Khoa học công nghệ Khoa học công nghệ
Bệnh viêm gan B trên địa bàn tỉnh tăng cao và những hạn chế trong công tác điều trị
06:45 | 01/02/2015 Print   E-mail    

 

 Viêm gan B là một bệnh dễ lây nhiễm và có nguy cơ gây biến chứng cao ở gan. Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh viêm gan B trên địa bàn tỉnh tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có khoa điều trị chuyên biệt về gan cũng như chưa có trang thiết bị xét nghiệm chuyên sâu về chức năng gan gây hạn chế trong công tác điều trị.
 
 
Thống kê của bệnh viện Bà Rịa và bệnh viện Lê Lợi cho thấy, nếu như năm 2012, mỗi bệnh viện có khoảng 1.200 bệnh nhân bị nhiễm vi rut VGB đến khám và điều trị thì đến năm 2013, số bệnh nhân VGB đến khám và điều trị đã tăng lên khoảng hơn 2.000 bệnh nhân và năm 2014 tăng lên khoảng 3.500 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân bị bệnh VGB tăng cao, tuy nhiên tại hai bệnh viện tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc khám phát hiện virut VGB, điều trị bệnh ở dạng nhẹ và chưa triển khai khâu xét nghiệm đo lường số lượng kháng nguyên bề mặt của vi-rút viêm gan B – một khâu quan trọng nhất để các bác sĩ đánh giá được tình trạng kiểm soát miễn dịch của bệnh nhân, nguy cơ tiến triển từ viêm gan B sang bệnh xơ gan và ung thư gan để từ đó thay đổi cách thức xử trí phù hợp đối với bệnh nhân.  
Bác sĩ Hoàng Trung Thảo- Trưởng khoa Nhiễm- Bệnh viện Bà Rịa cho biết: “ Hằng năm, bệnh nhân bị nhiễm virut viêm gan B đến khám tại Bệnh viện Bà Rịa tăng tuy nhiên do cơ sở vật chất cũng như đội ngũ bác sĩ chưa đáp ứng kịp thời, nên gây khó khăn trong quá trình điều trị. Hơn nữa, chúng tôi cần có xét nghiệm đo thể lượng virut, nồng độ virut trong máu bệnh nhân bị bệnh viêm gan B, thế nhưng hiện nay bệnh viện vẫn chưa triển khai được. Do vậy, chúng tôi phải giới thiệu lên tuyến trên để làm xét nghiệm đó nhằm có quyết định phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân”
Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn- Phó giám đốc Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu cho biết: “Vì khâu cận lâm sàng về bệnh gan tại bệnh viện Lê Lợi chưa phát triển được nên dẫn đến hạn chế về chẩn đoán và điều trị . Cho nên bây giờ, gần như tất cả những bệnh nhân nhiễm VGSVB có tổn thương gan và vi rrut ở thể hoạt động hoặc thể tấn công thì chúng tôi phải chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị”
Theo các bác sĩ chuyên khoa trong tỉnh, xét nghiệm đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc kiểm soát bệnh viêm gan B, từ chẩn đoán sớm đến xử trí và theo dõi trong quá trình điều trị. Do đó, người bị nhiễm virut viêm gan siêu vi B cần thường xuyên đi xét nghiệm đo lường số lượng kháng nguyên bề mặt của vi-rút viêm gan B để có liệu trình điều trị phù hợp. Tuy nhiên, việc đi xét nghiệm máu thường xuyên tại bệnh viện, nhất là ở các bệnh viện tuyến trên tại TP.HCM hay các tỉnh thành khác mất khá nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc, do đó người bệnh thường hay bỏ qua khâu xét nghiệm này. Hơn nữa, đa số người bệnh không nhận ra bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào cho đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng; vì vậy, đa số bệnh nhân bị nhiễm virut VGB thường được chẩn đoán và chữa trị vào giai đoạn muộn dẫn đến xơ gan, ung thư gan và tử vong. Bà Hoàng Thị Oanh – 60 tuổi, ở xã Phước Hòa, huyện Tân Thành là một ví dụ. Biết mình bị nhiễm virut viên gan B cách đây 4 năm trong một lần xét nghiệm máu tại bệnh viện Bà Rịa, tuy nhiên do phát hiện muộn và không thường xuyên đi xét nghiệm đo lường số lượng kháng nguyên bề mặt của vi-rút viêm gan B để có phương pháp điều trị phù hợp nên đến nay, bệnh của bà Oanh đã biến chứng thành xơ gan, gây chướng bụng, vàng da, ăn không tiêu, tiểu tiện khó khăn.
Virus viêm gan B chủ yếu lây qua đường truyền máu, tình dục và mẹ truyền sang con. Bệnh tiến triển rất nhanh và gần như không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là tiêm ngừa viêm gan siêu vi B. Ngoài ra, cần điều chỉnh sinh hoạt, ăn ít dầu mỡ và uống ít rượu, bia…
Bác sĩ Hoàng Trung Thảo- Trưởng khoa Nhiễm- Bệnh viện Bà Rịa cho biết: “Bệnh viêm gan B điều trị phức tạp nhưng đã có thuốc vắc xin để chủng ngừa. Do vậy, giải pháp căn cơ nhất để giảm nguy cơ lây nhiễm viêm gan B là tiêm ngừa vắc xin. Mọi đối tượng nên đi chích ngừa. Đặc biệt một số đối tượng nguy cơ cao như: nhân viên y tế, những người làm công tác chăm sóc người già trong trại dưỡng lão, những người có nhiều bạn tình- những người có quan hệ tình dục với nhiều người, thậm chí cả đối tượng thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ sơ sinh đã có chương trình tiêm chủng mở rộng thì sẽ giảm được vấn đề nhiễm bệnh viêm gan B rất tốt”
 biết, sắp tới, sau khi bệnh viện đa khoa Bà Rịa chính thức đi vào hoạt động tại cơ sở mới sẽ triển khai chuyên khoa sâu chuyên khám và điều trị các bệnh về gan, trong đó có bệnh viêm gan B. Hiện nay, các trang thiết bị xét nghiệm chuyên khoa đã được lắp đặt sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Bài,ảnh: Minh Phát
BBT.