Tin du lịch Tin du lịch
TP. Vũng Tàu thu hút khách du lịch tâm linh
06:26 | 10/12/2015 Print   E-mail    


Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ có thế mạnh du lịch biển mà còn đứng thứ hai khu vực miền Đông Nam bộ về hệ thống di tích, lịch sử, danh thắng. Trong số các di tích, danh thắng dó là có rất nhiều đình, đền, chùa, miếu nằm trên địa bàn TP. Vũng Tàu là điểm đến của khách hành hương.

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 17 đình, 33 miếu, 16 đền, 4 dinh, 3 lăng, 135 chùa và 84 điểm tổ chức lễ hội dân gian. Trong số các di tích, danh thắng dó là có rất nhiều đình, đền, chùa, miếu… là điểm đến của khách hành hương nằm trên địa bàn TP. Vũng Tàu với rất nhiều điểm đến tâm linh thu hút khách như: Thích Ca Phật Đài, chùa Quan Âm, chùa Linh Sơn Cổ Tự, Niết Bàn Tịnh Xá...

Theo các nhà sử học, các đình làng, chùa cổ ở TP. Vũng Tàu không chỉ là những nơi linh thiêng mà còn hấp dẫn du khách bởi giá trị lịch sử và những nét đẹp trong kiến trúc. Đình làng là công trình kiến trúc nghệ thuật công cộng của làng, xã với chức năng là nơi họp bàn công việc của làng, nơi thờ các vị thần, các danh nhân lịch sử, các bậc tiền nhân có công với làng, với nước. Đình vừa có chức năng là trụ sở hành chính, nơi làm việc của ban lý hương, nơi giải quyết các vấn đề nội bộ, hội họp, thu thuế, phân xử kiện tụng; vừa là tụ điểm văn hoá, nơi diễn ra hội hè, sinh hoạt văn hoá - văn nghệ; vừa là trung tâm tín ngưỡng của làng, nơi tiến hành các lễ nghi, nơi thờ phụng các vị thần sáng lập làng, những người có công đức với làng, với nước… Do đó đình trở thành trung tâm của làng, nơi gửi gắm tình cảm của dân làng liên quan đến quá khứ, hiện tại và tương lai. Tại TP Vũng Tàu có 3 ngôi đình: đình Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam nổi tiếng nay cũng trở thành những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn cho người dân và du khách.

Nét đẹp văn hóa ở các đình làng tại TP. Vũng Tàu là điểm thu hút khách du lịch ưa thích du lịch tâm linh

Có thể nói đình Thắng Tam là biểu hiện đặc trưng văn hoá độc đáo của ngư dân miền biển: vừa có những đặc điểm chung của đình làng Việt Nam, vừa có những nét riêng trong tục thờ cúng và sinh hoạt văn hoá – tín ngưỡng của cư dân miền biển. Đình Thần Thắng Tam  hiện đang lưu giữ 13 đạo sắc của triều đình nhà Nguyễn và là nơi thờ chung của cả ba vị thần thành hoàng Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, các đạo sắc được hương chức đình thần Thắng Tam luân phiên cất giữ cẩn trọng như bảo vật linh thiêng của làng… Đình thần Thắng Tam ngày nay vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống như hoành phi, câu đối, di sản Hán Nôm và những lễ hội mang đậm nét văn hoá dân gian.

Cụ Lê Phước Thọ, 76 tuổi, Phó ban thường trược Ban tế tự đình thần Thắng Nhì, cho biết: “Căn cứ vào tấm hoành phi treo trong đình thần thì đình được xây dựng vào năm Canh Thìn 1820. Khi xây dựng đình, người xưa cũng lập chợ để tiện việc buôn bán cho bà con nhân dân và tiện việc trông nom đình thần”. Ngày trước, rạch Bến Đình rộng và sâu, là bến thuyền lớn và sầm uất nhất của Vũng Tàu. Ghe từ Chợ Lớn Sái Gòn xuống, từ phía Vàm Láng, Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang) sang, từ miền Trung vào đậu lại, bốc dỡ hàng hoá rất nhộn nhịp. Dù ai đi đâu, làm đâu cứ đến ngày giỗ ông Lê Văn Lộc (11-5 âm lịch) cũng về đình Thắng Nhì để thắp hương khấn ông. Ngày 10 và 11-11 (âm lịch) hàng năm người dân tứ xứ lại tụ họp về đây, mua lễ vật ngoài chợ và cúng cầu an trong đình.

Ông Phạm Chí Thân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho rằng, du lịch tâm linh là đến với những địa điểm thiêng liêng, nơi ấy người hành hương không chỉ đạt được sự gia tăng về niềm tin và chất lượng cho cuộc sống tâm linh mà còn tăng cường sợi dây gắn bó, kết nối mối quan hệ cá nhân với những người tâm nguyện. Vì vậy, ngoài tắm biển, nghỉ dưỡng, nhiều du khách đến Vũng Tàu còn tìm đến những điểm du lịch tâm linh như đình, đền, chùa, miếu... và tham gia các lễ hội truyền thống. Cũng như các địa phương khác, lễ hội dân gian ở Vũng Tàu bao giờ cũng hướng tới những đối tượng thiêng liêng, là những vị thần mà thực chất chính là hình ảnh hội tụ và kết tinh những phẩm chất cao đẹp của những người đi tiên phong khai hoang mở làng mở nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm, hay có công chống thiên tai, cải tạo thiên nhiên, xây dựng cuộc sống…  Du lịch tâm linh còn là loại hình du lịch đặc biệt thu hút du khách vào dịp cuối năm và đầu xuân. Đến các điểm du lịch tâm linh, họ không chỉ lĩnh hội được đầy đủ thông tin về cội nguồn tín ngưỡng, tôn giáo của mình mà trong suốt chuyến du lịch đó, họ còn được chiêm bái, cầu nguyện, tu dưỡng tinh thần, tạo sức mạnh cho niềm tin và thực hành các nghi lễ truyền thống./.

Bài, ảnh: NHƯ MÂY, BBT