Tin thế giới Tin thế giới
Nhật sẽ thực thi quyền phòng vệ tập thể
08:42 | 02/07/2014 Print   E-mail    

 
Đây là thay đổi mang tính lịch sử và quan trọng nhất đối với chính sách an ninh Nhật kể từ Thế chiến II.
 
Theo báo Japan Times, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết “cách hiểu mới” điều 9 Hiến pháp Nhật sẽ cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) tham chiến khi “một quốc gia có quan hệ thân cận với Nhật” bị một kẻ thù chung tấn công, kể cả khi Nhật không phải là mục tiêu bị tấn công.
 
“Tôi sẽ bảo vệ sự tồn tại hòa bình của đất nước Nhật. Có sự hiểu sai rằng Nhật sẽ tham chiến để bảo vệ một quốc gia nước ngoài. Đó là điều không thể. Đây chỉ là biện pháp phòng vệ để bảo vệ người dân Nhật” - ông Abe khẳng định.
 
Ông Abe cam kết sẽ không triển khai SDF tham gia các chiến dịch quân sự của lực lượng đồng minh do Liên Hiệp Quốc thông qua, ví dụ như chiến tranh vùng Vịnh.
 
Ông nhấn mạnh Nhật sẽ duy trì quan điểm tự vệ và tiếp tục con đường hòa bình, tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Các quan chức thuộc Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền cho biết đã đề ra các quy định chặt chẽ để ngăn chặn nguy cơ chính phủ áp dụng quá tay “cách hiểu mới” này.
 
Quyền phòng vệ tập thể cần sự thông qua của Quốc hội Nhật. Thực tế đây chỉ là vấn đề thủ tục bởi LDP đang kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Nhật. Kyodo News cho biết hôm qua 10.000 người Nhật đã biểu tình ở thủ đô Tokyo để phản đối quyền phòng vệ tập thể.
 
Tuy nhiên những người ủng hộ cho rằng điều 9 hiến pháp cản trở khả năng tự vệ của Nhật trong thời điểm Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự và liên tục gây hấn ở biển Hoa Đông và biển Đông.
 
Mỹ, Úc, Philippines và nhiều nước khác cũng đã lên tiếng ủng hộ chiến lược mới của Tokyo. Ngược lại, hôm qua Tân Hoa xã đăng bài viết cáo buộc Chính phủ Nhật “đánh thức cỗ máy chiến tranh đang ngủ đông” và “đùa giỡn với bóng ma chiến tranh”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phản đối quyền phòng vệ tập thể của Nhật và kêu gọi Tokyo “không gây phương hại lợi ích an ninh và chủ quyền” của Bắc Kinh.
 
Giới quan sát phương Tây nhận định trong suốt 60 năm qua Nhật đã theo đuổi con đường hòa bình và là “công dân gương mẫu” của thế giới. Do đó khu vực và thế giới không có lý do gì để lo ngại Nhật quay trở lại con đường quân phiệt như Trung Quốc ầm ĩ báo động giả.
 
Tin, Hải Châu
BBT.