Tin thế giới Tin thế giới
Tại sao vùng phòng không TQ tự nhận chọc giận Nhật-Mỹ?
07:50 | 30/11/2013 Print   E-mail    


Căng thẳng đang tăng cao giữa 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới quanh "vùng nhận diện phòng không" mà Trung Quốc mới tự thiết lập. 

Các vấn đề tranh cãi không chỉ liên quan đến không phận mà còn cả những hòn đảo mà Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp bấy lâu nay. 
Hôm 23/11, Trung Quốc tuyên bố thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ từ Mỹ và Nhật Bản. Cả hai nước không công nhận vùng này. 
Description: Trung Quốc, ADIZ, Mỹ, Nhật, chọc giận
  

ADIZ của Trung Quốc
Trung Quốc công bố một bản đồ và các hệ thống tọa độ xác lập ADIZ trên biển Hoa Đông ngày 23/11. Nước này tuyên bố các hãng hàng không phải nộp kế hoạch bay cho Bắc Kinh nếu có máy bay hoạt động qua vùng này, yêu cầu duy trì liên lạc hai chiều bằng radio và ghi rõ quốc tịch của họ trên máy bay. Quy định mới có hiệu lực lúc 10h sáng cùng ngày, theo tin từ Tân Hoa xã.
Vùng không gian này bao gồm một vệt Biển Hoa Đông, bao phủ chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đang tranh chấp. Trung Quốc tuyên bố sẽ "thực hiện các biện pháp phòng thủ khẩn cấp với những máy bay nào không hợp tác trong việc nhận dạng hoặc từ chối tuân thủ quy định".
ADIZ là gì?
ADIZ không phải là một khái niệm mới, về cơ bản đó là một vùng đệm bên ngoài không phận chủ quyền của một quốc gia.
Một số nước, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, đã thiết lập ADIZ trong vùng không phận quốc tế cạnh không phận nước họ. Một máy bay nước ngoài bay vào một ADIZ có thể được yêu cầu nêu danh tính mới được phép bay vào không phận nước đó.
ADIZ được tự ý xác lập nên nó không có cơ sở pháp lý và cũng không dựa trên đàm phán với các nước láng giềng, theo James Hardy - Biên tập viên phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của tuần báo quốc phòng IHS Jane's. "Mục đích của việc làm này là cho phép một nước có vùng cảnh báo sớm để họ có thể ngăn chặn những máy bay không thiện chí".
ADIZ của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào?
Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định vùng nhận diện phòng không mới không nhắm tới một nước nào cụ thể. Bản đồ và hệ thống tọa độ mà Trung Quốc đưa ra cho thấy vùng này bao trùm các phần của biển Hoa Đông và các quần đảo Senkaku/Điếu ngư.
Nhật Bản và Trung Quốc đều nhận chủ quyền đối với chuỗi đảo này. Và ADIZ mới của Trung Quốc còn chồng lấn lên ADIZ mà Nhật Bản đã thiết lập từ ngày 29/8/1968. Trung Quốc coi ADIZ của Nhật là trái phép.
Bắc Kinh cũng chọc giận người láng giềng Hàn Quốc. Một bãi đá ngầm có tên Ieodo ở Hoàng Hải nằm cách Hàn Quốc 149km về phía tây nam và cách Trung Quốc 287km về phía đông đã lọt một phần vào ADIZ của Trung Quốc. Người Hàn Quốc đã thiết lập một trạm nghiên cứu đại dương trên bãi Ieodo.
Phản ứng của các nước
Nhật Bản, cùng ngày 23/11, đã phản đối gay gắt tuyên bố của Trung Quốc và khẳng định nó "không có giá trị". Bộ Ngoại giao ở Tokyo gọi hành động của Trung Quốc là "hết sức nguy hiểm mà có thể đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông, làm leo thang tình hình, và có thể gây ra những hậu quả khó lường".
Ở Hàn Quốc, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Kim Min-seok, tuyên bố quyền thực thi pháp lý của nước này đối với bãi đá Ieodo là không thay đổi.
"Trung Quốc đã đơn phương thiết lập ADIZ của họ", ông Kim nói và cho biết nó chồng lên quyền thực thi pháp lý của Hàn Quốc. Cũng theo người phát ngôn này, phía Hàn Quốc sẽ bay qua những khu vực như vậy mà không cần thông báo với Trung Quốc.
Description: Trung Quốc, ADIZ, Mỹ, Nhật, chọc giận
ADIZ mà Trung Quốc vừa tự thiết lập trên biển Hoa Đông bao trùm chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này đang tranh chấp với Nhật Bản.

Tại sao Mỹ can dự?
Mỹ dẫn giải về ADIZ khác với Trung Quốc.
Theo như Tân Hoa xã đưa tin thì các quy định nhận diện máy bay mới của Trung Quốc không phân biệt giữa máy bay bay qua vùng phòng không này mà không vào không phận Trung Quốc với những máy bay sẽ bay vào - Trung tâm Các nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế chỉ rõ.
Điều đó không giống như cách Mỹ dẫn giải về ADIZ, như những gì Ngoại trưởng John Kerry nói ngày 23/11: "Mỹ không áp dụng các quy định ADIZ cho những máy bay nước ngoài không tiến vào không phận quốc gia Mỹ. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không thi hành đe dọa của họ là sẽ có hành động chống lại những máy bay không tự nhận dạng hoặc không tuân thủ yêu cầu từ Bắc Kinh".
Mỹ tuyên bố nước này không công nhận ADIZ mới của Trung Quốc, cũng không làm theo yêu cầu của nước này đòi các máy bay tiến vào vùng phòng không đó phải tự nhận dạng và nộp kế hoạch bay.
"Tự do hàng không và các sử dụng hợp pháp mang tính quốc tế khác về biển và không phận là cần thiết cho sự thịnh vượng, ổn định và an ninh ở Thái Bình Dương. Chúng tôi không ủng hộ nỗ lực bất kỳ nước nào muốn áp đặt các quy định ADIZ của mình cho máy bay nước ngoài không tiến vào không phận quốc gia của nước đó".
Đối với Washington, ADIZ mà Trung Quốc mới thành lập không chỉ là một cuộc tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản - một đồng minh lâu năm của Mỹ. Nó còn là một tranh cãi về không phận quốc tế.
Các nước hành động thế nào?
Chỉ hai ngày sau khi Washington thẳng thừng thể hiện sự khó chịu với ADIZ của Trung Quốc, hai máy bay quân sự Mỹ đã bay vào vùng này mà không thông báo cho Bắc Kinh. Mỹ cũng cảnh báo ADIZ mới của Trung Quốc làm tăng cao nguy cơ "hiểu lầm và tính toán sai".
Bắc Kinh đáp trả rằng các bình luận của Mỹ là "vô trách nhiệm". Họ cũng chỉ trích bình luận của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ giữa nước này với Nhật bản là "không thích hợp". 

Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Trung - Hàn dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm trong tuần này về vùng ADIZ chồng lấn bao trùm bãi Ieodo.
Các chuyến bay thương mại có bị ảnh hưởng?
Như định nghĩa trong tuyên bố của Trung Quốc, các quy định của ADIZ mà nước này tự nhận dường như được áp dụng với tất cả các loại máy bay. Tuy nhiên, các chi tiết vẫn mập mờ.
Trong khi đó, hai hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL), hôm 27/11, thông báo họ sẽ không nộp kế hoạch bay cho phía Trung Quốc về các chuyến bay qua vùng bị áp đặt.
                                                                          VT (Theo CNN)