An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Hướng dẫn dự phòng và xử trí COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
11:06 | 24/03/2020 Print   E-mail    

Trước bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trên thế giới đã ghi nhận phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh nhiễm căn bệnh này, đa số phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình (thể bệnh viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phổi nhẹ), một số rất ít mắc bệnh thể nặng, Bộ Y tế ban hành quyết định số 1271/QĐ-BYT hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí viêm đường hô hấp cấp tính do chủng vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Theo đó Bộ Y tế yêu cầu đối với phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh đến khám (người bệnh) Hướng dẫn người bệnh và người nhà đến khám đeo khẩu trang, tới khu vực cách ly, giữ khoảng cách tối thiểu là 2m giữa các người bệnh; hướng dẫn người bệnh che mũi miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay ngay sau khi tiếp xúc dịch hô hấp; Hạn chế người bệnh di chuyển trong cơ sở y tế; người nhà đi kèm với người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 cần phải được xem như là có phơi nhiễm với COVID-19 và cũng phải được tầm soát cho đến hết thời gian theo dõi theo quy định để giúp chẩn đoán sớm và phòng ngừa COVID-19.

Nguyên tắc xử trí phụ nữ mang thai nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 ưu tiên các điều trị nội khoa trước, phần loại thể lâm sàng và điều trị theo Quyết định số 322/QĐ-BYT ngày 06/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viếm đường hô hấp cấp tính do chủng vi rút Corona mới; hạn chế các can thiệp sản khoa trong thời gian nghi nhiễm/nhiễm COVID-19, trừ khi có chỉ định cần can thiệp cấp cứu hoặc bán; cân nhắc lợi ích giữa mẹ và thai nhi.

Đối với xử trí phụ nữ mang thai nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19: Thực hiện khám thai theo Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản; khi khám thai cần kết hợp tư vấn các biện pháp dự phòng lây nhiễm COVID-19, trường hợp phụ nữ mang thai nghi nhiễm COVID-19 cần được làm xét nghiệm chẩn đoán càng sớm càng tốt; nếu không làm được xét nghiệm khẳng định chẩn đoán COVID-19 thì liến hệ với cơ sở xét nghiệm đã được Bộ Y tế cho phép.

Và việc xử trí phụ nữ mang thai: Nghi nhiễm COVID-19 thì chuyển vào cơ sở cách ly tập trung của địa phương và thực hiện cách ly theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế; chuyển đến cơ sở y tế điều trị COVID-19 của địa phương nếu xét nghiệm COVID-19 dương tính; chuyển đến cơ sở sản khoa nếu có dấu hiệu bất thường về sản khoa hoặc chuyển dạ.

Đối với trường hợp đã nhiễm COVID-19 ưu tiên điều trị COVID-19 trước, chỉ can thiệp sản khoa khi có triệu chứng cấp cứu về sản khoa hoặc khi tình trạng mẹ nặng cần hội chẩn các chuyên khoa liên quan; Đối với thai phụ nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng lâm sàng hoặc có biểu hiện lâm sàng bệnh thể nhẹ được điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế chỉ can thiệp sản khoa khi có triệu chứng cấp cứu về sản khoa như đau bụng, ra máu âm đạo, vỡ ối…Đối với thai phụ nhiễm COVID-19 thể nặng điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hội chẩn trên từng ca bệnh với các chuyên khoa truyền nhiễm/hồi sức/sơ sinh; thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X quang và CT Scan ngực như đối với người không mang thai, chú ý sử dụng các phương tiện bảo vệ thai nhi; thai phụ nhiễm COVID-19 (kể cả đã khỏi) cần được quản lý thai 2 - 4 tuần/lần nhằm phát hiện sớm những trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung. Còn đối với can thiệp sản khoa điều trị dọa sảy thai, dọa đẻ non cần căn cứ vào tình trạng của thai phụ, thai nhi và nên hội chẩn với các chuyên khoa truyền nhiễm/hồi sức/sơ sinh..Sử dụng Corticosteroid giúp trưởng thành phổi của thai ở những thai phụ nhiễm COVID-19 có nguy cơ sinh non cần lưu ý thai phụ nhiễm COVID-19 với biểu hiện lâm sàng nhẹ có thể sử dụng Corticosteroid, thai phụ nhiễm COVID-19 với biểu hiện lâm sàng nặng, cần hội chẩn với các chuyên khoa (truyền nhiễm/hồi sức/sơ sinh, ...) trước khi sử dụng Corticosteroid; Đồng thời tiếp tục theo dõi thai, không có chỉ định đình chỉ thai nghén do mẹ nhiễm COVID-19 mà không có biểu hiện lâm sàng hoặc có biểu hiện lâm sàng ở các thể bệnh nhẹ; Trường hợp không có triệu chứng cấp cứu về sản khoa nhưng thai quá ngày dự kiến sinh thì hội chẩn các chuyên khoa để quyết định có lấy thai ra không và lựa chọn phương pháp sinh. Nếu không có suy thai, tư vấn người bệnh và gia đình trì hoãn cuộc chuyển dạ, theo dõi monitor sản khoa hàng ngày./.

Tin: Kim Nguyễn, BBT