An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
03:24 | 07/06/2014 Print   E-mail    

Gia đình là tế bào của xã hội và gia đình có đầm ấm, hạnh phúc thì xã hội mới tiến bộ. Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.
 
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Thấm nhuần lời dạy của Bác và xác định tầm quan trọng của gia đình, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng xã hội văn minh, giàu mạnh.
 
Vấn đề xây dựng gia đình lâu nay vẫn được quan tâm nhưng đặc biệt từ khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Gia đình Việt Nam thì việc xây dựng gia đình càng được chú trọng hơn. Bằng các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước ta đã tạo điều kiện thuận lợi và luôn khuyến khích các cá nhân và gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bền vững và xem đây là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn lực con người, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Hàng năm, ngày 28 tháng 6 trở thành ngày hội của đại gia đình dân tộc Việt Nam. Mỗi năm đều có một chủ đề, mang ý nghĩa và nội dung khác nhau. Ngày Gia đình được tổ chức, triển khai như một cuộc vận động xã hội rộng lớn, nhằm phát huy vai trò của gia đình trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người nói chung và trẻ em nói riêng. Nhiệm vụ của mỗi gia đình chúng ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là phải tạo ra những thế hệ người Việt Nam có bản lĩnh chính trị vững vàng, khỏe mạnh, có học vấn, có thực tiễn.
         
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc. Qua các thời kỳ, quan hệ trong gia đình có thay đổi, nhưng những chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
 
Tuy nhiên, trong quá trình đất nước ta thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế trong xu hướng toàn cầu đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình Việt Nam, làm cho gia đình Việt Nam đang đứng trước những thử thách. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nề nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi và tình trạng bạo lực trong gia đình đang đặt ra những thách thức mới. Đó là những nỗi trăn trở rất lớn của tất cả chúng ta, những người cha, người mẹ và là trách nhiệm của toàn xã hội phải chung tay giải quyết.    
 
Chúng ta có thể quay về quá khứ để nhìn nhận. Nếu như đàn ông trước đây được xem là “trụ cột trong gia đình”, là “lao động chính trong gia đình”, thì ngày nay, quan niệm đó thay đổi, vợ chồng cùng đi làm kiếm tiền, chăm sóc, dạy dỗ con cái, đi chợ, nấu cơm là chuyện chung của hai vợ chồng. Và trong cuộc sống gia đình ngày nay, nhiều người chồng sẵn sàng đi chợ, vào bếp nấu cơm, rửa chén, quét dọn nhà cửa thay vợ, chuyện này hoàn toàn không hề xảy ra đối với thế hệ trước. Hơn nữa, bữa cơm gia đình cũng được đổi mới hơn, phong phú hơn, cuối tuần có thể cả gia đình cùng đi ăn ở quán, ăn ở nhà hàng. Còn những ngày thường, nếu vợ bận không nấu cơm được thì cả gia đình rủ nhau ra ngoài quán tìm các món ăn nhanh thế là xong. Cuộc sống đơn giản đi rất nhiều!       
 
Ảnh minh họa
 
Phải  giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình 
 
Có thể khẳng định, dù cuộc sống gia đình đã có nhiều thay đổi hơn so với trước, song tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình không bao giờ thay đổi. Họ vẫn yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, con cái  vẫn khỏe mạnh, chăm ngoan, hiếu thảo và học giỏi.
 
Những truyền thống từ xưa như “kính trên nhường dưới”, “lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ”, “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “cha mẹ hãy là tấm gương sáng cho con noi theo”…vẫn luôn được duy trì và phát huy. Tuy nhiên, khoảng cách giữa cha mẹ, con cái đang ngày một cách xa, một số giá trị văn hóa, truyền thống đạo lý, mối quan hệ huyết thống ông bà- cha mẹ- con cháu cần phải quan tâm.
 
Ảnh minh họa
 
Nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam, những năm gần đây, các ban ngành đoàn thể trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã triển khai xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ về gia đình như câu lạc bộ “ông bà mẫu mực con cháu thảo hiền”. “Gia đình hiếu học"; "gia đình văn hóa”, gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc….Việc xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn thành phố gắn với những phong trào thực sự có ý nghĩa thiết thực như: “phong trào 5 không, 3 sạch” ("5 không” là không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng, không có trẻ bỏ học; “3 sạch” là sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp). “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” và phong trào “Khuyến học- khuyến tài”, từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình…các phong trào đó, bước đầu đã đạt hiệu quả, phát huy được những giá trị văn hóa, truyền thống trong gia đình.
Năm nay chúng ta kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam với chủ đề: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" gắn với chủ đề truyền thông về công tác gia đình năm 2014 là: “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Đây là thông điệp gửi đến tất cả mọi người, nhắn nhủ mỗi gia đình chúng ta phải thường xuyên ý thức trách nhiệm của mình hơn nữa để xây dựng gia đình thực sự là nơi gửi gắm tình yêu thương và niềm tin giữa các thế hệ. Mỗi người cha, người mẹ hãy là tấm gương sáng để cho các con noi theo và là chỗ dựa vững chắc cho con cháu.
         
Việc chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc hiện nay còn là chuẩn mực xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, nhiệm vụ của mỗi gia đình chúng ta là phải tạo ra những thế hệ người Việt Nam có bản lĩnh chính trị vững vàng, khỏe mạnh, có học vấn và có thực tiễn./.
 
Bài: Khánh Sơn
BBT