Thể dục - Thể thao Thể dục - Thể thao
Môn thể thao độc đáo của TP. Vũng Tàu
07:29 | 01/03/2014 Print   E-mail    

 
Ngoài bãi biển đẹp, khí hậu mát mẻ, nhiều khu lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng…, du khách tới TP. Vũng Tàu vào dịp đầu năm mới hay những ngày lễ lớn còn được thưởng thức rất nhiều chủng loại diều lạ mắt cùng bay lượn trên bầu trời.
 
Để tạo nên môn thể thao độc đáo, mang nét riêng của thành phố biển này không thể không nhắc đến sự đóng góp công sức của 3 CLB diều TP. Vũng Tàu là CLB diều Biển Xanh Vũng Tàu, CLB diều Vũng Tàu và CLB diều Ô Cấp.
 
Ghé thăm CLB diều Biển Xanh Vũng Tàu vào những ngày đầu tháng 2, chúng tôi nhận thấy các nghệ nhân đang tất bật chỉnh sửa, làm thêm các con diều mới để sẵn sàng cho các sự kiện lớn năm 2014. Trên nền nhà của CLB bày la liệt các loại diều sáo truyền thống, diều điều khiển bằng tay, diều bạch tuộc, diều cá…., còn các nghệ nhân mỗi người mỗi việc: người thì chăm chú sơn màu sắc và treo băng rôn, khẩu hiệu lên các con diều không có khung; người lại tỉ mỉ căng chỉnh dây lèo, âm thanh của diều sáo. Vừa chăm chú khoét miệng sáo sao cho âm thanh hòa quyện với nhau, nghệ nhân Nguyễn Văn Tường, chủ nhiệm CLB diều Biển Xanh Vũng Tàu vừa cho biết, không chỉ là một trò chơi dân gian, thả diều hay chơi diều còn là môn thể thao mang tính nghệ thuật cao và có sức hút kỳ lạ. Bên cạnh những con diều hiện đại, CLB luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ chế tác các con diều sáo truyền thống. “Nhìn diều sáo có phần đơn giản, nhưng để nó bay cao, ổn định với tiếng sáo du dương, đòi hỏi người chế tác phải có đôi bàn tay khéo léo. Thời gian để chế tác xong một con diều sáo tùy thuộc vào mức độ cầu kỳ và hình dáng khác nhau: có loại chỉ mất vài ngày, nhưng cũng có loại phải bỏ ra vài tháng mới hoàn thành”, ông Tường bật mí.
 
Cũng có đam mê chơi diều từ thủa nhỏ, nghệ nhân Vũ Anh Hùng, chủ nhiệm CLB diều Vũng Tàu cho biết, tùy theo đặc điểm địa lý cũng như những nét văn hóa từng vùng miền, diều sáo mỗi nơi lại mang hình dáng và âm thanh khác nhau. Về cơ bản, diều sáo gồm có 2 phần là diều và sáo. Trước đây, các nghệ nhân thường chỉ chú tâm tới phần “nghe” (tiếng sáo) mà lơ là phần “nhìn” (thân diều); nhưng vài năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của các vật liệu tiên tiến và chuyên dụng như vải dù, vải polyester… giúp cánh diều trở nên rực rỡ, tinh xảo hơn. Khi chế tác, nghệ nhân rất cầu kỳ với mỗi chiếc/bộ sáo từ vật liệu đến tạo hình dáng và đặc biệt là chỉnh âm thanh sao cho đạt đến độ tinh tế, hài hòa. Sáo nào có độ rung tốt gọi là “sáo ngân”, không rung hoặc rung ít là “sáo xổng”. Cái khó là làm sao chỉnh cho hai bên miệng sáo cân bằng và phát ra cùng một âm thanh; đồng thời các sáo trên một dàn phải cùng tạo nên một hợp âm chuẩn. Âm thanh của một bộ sáo thường gắn với tiếng chuông (chùa, nhà thờ), tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng tù và hay là theo nhạc lý, như: hợp âm đô trưởng, hợp âm pha. “Có sự khác nhau trong “gu” thưởng thức (âm sắc cao - thấp, tiết tấu nhanh - chậm…) và ở mỗi vùng, miền lại có cách đánh giá riêng, nhưng chung quy lại là một bộ sáo hay phải bảo đảm âm “trong vành rõ tiếng”, không có tạp âm và phải có độ ngân tốt”, ông Hùng chia sẻ.
 
 
Khác so với CLB diều Vũng Tàu và CLB diều Biển Xanh Vũng Tàu, CLB diều Ô Cấp chỉ tập trung vào các con diều hiện đại như: diều bạch tuộc, diều cá, diều cua… Nổi bật trong số đó là diều không có khung hình trái tim với kích thước khoảng 3,5 mét; trên thân mang những họa tiết đặc trưng của TP. Vũng Tàu như: giàn khoan, hải đăng, núi, biển; còn phần đuôi mang dòng chữ “Vũng Tàu quê hương tôi”. Đặc biệt là ở Hội thi thả diều Việt Nam lần thứ II năm 2013 vừa qua, với con diềurắn cạp nong – có chiều dài 80 mét và đường kính 1,4 mét - CLB diều Ô Cấp đã giành giải đặc biệtvới thể loại diều kết hợp giữa dân gian và hiện đại.
 
Bài, ảnh: Minh Phương

BBT.