫn còn đó vẹn nguyên giá trị văn hoá, lịch sử. 

Bô lão, hương chức ở Nhà Lớn – Long Sơn xem lại những di sản Hán Nôm chạm khắc ở Nhà Lớn

Di sản Hán Nôm xuất hiện song hành, tồn tại và phát triển theo tiến trình lịch sử với trên dưới ba thế kỷ, kể từ khi có người Việt sinh sống trên mảnh đất Bà Rịa – Vũng Tàu. Chữ Hán Nôm ra đời nhằm phản ánh những nhu cầu tôn giáo và tín ngưỡng của người dân. Trong các di tích lịch sử văn hoá, di sản Hán Nôm gắn bó trực tiếp với sự hình thành, tồn tại và phát triển. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn Bà Rịa Vũng Tàu có 500 đình, chùa, đền, miếu có di sản Hán Nôm. Qua sưu tầm tại 27 di tích được xếp hạng, Bảo tàng tỉnh đã thu thập được khối lượng di sản Hán Nôm gồm: 901 câu đối, 258 hoành phi, 18 sắc phong, 37 bài văn tế, 2 bài văn bia, 10 bài vị. nội dung các di sản Hán Nôm sưu tầm được đều biểu hiện những sắc thái văn hoá nổi bật tính nhân văn, cả vật thể lẫn phi vật thể, vừa là cái riêng của một vùng đất địa đầu Nam bộ.

Ở thể loại câu đối, cùng với giá trị về tư tưởng, không ít câu đối đã đạt tới sự hoàn chỉnh về nghiêm luật. Thể hiện trong sự đối chỉnh từ hai vế, đối chỉnh trong toàn bộ câu văn, đối chỉnh cả ý và lời. Khác với câu đối ở miền Bắc, câu đối ở miền Nam nói chung, câu đối ở Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng thường dung dị, ít dùng điển tích cầu kỳ mà vẫn gợi cảm, chân thật, sâu lắng giàu chất văn chương. Với người giàu có, câu đối được viết trên lụa, khắc trên gỗ sơn son thiếp vàng, khảm xà cừ. Với người nghèo, câu đối viết trên giấy hồng điều, hồng hoàng…, trang trọng rực rỡ. Đặc biệt các câu đối trong đền chùa, miếu mạo được khắc đủ trên các chất liệu, từ gỗ - đá đến đồng - thau… càng làm tăng vẻ trang nghiêm của những nơi thờ phụng.

Đứng sau câu đối, hoành phi cũng là một thể loại chiếm vị trí nổi bật trong hầu hết các đình chùa, miếu mạo. Có di tích số lượng hoành phi lên tới hàng trăm. Những bức trướng - liễn bằng gỗ son thiếp vàng góp phần làm phong phú thêm giá trị của các di sản văn hoá. Chữ trên hoành phi thường rất ngắn gọn, súc tích. Chủ yếu nhằm ghi nhận dấu vết, tên tuổi, đặc điểm nổi bật và công trạng của các vị thần gắn bó với nguồn gốc lịch sử của những nơi thờ phụng. Trên hết là bày tỏ sự tôn vinh, biết ơn, ngưỡng vọng của muôn dân đối với công đức các vị thần mà mình thờ phụng. Có thể nói thế giới của những bức hoành phi ở Bà Rịa – Vũng Tàu thật thâm sâu, lời ít ý nhiều, nhất nhất bày tỏ cái đức và cái đạo làm dân, hết lòng thờ phụng các bậc bề trên thiêng liêng và cao cả.

So với câu đối và hoanh phi, sắc phong và văn tế trong các di tích chiếm một tỷ lệ đáng kể trong kho tàng Hán Nôm hiện nay. Không ít bài văn tế chẳng những tràn đầy giá trị nhân văn mà còn gợi mở nhiều điều về thế thái nhân tình, kỷ cương phép tắc. Đọc lên vừa thoả mãn nhu cầu tình cảm, vừa tìm thấy nhiều điều bổ ích, nổi bật giá trị văn học so với các thể loại khác. Đối với sắc phong (một loại văn bản hành chính của triều đình) văn chương khá quy phạm, định hình, thường xoay quanh một số nội dung  như: đánh giá sức mạnh của các vị thần, ghi nhận công tích, tôn vinh oai linh… Qua sắc phong có thể thấy được thái độ chính trị, khuynh hướng tôn giáo, tín ngưỡng, kể cả văn hoá của các triều đại. Chẳng hạn, lăng Ông Nam Hải (Đình Thần Thắng Tam) thờ cá Ông, lần lượt được phong ba đạo sắc trong vòng 5 năm từ Thiệu Trị năm thứ 5 (1845) đến Tự Đức năm thứ 3 (1850). Những sắc phong cổ này đã giúp ích đáng kể cho công việc nghiên cứu bởi nó như một thứ “ấn quyết Quốc gia”, nhờ đó có thể biết được một cách chắc chắn thời gian ra đời, sự biến thiên của triều đình, chùa chiền và miếu mạo theo các triều đại cùng niên đại khác nhau./.

Bài, ảnh: NHƯ MÂY, BBT