Các lễ hội Các lễ hội
Đưa nét đẹp đình làng vào du lịch.
08:37 | 26/05/2014 Print   E-mail    

 
Với hệ thống 15 đình, chùa cổ tiêu biểu cho lối kiến trúc nghệ thuật và lễ hội truyền thống, thể hiện bản sắc văn hoá tín ngưỡng dân gian của người Việt đang tồn tại ở Bà Rịa – Vũng Tàu là một nét văn hoá đẹp đang được quan tâm khai thác để phát triển du lịch.
 
 
Đình làng là công trình kiến trúc nghệ thuật công cộng của làng, xã với chức năng là nơi họp bàn công việc của làng, nơi thờ thần Thành Hoàng, các vị Nhiên thần, Nhân thần, các danh nhân lịch sử, các bậc tiền thân có công với làng với nước. Đình vừa có chức năng là trụ sở hành chính, nơi làm việc của ban lý hương, nơi giải quyết các vấn đề nội bộ, hội họp, thu thuế, phân xử kiện tụng; vừa là tụ điểm văn hoá, nơi diễn ra hội hè, sinh hoạt văn hoá - văn nghệ; vừa là trung tâm tín ngưỡng của làng, nơi tiến hành các lễ nghi, nơi thờ phụng các vị thần sáng lập làng, những người có công đức với làng, với nước… Do đó đình trở thành trung tâm của mối cộng cảm, nơi nhen nhúm và gửi gắm tình cảm của dân làng liên quan đến quá khứ, hiện tại và tương lại. Từ bao đời người ta truyền tụng nhau quan niệm “đình tan làng mạt”, nhằm nhắc nhở nhau giữ gìn ngôi đình của làng. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, đình của các làng nghề cá thường xây dựng bên cạnh đền, chùa, miếu, chợ… tập hợp thành một trung tâm kinh tế - văn hoá - tín ngưỡng của làng.
 
Nếu như ở miền Bắc đình cấu trúc theo lối nhà rường năm gian, thì đình Nam Bộ nói chung và đình ở Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng thường là một quần thể gồm nhiều nhà vuông có 4 cột cái, hoặc là kiểu nhà dài ba gian hai chái. Đình thường được bao quanh bằng tường rào. Lối vào đình có cổng tam quan, thường nằm lệch một bên. Đình Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có các loại lễ hội chung như các địa phương khác ở Nam Bộ, đó là: Lễ Dựng nêu, lễ Dương ấn, lễ Rước thần, lễ Đưa thần, lễ Nguyên đán, lễ Giở ấn, lễ Tam nguyên, lễ Kỳ yên, lễ Thượng điền, lễ cúng các anh hùng lịch sử… Nhưng cũng có thêm những lễ riêng mà đình làng ở các địa phương khác không có, như lễ cúng các vị thần phù hộ cho người đi biển, lễ hội “uống nước nhớ nguồn”... Trong quá trình diễn ra cúng đình, bên cạnh việc tổ chức cúng lễ, hội đình còn tổ chức nhiều trò vui chơi giải trí sôi động. Đối với lễ hội nói chung và hội đình nói riêng thì “yến diên coi xướng” là hai việc không thể tách rời nhau. Khi đã đình đám thì phải tiệc tùng hát xướng. Và với hát xướng thì hát bội, đàn ca tài tử, cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu trong lễ hội của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu.
 
Thời gian gần đây, xu hướng phát triển hội đình của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu mang màu sắc mới mẻ và hiện đại. Việc lập bàn thờ các anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc khánh chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước và tổ chức lễ hội nhân ngày 27-7 hàng năm ngay trong đình làng là biểu hiện điển hình cho xu hướng đó. Tuy nhiên, với các lễ hội này vẫn chưa khai thác hết các di tích là đình làng ở Bà Rịa – Vũng Tàu. “Việc nghiên cứu về lịch sử hình thành, kiến trúc nghệ thuật, lễ hội truyền thống, các đối tượng thờ phụng, hiện vật, các hoa văn trang trí tại đình, làng là việc làm cần thiết nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, đồng thời để gắn với việc phát triển du lịch”, ông Phạm Chí Thân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh nói.
 
Ông Trần Văn Triêm, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, với sự đa dạng về kiến trúc, kiểu dáng, các đình làng xưa ở Bà Rịa – Vũng Tàu có thể là sự kết nối giữa văn hoá xưa và nay. Đình làng là nơi quần tụ, cố kết của cộng đồng dân cư xưa nhưng cũng là một phần trong đời sống tâm linh của người dân trong thời buổi hiện nay. Cần phải có một sợi dây kết nối giữa văn hoá và du lịch để du khách khi đến Bà Rịa – Vũng Tàu có thể được chiêm ngưỡng những nét tinh hoa của mái đình xưa, làng Việt. Đem nét xưa của đình, chùa vào phát triển du lịch đã trở thành một điều quan tâm không chỉ với những người thực hiện công trình nghiên cứu “Đình chùa cổ Bà Rịa – Vũng Tàu với việc bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội” mà còn là ý tưởng hay cho những người làm du lịch cần phải bắt tay để thực hiện.
 
Bài, ảnh: HOA HẠ
BBT.