An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Vai trò của Hội phụ nữ trong việc tuyên truyền đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam.
01:31 | 31/05/2014 Print   E-mail    

 

 
Gần đây, gia đình không chỉ nổi lên như một vấn đề quan trọng và cấp thiết của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề đang được đặt ra với các dân tộc trên toàn thế giới. Với ý nghĩa Gia đình là “hạt nhân” của xã hội có vai trò duy trì những giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống của gia đình và mỗi cộng đồng, góp phần xây dựng nền văn hóa, đạo đức cảu xã hội.
 
Cha ông ta cho rằng: “Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân” (mỗi gia đình ai cũng làm điều nhân nghĩa thì cả nước sẽ vươn tới cuộc sống đầy nghĩa tình). Hiện nay, đất nước ta đang thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa. Sự giao lưu mở cửa hội nhập đã đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội. Gia đình Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, nhịp sống hiện đại đã ít nhiều kéo theo những thay đổi về quan niệm sống và điều này đã tác động đến cuộc sống gia đình trong suy nghĩ của nhiều người, nhất là giới trẻ. Giờ đây, những mô hình gia đình tam tứ đại đồng đường cùng chung sống dưới một mái nhà có lẽ không còn nhiều, gia đình hạt nhân đang trở nên phổ biến và dần thay thế; hiện tượng nhanh chóng kết hôn rồi vội vàng ly hôn cũng đang ngày một trở thành phổ biến trong giới trẻ; bạo lực gia đình ngày một gia tăng dưới mọi hình thức. Đạo đức xã hội xuống cấp phần nhiều do sự xuống cấp đạo đức từ trong gia đình…Chức năng giáo dục thế hệ trẻ và truyền thụ văn hoá đang ít nhiều bị xem nhẹ. Gia đình đang có xu hướng "giao phó” chức năng này cho thiết chế trường học và hệ thống các dịch vụ xã hội khác. Điều đáng nói là mối liên hệ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình dường như đang ngày càng “lỏng lẻo”, theo hướng tự chủ, phát triển độc lập và cá nhân hoá. Khuynh hướng này có thể làm suy yếu tính cộng đồng, cộng cảm trong phạm vi gia đình. Theo một điều tra xã hội học, hiện nay có tới hơn 70% các gia đình ở thành phố chỉ ăn chung với nhau một bữa ăn duy nhất trong ngày.  Người già và trẻ em đang phải đối mặt với sự cô đơn, sự thiếu quan tâm và chăm sóc từ các thành viên khác trong gia đình. Họ đang dần bị "đẩy” ra các nhà dưỡng lão, nhà trẻ, trung tâm chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ xã hội khác. Cấu trúc gia đình dễ biến động, thiếu tính bền vững do sự thay đổi trong quan niệm về hôn nhân, hạnh phúc, của các thành viên gia đình. Sự "lệch chuẩn” đang bị nhầm lẫn là lối tư duy hiện đại. Xã hội hiện đại tôn trọng quyền riêng tư, quyền tự do cá nhân, cái tôi của mỗi người, và dễ dàng dẫn đến việc tự do ngoại tình của những ông bố bà mẹ; với lối sống vô cảm giữa người với người…Trong đó, tấm lòng yêu thương, sự báo hiếu giữa con với cha mẹ của những người làm con ngày càng lãng quên nhất là ở lớp trẻ.  Khi điểm tựa gia đình lỏng lẻo, kéo theo đó là vô vàn hệ lụy. Ở phạm vi hẹp là những thành viên trong gia đình không hiểu biết lẫn nhau, thiếu tôn trọng lẫn nhau, thiếu tình cảm dành cho nhau. Ở phạm vi rộng lớn hơn là tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết ở thôn xóm, khu phố cũng đang ngày một nhạt nhòa. Khi mối gắn kết của các thành viên trong gia đình và các tế bào gia đình trong xã hội không còn khăng khít, thì tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm, HIV/AIDS cũng có nhiều cơ hội đến gõ cửa, xâm nhập vào mỗi gia đình.
 
Trước những thử thách đó, ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể xã hội về vị trí, vai trò của gia đình. Như vậy có thể thấy, hơn lúc nào hết Vai trò của gia đình Việt Nam trong một xã hội phát triển đang được Đảng và Nhà nước rất đề cao. Với vai trò là một tổ chức chính trị xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN tỉnh BR-VT nói chung và Hội LHPN thành phố Vũng Tàu riêng trong những năm qua luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình là một trong những yêu cầu cần thiết trong chiến lược xây dựngngười phụ nữ Việt Nam.Nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ luôn được coi là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, được phát động thành các phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, triển khai rộng khắp trong các cấp Hội. Những tiêu chí về phẩm chất, chuẩn mực đạo đức, truyền thống của phụ nữ được cụ thể hóa, tuyên truyền tới đông đảo hội viên, phụ nữ.Với quan điểm giáo dục 1 người phụ nữ được một gia đình, người mẹ có phẩm chất tốt thì sẽ có những người con tốt, thế hệ tương lai tốt, có nhiều gia đình tốt sẽ có xã hội tốt, những hoạt động hướng tới cộng đồng của Hội LHPN Việt Nam cũng như các cấp Hội trong tỉnh nói chung và thành phố Vũng Tàu nói riêng luôn coi trọng gia đình, lấy đơn vị gia đình làm nơi tác động trực tiếp thông qua người phụ nữ. Nhiều mô hình, chương trình xây dựng gia đình được các cấp Hội LHPN triển khai, tuyên truyền và tổ chức các hoạt động có hiệu quả như. Mô hình “5 không, 3 sạch” : không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực, không sinh con thứ ba trở lên, không để trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch ngày phát huy hiệu quả, được các cấp Hội đón nhận. Bên cạnh đó, Hội còn xây dựng và đẩy mạnh hoạt động các mô hình “Giáo dục pháp luật, không vi phạm pháp luật”, “Gia đình hạnh phúc”, “Nuôi con khỏe – dạy con ngoan”, “ Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”… cũng đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục, giữ gìn phẩm chất, đạo đức cho phụ nữ. 
 
