Công nghệ thông tin Công nghệ thông tin
Thành phố Vũng Tàu gặp khó khăn trong triển khai phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia
05:35 | 03/09/2017 Print   E-mail    

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Y tế dự phòng, hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu toàn quốc trong hoạt động tiêm chủng, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ y tế và UBND tỉnh, từ ngày 1/6/2017, cùng với các địa phương khác trong toàn tỉnh, ngành y tế thành phố Vũng Tàu đã chính thức khởi động phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại Trung tâm y tế thành phố, các trạm y tế phường/xã và 2 phòng khám tư nhân được phép tiêm chủng dịch vụ.

Nhân viên trạm y tế phường Nguyễn An Ninh phải mang máy tính cá nhân đến nhập thông tin vào phần mềm quản lý tiêm chủng

Sau 3 tháng triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng, công tác kiểm tra, rà soát được thông tin cụ thể của từng đối tượng tiêm chủng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các trạm y tế xã, phường hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập trong việc sử dụng ứng dụng mới này.

Sau 3 tháng triển khai, có thể thấy, phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã và đang mang lại nhiều tiện ích nổi bật như: giúp việc báo cáo thống kê kết quả tiêm chủng và quản lý vắc xin nhanh chóng; quản lý được chính xác nguồn vắc xin để cung ứng đủ và kịp thời cho các điểm tiêm chủng; thông qua phần mềm, cán bộ y tế theo dõi được lịch sử tiêm chủng, các loại, lô vắc xin mà đối tượng đã được tiêm, thời gian và địa điểm tiêm chủng một cách dễ dàng.

Bà Trần Mỹ Hạnh- Phụ trách Phòng tiêm chủng dịch vụ- Trung tâm y tế Thành phố Vũng Tàu cho biết: “Hiện nay phần mềm đã đi vào hoạt động và chạy khá ổn định. Ưu điểm nổi bật của phần mềm này là chúng tôi quản lý được tất cả các đối tượng tiêm chủng, dù đối tượng có ở bất cứ vùng miền nào trong cả nước. Nhờ có phần mềm này, chúng tôi có thể xem được lịch sử chích ngừa của các đối tượng để từ đó có thể tư vấn cho họ những mũi còn thiếu, sót”

Bà Nguyễn Thị Tiếp- Trưởng trạm y tế Phường 8- cho biết: “Phần mềm tiêm chủng này giúp ích rất nhiều cho trạm y tế và người dân, bởi vì sau khi chúng tôi nhập xong thông tin của trẻ lên phần mềm, phụ huynh có thể truy cập vào trang và theo dõi lịch sử tiêm chủng của con em mình ngay tại nhà hoặc bất cứ ở đâu.”

Bà Nguyễn Thị Thủy- Trưởng trạm y tế phường Nguyễn An Ninh, cho biết: “ Phường Nguyễn An Ninh là 1 trong những phường có mật độ di dân rất là cao, trong đó có 2/3 người dân sống tạm trú. Nhờ phần mềm này mà dù họ có đi đâu đi chăng nữa thì ngành y tế vẫn quản lý được và không để bỏ sót mũi tiêm nào cho con em họ.”

Một tiện ích khác mà phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia mang lại là sau khi đã cập nhật thông tin của đối tượng tiêm chủng, hệ thống phần mềm sẽ gửi tin nhắn nhắc nhở phụ huynh theo dõi và nắm thông tin tiêm chủng đúng lịch cho trẻ.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc ngụ ở Phường 8- cho biết: “Tôi thấy triển khai phần mềm quản lý chích ngừa như thế này rất là thuận tiện cho phụ huynh chúng tôi trong việc quản lý chích ngừa cho con. Vì công việc nhiều, đôi khi chúng tôi không thể nhớ hết các lịch chích cho bé, vì thế khi thành phố triển khai phần mềm này, phụ huynh chúng tôi rất mừng và ủng hộ.”

