Tin thế giới Tin thế giới
Thế giới tuần qua: Căng thẳng leo thang .
04:50 | 26/05/2014 Print   E-mail    


Dư luận thế giới tiếp tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đảo chính tại Thái Lan, tấn công khủng bố đẫm máu ở Tây Bắc Trung Quốc…là những tin tức nổi bật trong tuần qua.
1. Những ngày qua, cộng đồng thế giới tiếp tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây bất ổn và làm tổn hại các nỗ lực duy trì hòa bình trong khu vực.
Các chính khách và dư luận quốc tế bày tỏ lo ngại trước tình hình ngày càng phức tạp này và kêu gọi các quốc gia liên quan đối thoại để giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, đồng thời cũng ủng hộ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Description: http://image.qdnd.vn/Upload/tranhoai/2014/5/23/1233257644.jpg
Tình hình trên biển Đông diễn biến căng thẳng khi Trung Quốc liên tục cho tàu các loại áp sát, chặn đường tiến vào giàn khoan. Ảnh: thanhnien.com.vn
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam tỏ rõ quan điểm: Việt Nam luôn mong muốn hòa bình hữu nghị và không bao giờ khơi mào đối đầu quân sự. Trả lời câu hỏi của các hãng tin quốc tế nhân chuyến thăm và làm việc tại Phi-líp-pin ngày 21 và 22-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam sẽ không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết căng thẳng Biển Đông hiện nay. Song, Việt Nam cũng không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng để “nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. “Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Về phía Trung Quốc, cho đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà càng gia tăng sức mạnh với các hành động uy hiếp và xâm phạm nghiêm trọng hơn, liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam khiến tình hình trên Biển Đông ngày càng phức tạp, đe dọa đến nền hòa bình chung của cả châu Á.
2. Ngày 22-5, Tư lệnh quân đội Thái Lan – Tướng Prayuth Chan-ocha đã bất ngờ tuyên bố thực hiện một cuộc đảo chính quân sự, chiếm quyền của chính phủ và bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị then chốt. Ông cũng tự tuyên bố nắm giữ vị trí thủ tướng tạm thời cho đến khi chọn được người nắm giữ vị trí này.
Cuộc đảo chính diễn ra 2 ngày sau khi Quân đội Thái Lan ra tuyên bố thiết quân luật trên khắp cả nước, đồng thời đưa ra một loạt sắc lệnh bao gồm việc kiểm soát truyền thông, báo chí, internet.
Description: http://image.qdnd.vn/Upload/tranhoai/2014/5/23/2233258472.jpg
Binh sĩ Thái Lan gác bên ngoài căn cứ quân sự, nơi các thành viên Chính phủ vừa bị lật đổ trình diện quân đội ở Bangkok ngày 23-5. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Prayuth cho biết, cuộc đảo chính này là cần thiết nhằm khôi phục lại trật tự và sự ổn định ở đất nước Thái Lan sau 6 tháng diễn ra tình trạng bất ổn và bế tắc chính trị. Người phát ngôn quân đội Thái Lan tuyên bố tạm thời đình chỉ hiến pháp đồng thời ra lệnh cho người biểu tình của cả hai phía ủng hộ và chống chính phủ giải tán và trở về nhà sau khi quân đội nắm giữ chính quyền.
Tuy nhiên, lực lượng "áo đỏ" ủng hộ chính phủ cho biết sẽ tiếp tục biểu tình và muốn trưng cầu dân ý để giải quyết những bế tắc chính trị này.
Dư luận thế giới tỏ ra rất lo ngại trước tình hình căng thẳng ở quốc gia này và hy vọng Thái Lan sử dụng phương cách hòa bình để giải quyết tình hình chính trị, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của người dân.
3. Một vụ tấn công khủng bố đẫm máu đã xảy ra tại một khu chợ ngoài trời ở thành phố Urumqi, thủ phủ khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc ngày 22-5 làm ít nhất 31 người thiệt mạng và hơn 90 người bị thương.
Description: http://image.qdnd.vn/Upload/tranhoai/2014/5/23/3233259269.jpg
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tuần tra tại địa điểm xảy ra vụ nổ ở Urumqi. Ảnh: AP
Đây là vụ tấn công khủng bố mới nhất xảy ra tại khu vực Tân Cương trong những tháng gần đây sau một loạt các vụ tấn công khủng bố bằng dao và bom tại khu vực này. Nhà chức trách Trung Quốc gọi đây là vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất tại Urumqi trong vòng nhiều năm qua và kêu gọi tăng cường hoạt động trấn áp các phần tử khủng bố.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực này, trong khi Bắc Kinh quy trách nhiệm một loạt vụ tấn công bạo lực những tháng gần đây cho các phiến quân ly khai ở Tân Cương.
4. Bất ổn ở miền Đông Ukraina vẫn chưa hề lắng dịu trong bối cảnh nước này sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25-5. Ngày 22-5, ít nhất 13 lính Ukraine thiệt mạng và hàng chục người khác bị trương trong vụ tấn công tại một trạm kiểm soát của quân đội Ukraine gần thị trấn Volnovakha ở miền Đông Ukraine.
Description: http://image.qdnd.vn/Upload/tranhoai/2014/5/23/6233300566.jpg
Lực lượng quân đội ở miền đông Ukraine - Ảnh: AFP
Giới quan sát nhận định các vụ đụng độ này sẽ khiến căng thẳng tiếp tục leo thang ở miền Đông Ukraine trước thềm cuộc bầu cử được kỳ vọng là nhằm khôi phục hòa bình, ổn định tình hình đất nước và tái hòa giải dân tộc tại Ukraine.
Trong khi đó, các hoạt động chuẩn bị cuối cùng cho ngày bầu cử đã hoàn tất. Người dân Ukraine hy vọng cuộc bầu cử sẽ là khởi đầu mới cho quốc gia này.
5. Ngày 22-5, Nga và Trung Quốc đã chính thức ký hợp đồng mua-bán khí đốt lớn nhất trong lịch sử (400 tỷ USD), chính thức kết thúc 10 năm thương thảo, nhân chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Thượng Hải.
Description: http://image.qdnd.vn/Upload/tranhoai/2014/5/23/4233259784.jpg
Đây là hợp đồng mua bán khí đốt lịch sử giữa Nga và Trung Quốc sau 10 năm dài đàm phán - Ảnh: RIA
Điện Kremlin cho biết, hai bên đã ký kết hai văn kiện quan trọng, bao gồm: Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh cung cấp khí thiên nhiên và Thỏa thuận mua-bán khí thiên nhiên giữa Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc.
VT. Nguồn QĐND Online