Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
NSƯT Xuân Năm: Như cánh chim không mỏi.
07:53 | 09/05/2014 Print   E-mail    

                        NSƯT XUÂN NĂM:
Như cánh chim không mỏi
------------
 
70 tuổi nhưng giọng hát, cách ngâm thơ, nói chuyện của NSƯT Xuân Năm vẫn còn rất trẻ. Hơn 50 năm lao động nghệ thuật, NSƯT Xuân Năm như cánh chim không mỏi, miệt mài đem lời ca tiếng hát, đem kiến thức của mình để phục vụ nhân dân.
 
GIỌNG CA XỨ NGHỆ THỜI SON TRẺ
 
Trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm 86 đường Nguyễn An Ninh (phường 7, TP. Vũng Tàu), NSƯT Xuân Năm ngồi xem lại những bức ảnh chụp chung với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước như bác Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Trường Chinh… Ký ức về tuổi trẻ vẫn còn hiện rõ trong ánh mắt của bà.
 
Quê ở Thạch Hà (Hà Tĩnh), năm 20 tuổi, Xuân Năm tham gia Đoàn văn công địa phương. Thời kỳ đó, chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng khắp miền Bắc, cô gái Xuân Năm vai mang ba lô, tay cầm đèn măng-sông, đeo cả một sân khấu di động trên lưng… hăng hái đến với các chiến trường, trận địa pháo lấy “tiếng hát át tiếng bom”. Với nghệ sĩ Xuân Năm, đó là khoảng thời gian oanh liệt nhất. Xuân Năm cùng những nghệ sĩ trong đoàn phải đi bộ, trèo đèo lội suối hàng trăm cây số từ công trường 21 - 22 của thanh niên xung phong, đến Khe Sanh, đường 9 Nam Lào… Sân khấu là chiến hào, đèn sân khấu là pháo sáng của địch, bom đạn vẫn dồn dập trên các ụ chiến đấu, nhưng Xuân Năm và anh chị em văn nghệ sĩ đã xem cái chết “nhẹ tựa lông hồng”, vẫn hát hết mình để tiếp thêm tinh thần chiến đấu cho chiến sĩ.
 
Nghệ sĩ Xuân Năm kể lại: “Thời kỳ ấy, gian khổ nhưng mà vui. Không chỉ xem Xuân Năm biểu diễn, 10 giờ tối thứ 4 và Chủ nhật hàng tuần, mọi người lại đón nghe tiếng thơ của Xuân Năm trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe xong, anh em chiến sĩ khắp nơi gửi thư về làm quen”. Cũng trong thời gian chiến tranh gian khổ ấy, nghệ sĩ Xuân Năm, cô Bí thư Đoàn ngành văn hoá đã gặp chàng Bí thư Đoàn của ngành xây dựng mê tiếng hát của cô. Lập gia đình, nghệ sĩ Xuân Năm lại có thêm một hậu phương vững chắc giúp cô hoàn thành tâm nguyện của một nghệ sĩ trẻ – lấy tiếng hát để “át tiếng bom”.
 
Năm 1965, sau “Hội diễn ca múa chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc” diễn ra tại Hà Nội, nghệ sĩ Xuân Năm vinh dự được vào Phủ Chủ tịch để ngâm thơ “Mừng chiến thắng trời quê” của Duy Thảo và hát vè dặm “Thần sấm ngã” của tác giả Lê Thanh Bình (hai tác phẩm giành được Huy chương vàng tại liên hoan) phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. “Đó là niềm vinh dự lớn của một người nghệ sĩ như Xuân Năm”, bà nói trong niềm hãnh diện. Từ đó, mỗi lần nhắc tới các khúc ngâm, bài hát như: Vè dặm “Thần sấm ngã”, ngâm thơ Nghệ Tĩnh “Mừng chiến thắng trời quê”, ca khúc “Người con gái sông La”, “Thanh niên vui mở đường”, “Tiếng đàn Talư”… người ta lại nghĩ ngay tới Xuân Năm. Nghệ sĩ Xuân Năm cũng là người “khởi xướng” việc đưa lời cổ của dân ca Nghệ Tĩnh như hò, vè, ví, dặm lên sân khấu chuyên nghiệp. Và chính Xuân Năm là người đã biết chắt lọc những làn điệu dân ca xứ Nghệ để tạo ra một kiểu ngâm thơ mới – “ngâm thơ Nghệ”.