Chị Nguyễn Thị Mai ở Phường Nguyễn An ninh: “Tôi thấy tỉnh mình triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng rất là tốt, bởi vì nhiều khi tôi cũng không nhớ hết lịch tiêm chủng của con. Ví dụ, có mũi đến 1 năm sau mới chích nhưng đôi khi chúng tôi không nhớ được. Có phần mềm quản lý tiêm chủng đấy nhắc nhở thì  phụ huynh chúng tôi không còn lo sẽ bỏ sót các mũi tiêm cho con.”

Nhiều tiện ích là vậy, tuy nhiên, để phần mềm này sử dụng hiệu quả đòi hỏi các trạm y tế phải có hệ thống máy tính đồng bộ, có đủ máy tính và máy phải có cấu hình đủ mạnh, được gắn ở khu vực gần các bàn tiêm và bàn cung cấp thông tin. Thế nhưng, hiện nay, đa số các trạm y tế trong tỉnh đều thiếu máy tính. Những máy tính hiện có thì cũng đã cũ kỹ, xuống cấp do đã được trang bị cách đây đã nhiều năm, cấu hình không đủ mạnh để chạy phần mềm nhanh và nhẹ. Hơn nữa, các máy tính bàn này hầu hết được gắn cố định tại các phòng làm việc nên rất bất tiện nếu tháo dời đưa ra khu vực tiêm để nhập dữ liệu cho các đối tượng tiêm chủng. Một hạn chế khác, do đây là phần mềm chạy online mà hệ thống máy chủ do Bộ y tế quản lý, nên khi nhiều tỉnh/thành phố cùng tổ chức tiêm chủng trong một ngày và cùng đồng loạt truy cập phần mềm thì thường xuyên xảy ra tình trạng nghẽn mạng, khiến cho các điểm tiêm chủng không thể truy cập, gây chậm tiến độ nhập và in thông tin, trả sổ theo dõi cho phụ huynh.

Bà Nguyễn Thị Thủy- Trưởng trạm y tế phường Nguyễn An Ninh, chia sẻ: “cái khó khăn nhất của trạm y tế chúng tôi thiếu máy tính trầm trọng, không có đủ máy để làm. Cái khó khăn thứ 2 nữa là đường truyền internet rất chậm, nhiều khi còn bị nghẽn không thể truy cập. Tuy Trung tâm y tế TP Vũng Tàu đã cố gắng nâng cấp đường truyền lên rồi, nhưng do phần mềm này có quá nhiều người truy cập cùng lúc, nhất là vào những ngày tiêm chủng, do vậy  cho nên làm cho phần mềm bị quá tải không thể mở hoặc truy cập, điều này khiến cho công tác trả sổ cho phụ huynh sau 30 phút theo dõi bị chậm.”

Bà Nguyễn Thị Tiếp- Trưởng trạm y tế Phường 8- cho biết: “Máy tính của trạm cũng có nhưng chưa đủ và lại gắn cố định ở trong các phòng làm việc nên không thể tháo ra để đưa ra khu vực tiêm chủng. Do đó, để có thể kịp nhập thông tin và tiêm chủng cho người dân, chúng tôi phải mang máy laptop cá nhân thì ra trạm làm, nhưng cũng chỉ được 1 cái nên rất khó khăn.  Bởi vì, theo đúng quy trình thì phải nhập thông tin vào phần mềm từ khi trẻ mới vào bàn tiếp nhận, sau đó chúng tôi sẽ in thông tin  ra phiếu chỉ định, , sau đó trẻ mới vào bàn khám và tiêm. Thế nhưng, hiện tại bây giờ trạm chưa đủ máy nên chúng tôi chỉ nhập 1 phần thông tin thôi, còn 1 phần phải viết bằng tay nên tiến độ công việc phần nào bị chậm lại.”.

Lãnh đạo TTYT dự phòng tỉnh cho biết, những khó khăn của các trạm y tế đang gặp phải với phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng cũng đã được dự lường trước. Do vậy, tuyến tỉnh, huyện/thành phố luôn theo dõi sát và kịp thời hỗ trợ cho các trạm y tế xã. Đến thời điểm này, phần mềm đang được triển khai với tinh thần vừa làm vừa chỉnh sửa để khắc phục các khó khăn gặp phải. Ngành y tế cũng đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện lên các cấp lãnh đạo./. 

Bài, ảnh: Minh Anh, BBT