Làng nghề Làng nghề
Làng cá Bến Đá – Bến Đình.
09:45 | 08/04/2014 Print   E-mail    

 
Cùng với Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Phước Tỉnh (huyện Long Điền), Bến Đá - Bến Đình (TP.Vũng Tàu) cũng là những làng chài lâu đời trên vùng đất BR-VT. Không ai còn nhớ rõ tuổi đời của làng chài Bến Đá - Bến Đình, nhưng theo những ngư dân sống ở Vũng Tàu lâu năm, làng cá này đã có từ rất lâu với không biết bao nhiêu thế hệ cha truyền con nối.
 
Trong ngôi nhà khang trang trên đường Trần Phú (Khu phố 4, phường 6, TP. Vũng Tàu) ông Cao Văn Rớt, 65 tuổi, kể về nghề biển mà mình đã gắn bó suốt hàng mấy chục năm qua bằng niềm tự hào: “Năm 1975, từ Cần Giờ tôi chuyển đến Vũng Tàu sinh sống và bám biển mưu sinh. Hồi đó cá tôm nhiều vô kể, chỉ cần ra biển 4-5km là cá đầy khoang. Cá đù, cá hố, cá đổng, cá phèn, mực ống, mực nang... đủ loại. Ngư dân đánh bắt được đem về bán cho Công ty Hải sản (thời đó thuộc Sở Thủy sản) rồi Nhà nước cấp lại dầu, ngư lưới cụ cho ngư dân ra khơi”. Cũng theo lời ông Rớt, biển không chỉ mang lại cá tôm, cung cấp nguồn thực phẩm hàng ngày cho gia đình, biển còn giúp ông từ tay trắng đi lên làm giàu. Năm 1990, khi điều kiện kinh tế khá giả, ông đóng mới tàu công suất 250CV đánh bắt xa bờ ở vùng biển Côn Đảo, Phú Quốc. Năm 2013, cậu con trai nối nghiệp ông, đầu tư gần 8 tỷ đồng đóng mới chiếc ghe lớn hơn với công suất 500CV, đánh bắt khu vực đảo Trường Sa. Mỗi chuyến đi biển của con trai ông Rớt kéo dài 1-2 tháng, thu hoạch 50-70 tấn các loại mực, cá...
 
Description: C:\Users\Admin\Desktop\4.jpg
Ông Tra phơi cá khô
 
Hiện nay trên địa bàn phường 5 TP.Vũng Tàu có 2559 hộ gia đình, chủ yếu sinh sống bằng nghề cá. Trong đó có 80 hộ làm nghề chế biến hải sản, 185 hộ làm nghề đánh bắt với 366 chiếc ghe, tổng công suất 150.232CV, trong đó 60 chiếc công suất dưới 90CV, 306 chiếc với công suất từ 90-800CV. Sản lượng đánh bắt trong quý I-2014 ước đạt 14.700 tấn. Theo điều tra của ngành thủy sản, phường 6 TP.Vũng Tàu hiện có 180 ghe với tổng công suất 63.647CV, sản lượng khai thác hàng năm ước đạt khoảng 55.000 tấn.
Dù đã thu vén tuổi già, ở nhà lo chuyện trên bờ nhưng với ông Nguyễn Văn Tra, 68 tuổi (đường Ngư Phủ, Khu phố 7, phường 6, TP.Vũng Tàu) nghề cá vẫn là duyên nợ khó dứt ở cái làng chài nhỏ bé Bến Đình. Khi rảnh rỗi, ông Tra vẫn hướng lòng mình về với biển khơi, nơi mà ông đã gắn bó hơn 40 năm tuổi đời. “Thời đó, tôi vừa đánh bắt vừa làm nhiệm vụ tuần tra trên biển. Khi gặp hiện tượng lạ tôi có nhiệm vụ báo cáo về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để xử lý. Những việc làm của mình chẳng to tát gì nhưng cũng đóng góp được phần nào trong việc bảo vệ vùng lãnh hải của quê hương” - ông Tra nói. Giờ đây, dù không “đi khơi” nhưng con trai ông cũng chịu nối nghiệp ông - bám biển.
 
Rời Bến Đình, ngược về phía cảng cá Sao Mai (phường 5, TP. Vũng Tàu) làng cá Bến Đá đã hiện ra trước mắt chúng tôi thật bình yên. Những cái tên như Năm Nhơn, Ba Khiết, Tư Dư, Đỗ Tư, Lý Y... nổi danh là những hộ gia đình có truyền thống làm nghề cá lâu đời ở làng chài này. Trong đó có những hộ làm ăn lớn với hàng chục cặp ghe đánh bắt xa bờ. Tháng 3 đang là mùa biển êm nên các đội ghe lớn đánh bắt xa bờ đã ra khơi. Trong bờ, các cơ sở làm dịch vụ hậu cần nghề cá vẫn mải miết làm việc. Theo lời của những chủ cơ sở chế biến hải sản ở phường 5, sau khi nhận cá từ các ghe tàu về, ngoài việc bán cá tươi, các cơ sở chế biến thuê người làm sạch rồi ướp muối, phơi khô. Cứ một tạ cá tươi, 20kg muối thì sẽ cho ra 40kg cá khô. Ông Lý Y (đường Bạch Đằng, phường 5, TP.Vũng Tàu), người làm nghề biển ở làng chài Bến Đá 35 năm cho biết: “Trước đây ngư dân Bến Đá chủ yếu đánh bắt gần bờ. Ngày nay, các phương tiện đánh bắt và các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại nên nhiều ngư dân đã vươn ra đánh bắt vùng khơi xa. Tuy nhiên, nguồn hải sản bây giờ không nhiều như trước. Để ngành hải sản phát triển, Nhà nước cần phải có biện pháp quản lý ngư trường và tiếp nhận đầu ra cho ngư dân để ngư dân không bị các đầu nậu ép giá. Có vậy ngư dân mới yên tâm bám biển, làng chài Bến Đá mới được trù phú bền lâu”.
 
Bài, ảnh: HOA HẠ
BBT.