CÁNH CHIM KHÔNG MỎI
 
Description: C:\Users\Admin\Downloads\nghe si xuan nam copy.jpg
 
ghệ sĩ Xuân Năm đã lao động nghệ thuật miệt mài, quên thời gian và quên tuổi tác. Với gần 20 năm cống hiến cho nghệ thuật, năm 1984, Xuân Năm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Vinh dự ấy đã thôi thúc nghệ sĩ Xuân Năm phải phấn đấu hơn nữa, cố gắng hơn nữa để đem sức mình phục vụ nhân dân. Từ đó, không chỉ hát, ngâm thơ, NSƯT Xuân Năm còn mang thêm một sứ mệnh khác: tuyên truyền viên về kế hoạch hoá gia đình; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng và hạnh phúc… Nghệ sĩ Xuân Năm đọc và góp nhặt từ trong sách, báo những mẩu chuyện hay, những điều thú vị về hạnh phúc gia đình, sinh đẻ có kế hoạch, cách nuôi dạy con cái, sưu tầm cả những câu dân ca Nghệ Tĩnh, những chuyện ngụ ngôn phê phán nhẹ nhàng mà thâm thúy… Vì vậy mỗi buổi trò chuyện của nghệ sĩ Xuân Năm thường kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ liền nhưng người nghe vẫn không chán.
 
Năm 1990, sau khi về nghỉ hưu, NSƯT Xuân Năm lại có nhiều thời gian để tham gia biểu diễn ở các hội nghị, hội họp, đến nói chuyện ở nhiều nơi trong nước. Một mình một đoàn, ở đâu có yêu cầu là NSƯT Xuân Năm lại đến biểu diễn. Sàn diễn của nghệ sĩ Xuân Năm có lúc không cần sân khấu, nhạc cụ. Chương trình biểu diễn của NSƯT Xuân Năm ngày càng độc đáo: hát dân ca, ngâm thơ, kể chuyện và… đối thoại cùng khán giả. Với chất giọng đầm ấm, pha chút hài hước, NSƯT Xuân Năm đã làm công tác truyền thông dân số theo cách riêng của mình. Không chỉ “mê hoặc” được khán giả các nơi trong nước, nghe tiếng NSƯT Xuân Năm, những người Việt kiều quê ở Quảng Bình, Hà Tĩnh cũng về Việt Nam mời bằng được bà sang Thái Lan để nói chuyện về dân số và hạnh phúc gia đình.
 
Năm 2003, rời quê hương Hà Tĩnh đến sống ở TP. Vũng Tàu. Đến nay, NSƯT Xuân Năm đã 70 tuổi nhưng NSƯT Xuân Năm vẫn còn đầy nhiệt huyết, lại có sẵn năng khiếu nghệ thuật và kiến thức về dàn dựng chương trình nên suốt 4 năm sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu bà luôn gắn bó với các hoạt động văn hoá, xã hội ở địa phương từ thành thị đến các huyện vùng sâu, vùng xa. Bà tích cực tham gia các hội diễn nghệ thuật của người cao tuổi và nhiều chương trình văn nghệ, nói chuyện tuyên truyền tại địa phương. Bảng thành tích của NSƯT Xuân Năm ngày càng “dày” thêm bởi những tờ giấy khen dành cho tuyên truyền viên xuất sắc.
 
Hơn 50 năm lao động nghệ thuật, tài sản còn lại của NSƯT Xuân Năm chỉ là một bảng thành tích dài và một cuốn “Nhật ký những chuyến đi” với hàng triệu lượt người nghe, hàng trăm vùng đất mà bà đã đặt chân đến. Giờ đây trên quê hương Bà Rịa – Vũng Tàu lại ghi thêm nhiều dấn chân của NSƯT Xuân Năm. “Lỡ mang cái niềm đam mê và tình yêu nghề rồi, răng mà bỏ được…”, NSƯT Xuân Năm nói bằng giọng xứ Nghệ ấm áp.
 
Thừa hưởng dòng máu nghệ thuật của mẹ, 5 người con của NSƯT Xuân Năm đều có năng khiếu về âm nhạc. Mặc dù mỗi người chọn một công việc riêng nhưng tất cả đều lao động trong lĩnh vực nghệ thuật. Cô con gái duy nhất, Nguyễn Thị An Giang là giáo viên dạy nhạc trường THCS Vũng Tàu. Cậu con trai cả Nguyễn Vĩnh Hà tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hoá (TP. Vinh, Nghệ An). Tiền Hải, Trung Hải, Nam Hải -ba cậu con trai sinh ba của nghệ sĩ Xuân Năm tốt nghiệp các trường Đại học Văn hoá, Đại học Văn hoá Quân đội và Đại học Ngoại thương rồi về phụ trách mảng văn hoá quần chúng tại các đơn vị công tác. Khi cuộc sống của NSƯT Xuân Năm đã bớt phần vất vả, con cái trưởng thành thì cũng là lúc người bạn đời của bà ra đi. Nhắc đến chồng của mình, NSƯT Xuân Năm rơm rớm nước mắt: “Chính ông đã tiếp thêm sức mạnh để tôi vượt qua khó khăn giúp tôi vừa hoàn thành tâm nguyện nuôi ba cậu con trai sinh ba học xong đại học, lại vừa thực hiện được niềm đam mê nghệ thuật của mình”.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.