Từ năm 2010 đến nay công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ theo tiêu chí: có lòng yêu nước; có sức khoẻ; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hoá và lòng nhân hậu được các cấp Hội tăng cường bằng việc triển khai thực hiện hiệu quả đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.Phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước được tổng quát hoá thành 4 chuẩn mực đạo đức: Tự tin, Tự Trọng, Trung hậu và Đảm đang.Giáo dục phẩm chất tự trọng để phụ nữ nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc coi trọng, giữ gìn phẩm cách, tư cách, danh dự của mình, không còn vi phạm pháp luật, vì chuẩn mực đạo đức xã hội, biết lấy chuẩn mực đạo đức xã hội làm hành lang pháp lý trong mọi hành động của mình, phấn đấu để tự hoàn thiện mình, sống lạc quan, tự tin. Giáo dục phẩm chất tự tin để phụ nữ vững tin vào năng lực bản thân, tự tin khi giao tiếp, ứng xử, tự lực, tự chủ, chủ động, bình tĩnh xử lý các tình huống trong cuộc sống, dám nghĩ, dám làm, dám nhận nhiệm vụ, chững chạc, mạnh dạn bày tỏ quan điểm của bản thân, dễ hòa nhập cộng đồng… Giáo dục phẩm chất Đảm đang để phụ nữ tiếp tục phát huy truyền thống: cần cù, thông minh, sáng tạo, anh hùng, bất khuất, giữ gìn văn hóa dân tộc... tạo nên người phụ nữ đảm đang, biết quán xuyến công việc gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động;Cùng với các phẩm chất trên, việc tuyên truyền giáo dục phẩm chất trung hậu tạo nên người phụ nữ trung thành với tổ quốc, với nhân dân, thủy chung với tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp; nhân ái, sống có nghĩa có tình, có lòng yêu thương, lòng chung thủy với chồng, sự hiếu thảo với bố mẹ... sống vị tha, nhân hậu giúp đỡ, đoàn kết với cộng đồng, gia đình.4 Phẩm chất này là tiền đề, cơ sở, xây dựng người phụ nữ mới với những yếu tố tích cực của CNH, HĐH, hội nhập quốc tế; tránh những tác động tiêu cực của thời kì CNH, HĐH và hội nhập; vượt qua những thách thức trong cuộc sống; thực hiện tốt vai trò, thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, trách nhiệm công dân trong xã hội; tác động tích cực tới các thành viên trong gia đình; có cơ sở để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; tác động tích cực tới cộng đồng, xã hội. Khi trẻ em được sống trong một gia đình có tình yêu thương của ông bà, cha mẹ, được sự hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần chúng sẽ có điều kiện tốt để phát triển thể lực, trí tuệ và định hướng phát triển khi chúng lớn lên sẽ trở thành những công dân lương thiện hữu ích cho đất nước. Ngược lại đối với những trẻ em lớn lên trong gia đình buông thả, sống vị kỷ, thích hưởng thụ theo chủ nghĩa cá nhân, không có tình yêu thương, quan tâm chăm sóc lẫn nhau, cũng là nơi có thể dẫn dắt các em vào con đường vi phạm các chuẩn mực xã hội và phạm tội.
 
Từ nhận thức đó, để tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền đạo đức, lối sống trong gia đình Việt nam, góp phần xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh. Tới đây các cấp Hội trong tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các mô hình này thành cuộc phát động sâu rộng trong toàn thể hội viên phụ nữ, tập trung nguồn lực cho công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên cơ sở lồng ghép với các chương trình, dự án, các cuộc vận động, các phong trào thi đua của Hội, của đất nước, địa phương. Tập trung xây dựng tài liệu tập huấn, tài liệu truyền thông về những phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam và về phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kì CNH, HĐH đất nước với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, dễ sử dụng. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên nhiệt tình, tâm huyết, gương mẫu trong cuộc sống và trong công việc, có kỹ năng truyền thông và vận động quần chúng tốt, nắm vững địa bàn, hiểu rõ đặc điểm tình hình phụ nữ tại địa phương. Tăng cường công tác bồi dưỡng về kiến thức, kĩ năng, cung cấp tài liệu để phục vụ tốt hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở nhằm tác động một cách hiệu quả nhất tới hội viên phụ nữ và người dân cộng đồng, tạo sự đồng thuận về mặt nhận thức để thay đổi hành vi. Duy trì và nhân rộng các mô hình về gia đình hoạt động có hiệu quả.
 
Bài: Tiến Loan
BBT.