Làng nghề Làng nghề
Làng chài Bến Đá - Bến Đình mùa mưa bão.
10:39 | 20/09/2014 Print   E-mail    

Làng chài Bến Đá – Bến Đình thành phố Vũng Tàu nằm cách thắng cảnh Thích Ca Phật Đài vài trăm mét. Ở làng chài này, cứ đến mùa mưa bão, ngư dân chỉ mong sao cho đủ cái ăn trong mùa biển động là mừng. Ðó là những tâm sự buồn rất thật của những ngư dân làng chài Bến Đá – Bến Đình thành phố Vũng Tàu. Nhưng có lẽ điều đó không chỉ đúng với ngư dân ở đây mà hầu như nơi nào trong tỉnh, hay những thôn chài dọc dải đất hình chữ S với hơn 11.409,1km đường bờ biển cũng thế, cuộc mưu sinh của ngư dân vùng biển vào mùa bão nổi cũng lắm nỗi nhọc nhằn.
 
(Làng chài Bến Đá – Bến Đình).
 
Đã 8 năm trôi qua kể từ ngày cơn bão kinh hoàng năm 2006 đổ ập vào làng chài làng chài Bến Đá – Bến Đình nhỏ bé này. Đến nay những nóc nhà ấy vẫn còn tạm bợ như sau khi bão vừa tan mặc dù đã có rất nhiều sự giúp đỡ ổn định của Đảng và Nhà nước. Những ngày này, tại Vũng Tàu có mưa to đến rất to, những cột sóng liên tục ập vào bờ như muốn nuốt chửng làng chài nhỏ bé nghèo khó này. Nhưng ngư dân vẫn ra biển. Không đi đánh bắt xa được thì họ làm nghề lộng gần bờ để kiếm cái ăn qua ngày.
 
Trên bãi biển của làng chài Bến Đá – Bến Đình, trong mưa lất phất bay, chúng tôi vẫn thấy có rất nhiều ngư dân mặc áo mưa, cặm cụi kéo và thả lưới. Một ngư dân ngước mắt nhìn trời, tay vẫn thoăn thoắt gỡ những mảnh lưới dưới lòng thuyền, nói: "Chúng tôi tranh thủ lúc biển động không ra khơi được sửa lại thuyền, đợi "ổng" yên yên rồi lựa mà đi biển vài chuyến, kiếm chút cá đổi gạo ăn chứ không thì cả gia đình nhịn đói!". Giữa cơn mưa dầm, người thì có manh áo mưa đã rách tướp tơ, người thì mình trần gồng lên trước những con gió biển lạnh ngắt thổi ràn rạt vào bờ.
 
Khi những chiếc thuyền có công suất lớn đang gác mũi trên bờ trong mưa dầm phơ phất. Đứng lẫn trong những con tàu, bên những chiếc thuyền thúng vẫn có những người đàn ông của làng chài Bến Đá – Bến Đình với nước da đen, nặng nhọc mùi của biển. Họ đang hí húi sơn sửa lại thuyền cá của mình, hay kéo những chiếc thuyền lên cao hơn sợ sóng to có thể đánh dạt mất phương tiện làm ăn của cả gia đình. Sóng biển dữ dội không thể ra khơi, nhưng lác đác trên bãi biển của làng chài Bến Đá – Bến Đình vẫn có những chị, những mẹ ngong ngóng nhìn ra phía biển, để chờ những chiếc thuyền lẻ loi liều lĩnh trở về. Một người phụ nữ có chồng mất trong một lần đi biển đã nói với chúng tôi: "Mặc dù biển động nhưng ở đây chiều chiều trên bờ biển lại có những người vợ, người mẹ đưa con đến dõi mắt ra biển ngóng chờ thuyền về". Chồng chị mất sớm, đứa con trai duy nhất học chưa hết lớp 10, phải nghỉ học để đi biển, công việc của chị là chờ đợi, bán những gì con đánh bắt được và vá lưới.
 
(Người dân làng chài Bến Đá – Bến Đình phơi cá)
 
Trên xóm chài lặng lẽ nằm quay mặt ra phía biển đón gió, một số ngư dân tranh thủ những ngày nghỉ vá lại lưới. Thông thường khi trời êm, cứ tầm 3 giờ sáng, hàng chục chiếc thuyền thúng vượt sóng để kiếm sống. Đến 9 giờ sáng, họ quay vào bờ bán thành quả đánh bắt được rồi lại ra khơi tiếp. Trẻ con làng chài rủ nhau đi nhặt ốc, cá bị sóng đánh dạt vào ghềnh đá bãi biển để làm thức ăn cho cả nhà. Nhưng mùa biển động này, họ bó gối ngồi chờ, những ánh mắt đăm đắm nhìn mãi ra phía biển.
 
Đối với người dân làng chài Bến Đá – Bến Đình , chỉ ra biển mới có tiền để sinh sống. Có nhà ở đây 6 miệng ăn chỉ trông vào 2 chiếc thuyền thúng. Nếu ngày nào không đi biển là ngày đó cả nhà chật vật với bữa cơm. Ngoài trời mây đen vần vũ, báo hiệu sắp có mưa lớn phía biển xa nhưng những ngư dân nơi đây vẫn quyết định ra biển. Một anh ngư dân tâm sự với tôi:"Thôi thì vì miếng cơm cho lũ nhỏ phải lăn vào với sóng với gió chứ biết răng chừ! Đêm nay tôi đi gần thôi, được chừng mô hay chừng nớ chứ ngồi nhà hoài ruột nóng lắm!"
 
Dẫu đang mùa biển động, nhưng nỗi lo cơm áo vẫn hối thúc không ít ngư dân của làng chài Bến Đá – Bến Đình phải chấp nhận đối mặt với sóng to, gió lớn, ngày đêm bám biển mưu sinh. Cũng bởi, nếu cho thuyền nằm bờ thì chỉ có đói. Chia tay những ngư dân nơi đây, tôi mong sao trời yên luôn yên, biển lặng nhiều để những đoàn thuyền đánh cá tiếp tục ra khơi, để người dân nơi đây sẽ có cuộc sống sung túc hơn./.

 

Bài, ảnh: Lê Ngân 

BBT.