Tin du lịch Tin du lịch
Liên kết để phát triển thu hút khách.
07:45 | 04/06/2014 Print   E-mail    

 

QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG ĐÔNG NAM BỘ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030:
Liên kết để phát triển, thu hút khách
 
Đó là ý kiến của hầu hết đại biểu tại hội thảo tham vấn “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa diễn ra tại TP. Vũng Tàu. Chương trình do Tổng cục Du lịch tổ chức với sự tham gia của đại diện ngành VH-TT-DL 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ và 6 tỉnh, thành liền kề, đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư; Bộ Xây dựng, Dự án EU…
 
“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Viện nghiên cứu Phát triển du lịch thực hiện từ cuối năm 2013. Mục tiêu của quy hoạch là đưa khu vực Đông Nam bộ trở thành một trong những khu vực thu hút nhiều khách du lịch nhất của cả nước, hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng để phát triển du lịch vào năm 2020 và phấn đấu đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng, phát triển đồng bộ và là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội của vùng và cả nước. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Đông Nam bộ là vùng có nhiều tiềm năng và điều kiện phát triển du lịch. Hiện vùng có mức tăng trưởng chung là 11,2%, khách du lịch quốc tế 10,4%, tăng đều các năm. Năm 2013 có mức tăng trưởng cao đạt 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Tăng trưởng khách du lịch nội địa cũng tăng cao (11,4%). Năm 2013 đạt trên 18,8 triệu lượt khách nội địa. Tăng trưởng lưu trú trong kỳ đối với du lịch quốc tế là 0,04%/năm, tăng trưởng lưu trú khách du lịch nội địa là 0,025%/ năm. Cũng theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, BR-VT và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương có mức tăng trưởng khách du lịch nội địa cao, chiếm 67% du lịch nội địa. Một số tỉnh có mức tăng trưởng cao về khách du lịch quốc tế như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh với mức cao nhất là 4,1 triệu lượt khách chiếm 87% số lượt khách đến vùng. Thấp nhất là Bình Phước 8,8 ngàn lượt khách, chiếm 0,02%.
 
Kết quả khảo sát cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình về doanh thu giai đoạn là 23% đạt 61.381 tỷ đồng trong đó doanh thu của TP. Hồ Chí Minh chiếm 60% đạt 57 ngàn tỷ đồng; BR-VT đạt 1,2 ngàn tỷ đồng. Chi tiêu trung bình của khách du lịch đến trên các điểm du lịch do các hãng lữ hành bán cho khách năm 2013 được khảo sát như sau: khách du lịch quốc tế 103 USD/khách/ngày, tại thị trường cao nhất là TP. Hồ Chí Minh, trung bình là 140 USD/khách/ngày. Thấp nhất là Bình Phước 45-50 USD/khách/ngày. Khách du lịch nội địa có mức chi tiêu 25 USD/khách/ngày, cao nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và BR-VT là 38 USD. Thấp nhất là Bình Phước và Tây Ninh là 10-25 USD/khách/ngày.
 
Các chuyên gia về du lịch nhận định, thị trường vùng Đông Nam bộ bị chi phối thị trường khách du lịch TP. Hồ Chí Minh thông qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất chiếm 68%, đường biển 3-6, qua cửa khẩu quốc tế là 15-20%...
 
Description: C:\Users\Admin\Downloads\du lich - quy hoach 1.jpg.
 
Theo định hướng “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư như: Phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, chú trọng tại các khu du lịch mới và đến các điểm tài nguyên du lịch; phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch cho từng tỉnh, thành; phát triển số lượng các khu, điểm du lịch tạo thêm điểm đến cho khách du lịch… Các sản phẩm du lịch chính của vùng sẽ là: du lịch MICE; du lịch biển đảo; du lịch gắn liền với các công trình văn hóa, di tích lịch sử; du lịch gắn liền với tài nguyên phi vật thể, lễ hội tâm linh, tín ngưỡng; du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực, làng nghề, chữa bệnh…
 
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cho quy hoạch trong đó trọng tâm xoay quanh các vấn đề: làm thế nào để quy hoạch mang lại lợi ích thiết thực nhất cho du lịch vùng Đông Nam bộ; làm sao để quy hoạch đi vào thực tiễn… Ông Bùi Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh BR-VT cho rằng, cần phải quan tâm đến cả vấn đề hậu quy hoạch bởi trên thực tế có nhiều sau khi quy hoạch xong không có tính khả thi, làm ảnh hưởng đến nhiều dự án khác và ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Còn theo đại diện của Sở VH-TT-DL TP. Hồ Chí Minh nếu không giải quyết được cơ chế, chính sách thì quy hoạch khó đi vào thực tiễn; đồng thời quy hoạch cũng phải dự báo thời cơ và thách thức mà ngành du lịch vùng Đông Nam bộ có thể phải đối mặt trong những năm 2020-2030. Ông Lê Xuân Dũng (Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia – Bộ Xây dựng) thì cho rằng, cần đưa các khu vực liền kề vào quy hoạch như: sân bay, bến cảng, trung tâm thương mại… từ đó có định nghĩa về không gian du lịch. Một số đaị biểu khác cũng góp ý kiến về việc liên kết giữa các vùng, các địa phương để cùng nhau phát triển du lịch; góp ý đơn vị thực hiện nên nghiên cứu mô hình quản lý để đưa quy hoạch vào thực tiễn và có chế tài ràng buộc nếu không thực hiện đúng quy hoạch; chi tiết các công việc, sản phẩm chủ lực, hướng đầu tư cho từng địa phương; đưa các khu vực liền kề có liên quan vào quy hoạch không gian du lịch; đánh giá và có kiến nghị với Trung ương sửa đổi các chính sách cản trở du lịch phát triển…
 
Bài, ảnh:  Hoa Hạ
BBT.