Các lễ hội Các lễ hội
Gần 9.000 lượt khách tham dự lễ vía Ông – Nhà Lớn Long Sơn
05:50 | 31/03/2016 Print   E-mail    

Nhà Lớn – Long Sơn ngày nay còn bảo lưu nhiều phong tục tập quán cũ xưa và có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với khách du lịch. Phong tục tập quán ấy càng được thể hiện rõ nét trong lễ vía Ông (20-2 âm lịch). Năm nay, lễ vía Ông diễn ra vào ngày 28-3 nhưng 2 ngày trước đó (ngày 26 và 27-3) lượng khách đổ về Long Sơn đã rất đông. Ước tính có khoảng gần 9.000 lượt khách đã tham dự lễ hội.

 
Người dân từ khắp nơi mặc áo dài đen, đi chân trần về Nhà Lớn – Long Sơn tham dự lễ vía Ông 

Đến Long Sơn, điều đầu tiên đập vào mắt du khách là hình ảnh những vị bô lão râu dài, mặc đồ đen, tóc búi tó; những người phụ nữ cũng ăn vận áo dài đen, đi chân trần. Họ đều là những người theo đạo Ông Trần, người đã có công khai hoang và tạo dựng nên Long Sơn đầu thế kỷ 20. Mặc dù ngày 20-2 (âm lịch) mới là ngày giỗ chính của ông Nhà Lớn (hay còn gọi là lễ vía Ông) nhưng từ 2 giờ sáng ngày 19-2 (âm lịch), 20 chiếc xe khách của đoàn bá tánh đến từ An Giang đã về đến Nhà Lớn – Long Sơn. Từng người ăn vận áo dài đen, khăn đống cũng màu đen mang theo nào xôi chè, bánh trái đến cung kỉnh Ông. Không khí của Nhà Lớn trong hai ngày tiếp đó luôn ấm cúng và trang nghiêm. Mỗi người một việc, mỗi người một công nhưng tất cả đều góp phần làm cho việc tiếp đãi khoảng 20.000 khách thập phương từ những nơi khác đến trong lễ vía Ông thêm chu đáo.

Theo các hương chức ở Nhà Lớn: “Tín ngưỡng của Ông không có kinh kệ, rước sách, kiêng kỵ, không cắt tóc ăn chay, không có chuông mỏ. Người dân theo Ông đều mặc quần áo bà ba đen, đi chân đất, đầu để tóc dài búi gọn sau gáy. Tất cả những công việc trong Nhà Lớn cũng như trong dòng tộc đều do 8 vị kỳ lão họp bàn giải quyết”. Những phong tục tập quán có từ thời ông Trần đến nay vẫn được chưa hầu, bá tánh, những người theo đạo ông Trần gìn giữ và phát huy. Sau khi mất, Ông được con cháu đưa vào thờ cúng trong Nhà Lớn. Và các nhà dân theo đạo Ông Trần đều lập nhiều bàn thờ Ông. Hầu hết họ dành hẳn ba gian nhà chính cho việc thờ cúng. Bàn thờ được sắp xếp theo nhiều lớp. Chủ yếu thờ ông bà tổ tiên, thiên địa, thờ Ông Trần, Thánh Mẫu Quan Công… Ngày có “hội làng” nhân dân tự giác luân phiên nhau đến quét dọn, đèn nhang, cung kỉnh trong Nhà Lớn gọi là “vô phiên” hoặc “phiên ngũ thường”. Mỗi phiên có 6 người. Những tục lệ như vậy đã được cộng đồng Nhà Lớn tôn trọng và tuân theo một cách tự giác từ hàng trăm năm nay.

Trong gian nhà phía sau Lầu Tiên, 8 vị kỳ lão đang chuẩn bị kỉnh Ông (cúng ông). Các dì cũng áo bà ba, quần đen ngồi quây quần lo chuyện bếp núc, chè xôi để đãi bá tánh đang tụ họp về Nhà Lớn. “Con cháu Nhà Lớn dù đi đâu mần ăn, xa xôi đến mấy thì ngày vía Ông cũng về. Kỉnh Ông không cần mâm cao cỗ đầy, cao lương mỹ vị. Ông dạy rồi, nhà ăn sao thì kỉnh vậy nên trên mâm cỗ chỉ có món canh dừa, trái su xào, củ sắn cuốn bì, chuối ghém, xôi chè và bánh quy”, ông Lê Văn Mai, hương chức ở Nhà Lớn cho biết.

Được biết, ngoài các phong tục đẹp như trên, lúc còn sống Ông Nhà Lớn còn thực hiện chính sách “luân canh luân cư” nổi tiếng: những người phiêu dạt đến, không nhà cửa, ruộng vườn sẽ được ông cấp nhà để ở, ruộng đất để cày, khi nào ổn định được cuộc sống thì ra riêng, nhường nhà, nhường ruộng cho người khác đến. Đến nay, hàng trăm năm đã trôi qua nhưng ban điều hành Nhà Lớn vẫn giữ truyền thống “luân canh, luân cư” này đối với những người nghèo, những người di cư đến Long Sơn tìm kế mưu sinh. Vì vậy, 5 dãy phố cổ đang được con cháu của Ông lần lượt trùng tu, tôn tạo lại làm nơi nghỉ chân cho khách thập phương, bá tánh.

Được biết, ông Lê Văn Mưu quê ở Hà Tiên người đầu tiên khai thiên lập đất ở đảo Long Sơn, ông thường đánh trần làm ruộng rẫy nên mọi người thường gọi ông là ông Trần. Ông đã xây dựng lên Nhà Lớn và các dãy phố cổ để cho những người dân nghèo đến đây ở. Đến nay người ta thường gọi những người vận áo bà ba đen, đi chân trần, tóc búi củ hành là người theo đạo ông Trần. Và ông Lê Văn Mưu được người dân Long Sơn gọi bằng cái tên kính trọng là ông Nhà Lớn.

Bài, ảnh: NHƯ MÂY, BBT