Làng nghề Làng nghề
Ngoạn cảnh sông nước Long Sơn
08:24 | 26/05/2013 Print   E-mail    

 

NGOẠN CẢNH SÔNG NƯỚC LONG SƠN
 
Đến thành phố biển Vũng Tàu, sau những ngày rong chơi ở các bãi biển, tham quan di tích, đình, chùa, bạn muốn tìm về khung cảnh sông nước hữu tình để thay đổi không khí, tham quan các khu nuôi trồng thủy sản, thưởng thức hải sản tươi sống, tìm hiểu lối sống và phong tục của người Nam bộ, xã đảo Long Sơn là điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình của bạn.
 
                Từ Ngã ba Vũng Tàu (Đồng Nai) theo hướng Quốc lộ 51, đến địa phận xã Tân Hải, huyện Tân Thành, nhìn tay phải gặp một ngã ba có biển chỉ dẫn màu xanh với dòng chữ lớn: Long Sơn - 5km. Rẽ tay phải, con đường dẫn vào xã đảo Long Sơn sạch đẹp, cỏ cây hoa lá được chăm chút tỉ mỉ hiện ra trước mặt. Hai bên đường những ngôi nhà kiểu Nam bộ mái ngói đỏ, tường xi măng nhuốm màu rêu phong thấp thoáng trong rừng cây. Băng qua những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn, cảng Bến Đá hiện ra trước mắt. Muốn dong thuyền dạo chơi ngoạn cảnh sông nước Long Sơn, chỉ phải trả khoảng 100.000 đồng, bạn sẽ được những ngư dân hành nghề đánh bắt hải sản địa phương tận tình hướng dẫn.
 
               Ghe lướt nhẹ trên sóng nước, bạn tha hồ phóng tầm mắt quan sát những dải đước xanh rì hai bên bờ sông Rạng. Gió ngoài cửa sông thổi vào lồng lộng mang theo vị tanh nồng của muối biển mơn man da thịt. Nghề nuôi trồng thủy hải sản rất phát triển ở đây, các bè hàu và bè cá như những ngôi làng nổi nối tiếp nhau. Bạn có thể lên bè tham quan, tìm hiểu kỹ thuật nuôi trồng hải sản của ngư dân, ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội. Muốn tìm hiểu cuộc sống và sinh hoạt của những ngư dân hành nghề đăng đáy quanh năm lênh đênh trên sông nước, bạn có thể ghé thuyền vào chuyện trò với họ. Họ rất chân tình và cởi mở, khi chia tay bạn còn được tặng những món quà dân đã do chính tay họ làm như cá, mực hay tôm khô…
 
Trẻ em vui chơi trên làng bè
 
                 Vùng cửa sông Chà Và có hai nhà hàng nổi, phục vụ đủ loại hải sản như tôm, cá, hàu, ghẹ… được nuôi và chế biến ngay tại chỗ nên bạn hoàn toàn yên tâm về độ tươi ngon của chúng. Bè dập dềnh trên sóng, ngả lưng vào những chiếc võng, hóng gió, thưởng thức hải sản giữa mênh mông sông nước, cảm giác vô cùng thú vị.
 
                  Hành trình của bạn sẽ mất đi ý nghĩa nếu không ghé thăm Nhà Lớn - nơi thờ cúng người sáng lập đạo ông Trần. Quần thể kiến trúc Nhà Lớn bao gồm nhiều dãy nhà ngang và những khu nhà thờ bằng gỗ liên hoàn. Bên trong Nhà Lớn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như bộ tủ thờ chạm trổ do các nghệ nhân Hà Đông thực hiện gồm 33 món, bộ bàn ghế tương truyền của vua Thành Thái và rất nhiều bộ giường phản làm bằng các loại gỗ quý như lim, sến…
 
                      Kiến trúc độc đáo cổ xưa của nhà lớn
 
                  Hàng năm, Nhà Lớn có hai lễ hội truyền thống là lễ Vía Ông (ngày 19, 20 -2 Âm lịch) và lễ Cửu Trùng (ngày 9-9 Âm lịch), thu hút hàng chục ngàn lượt người từ miền Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tham dự. Tại các lễ hội này, những nét văn hóa truyền thống của người Nam bộ xưa như viết liễn, rước ông… được tái hiện. Các cụ già đầu vấn khăn mặc áo dài đen ngồi xếp bằng trên những chiếc bộ ngựa múa bút cho chữ. Một hình ảnh quen thuộc ở Nhà Lớn là các cụ ông cụ bà đầu trần, tóc búi tó trong bộ áo bà ba đen, đi chân đất, nhiệt tình giới thiệu về cuộc đời của ông Trần và lịch sử ra đời nhà Lớn cho khách hành hương. Sau khi tham quan nhà Lớn, du khách được mời dùng cơm, thưởng thức món bánh ít trần, bánh quy, khoai mì nấu với nước dừa…
 
                Rời nhà Lớn, tiếp tục hành trình vào Bến Điệp, bạn sẽ tận mắt ngắm nhìn những cánh đồng muối trải dài tít tắp, thăm các vuông tôm và quan sát đời sống thường nhật của người dân xã đảo.
 
               Ngoạn cảnh sông nước Long Sơn, thưởng thức hải sản, tìm hiểu nét văn hóa đạo ông Trần… sẽ là những kỷ niệm khó quên trong hành trình du lịch về Bà Rịa - Vũng Tàu của bạn. 
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG LÂN
                                                                                                                          BBT.