Tin du lịch Tin du lịch
Những “Ông Táo biển” vì sự an toàn của du khách
08:26 | 09/09/2015 Print   E-mail    

Thân hình vạm vỡ, làn da cháy nắng, đeo còi trước ngực… hàng ngày những người đàn ông ấy vẫn phải chịu cảnh trên nắng, dưới nước để đảm bảo an toàn cho khách tắm biển. Du khách thường ví họ như những “Ông Táo biển”.

Bãi tắm Thùy Vân (Bãi Sau) thuộc sự quản lý của 8 đơn vị: Khu du lịch Dic Group, khu du lịch Intourco, khu du lịch Biển Đông, khu du lịch Nghinh Phong, khu du lịch Tháng Mười, khu du lịch Bimexco và khu du lịch Vũng Tàu Paradise. Ở đây có nhiều loại hình khách sạn, nhà hàng; khách sạn lưu trú, nhà hàng kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng kinh doanh ăn uống, các bãi tắm biển.
 
Dọc bãi tắm có 4 đài cứu hộ bờ biển với 30 nhân viên, sẵn sàng cứu kịp thời những du khách gặp nạn.Ngày nào cũng vậy, công việc của một cấp cứu viên bắt đầu từ 6 giờ sáng bằng việc bơi ra khơi cắm cờ đen ở những vùng có ao xoáy, sau đó trở vào bờ đứng trông chừng cho khách tắm biển. Nếu phát hiện trường hợp nào đi vào “vùng cấm” thì thổi còi cảnh báo, hoặc lập tức phóng ra đưa khách trở vào bờ. Thế nhưng, dịp Tết, trong khi bao nhiêu người khác vui vầy bên gia đình, đi chơi, đi du lịch… thì những nhân viên cứu hộ vẫn thường xuyên có mặt ở ngoài bãi biển suốt từ 6 giờ sáng đến 19 giờ tối. Và khi Vũng Tàu vào mùa du lịch, khách du lịch đông hơn thì những nhân viên cấp cứu thủy nạn lại chang chang dưới nắng và canh giữ cả vùng biển suốt 10 tiếng có khi 12 tiếng mỗi ngày. Anh Luyện, người có 30 năm làm nghề cấp cứu thủy nạn cho biết, nhân viên cấp cứu thuỷ nạn phải đạt được nhiều tiêu chuẩn khác như: bơi giỏi; gan dạ dũng cảm; có sức khoẻ; được huấn luyện cách cứu vớt người bị nạn, đồng thời phải biết được hướng gió, con nước… để nhắc nhở du khách tắm biển vào chỗ an toàn.
 
Nhân viên cứu hộ bờ biển cắm cờ cảnh báo nguy hiểm trên bãi biển (ảnh: MỸ LƯƠNG)
 
Ăn uống không đều đặn, không đúng bữa đã trở nên quá bình thường của những người làm công việc cứu hộ thuỷ nạn. Anh Thiện, Tổ trưởng đài cấp cứu, chia sẻ: “Anh em phải đứng trực, không dám rời vị trí. Có khi 2-3 giờ chiều nước mới rút, khi đó chúng tôi mới có bữa cơm trưa”. Thế nhưng, vẫn không thể tránh khỏi những trường hợp sơ sảy xảy ra. Hiện nay lực lượng cấp cứu bờ biển thuộc Ban quản lý các khu Du lịch TP. Vũng Tàu thay nhau trực từ mũi Nghinh Phong đến giáp ranh khu vực bãi tắm Paradise. Để nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên cứu hộ, hàng năm, Ban quản lý các Khu du lịch đều tổ chức 6 tuần học vào những tháng vắng khách (tháng 7 và tháng 8) và khi biển êm. Tham gia lớp học này, các nhân viên cấp cứu thuỷ nạn được trang bị thêm những kiến thức như: cách rèn luyện thể lực, sức bền, độ dẻo, bơi đạt tiêu chuẩn 2km về tới đích, phát hiện nạn nhân, biết cách cứu vớt nạn nhân, biết hồi sức cấp cứu ban đầu…
 
Yêu nghề nhưng những nhân viên cứu hộ cũng phải lo cuộc sống mưu sinh. Làm việc trong môi trường nguy hiểm, dễ mắc phải những bệnh ngoài da và bệnh mắt do suốt ngày tiếp xúc với nắng gió nhưng mức lương của lực lượng cấp cứu viên bờ biển cũng khá thấp so với công việc đảm trách. Thời gian qua, UBND Tỉnh, và UBND TP. Vũng Tàu đã có nhiều quan tâm hơn như tăng phụ cấp và tiền làm ngoài giờ cho nhân viên cấp cứu thủy nạn. Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý các Khu Du lịch: Khó khăn lớn nhất đối với lực lượng cấp cứu thuỷ nạn là khách tắm biển chưa được hiểu biết nhiều về quy tắc tắm biển và những mối nguy hiểm đang rình rập; một số khách du lịch thì không “hợp tác” với chúng tôi. Cũng không loại khỏi những trường hợp người mắc bệnh tim mạch, động kinh, tâm thần, say xỉn… vẫn xuống tắm bất chấp lời cảnh báo của lực lượng cứu hộ. Một phần khác là do lượng khách quá đông, mà lực lượng cứu hộ thì không đủ nên không phát hiện được hết những trường hợp gặp nạn… Ngoài những khó khăn trên thì điều kiện tự nhiên tại Bãi Sau cũng là một trở ngại lớn đối với lực lượng cấp cứu bờ biển. Từ tháng 4 đến tháng 11 có gió mùa Đông Bắc, biển động, vì thế các ao xoáy ở đây không cố định mà di chuyển mỗi ngày. Có những đoạn bãi tắm 2 ao xoáy nằm liền nhau tạo thành một khu vực nguy hiểm rộng lớn có lực kéo rút phức tạp. Vai trò của lực lượng cấp cứu thuỷ nạn lại càng nặng nề, công việc của những nhân viên cấp cứu thủy nạn lại càng vất vả, nguy hiểm./.
 
Bài: NHƯ MÂY, ảnh MỸ LƯƠNG, BBT