An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tết Đoan Ngọ trong lòng người Việt.
02:02 | 03/06/2014 Print   E-mail    

 

 
Không biết từ bao giờ, Tết Đoan ngọ hay Tết giết sâu bọ, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch đã trở nên thân thuộc trong lòng người Việt. Tết Đoan ngọ là một ngày Tết truyền thống tại Việt Nam cũng như một số nước ở Đông Á. Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá lâu đời ở nước ta.
 
Tại Việt Nam còn coi mùng 5 tháng 5 là "Tết giết sâu bọ" vì trong giai đoạn này là giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này có tục "giết sâu bọ" bằng cách sáng sớm chưa ăn uống gì đã được lót dạ bằng hoa quả đương mùa và rượu nếp. Phong tục ăn tết Đoan ngọ ở mỗi vùng quê có thể cũng có khác nhau. Tôi còn nhớ ngày nhỏ, trong ngày tết đoan ngọ, trẻ con quê tôi được đeo những túi bùa bằng vụn lúa các màu khâu thành hình trái đào, quả khế, quả quất... buộc chỉ ngũ sắc kết tua để trừ tà ma bệnh tật. Có nơi phụ huynh bôi vôi vào cổ cho con cái lúc đi ngủ để trừ bệnh tật. 
 
 
           
Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam ngày nay vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống văn hóa xã hội. Người dân vẫn nô nức chuẩn bị lễ cho ngày Tết Đoan Ngọ với tấm lòng thành kính hướng về những giá trị truyền thống. Mâm cỗ lễ ngày Tết Đoan Ngọ vẫn đầy đủ các thứ: rượu nếp, hương, hoa, vàng mã, nước mưa; các loại hoa quả: mận, đào, hồng xiêm, đưa hấu, vải, chuối v.v.., và việc chọn mua đồ lễ vẫn được chọn rất cầu kì. Cuộc sống thời hiện đại dù bận rộn đến mấy, nhưng ý thức về một ngày tết giết sâu bọ luôn được mọi người ghi nhớ. Tục lệ sáng ngày mồng 5 tháng 5 mọi người phải giết sâu bọ vẫn được các thành viên gia đình trong xã hội ngày nay gìn giữ và thực hiện.
 
 
Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ “Tết giết sâu bọ” là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân.. vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.Vào ngày này, cả làng nhộn nhịp hẳn lên, nhà nào cũng dậy từ sớm chuẩn bị phẩm vật cúng tổ tiên và hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu.
 
Trong tết này, các gia đình có làm lễ cúng gia tiên, cỗ cúng có cả chay lẫn mặn. Ở một số vùng quê, vào giờ Ngọ (12 giờ trưa) ngày mồng 5 tháng 5, nhiều người còn đi hái lá làm thuốc, vì tin rằng lá hái trong giờ phút này dù chỉ là các lá thông thường như lá chanh, lá bưởi, kinh giới, tía tô, ngải cứu, sen vồng... đều trở nên công hiệu hơn rất nhiều. Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ" sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật...Tuy nhiên gần đây, những sắc thái phong tục truyền thống Việt trong lễ này có phần mai một hơn.

Việc thờ cúng trong ngày Tết Đoan Ngọ ở các đình, đền, miếu của các làng xã không được tổ chức mang tính cộng đồng như trong xã hội truyền thống, việc cúng tế thường là do những người trông coi đền miếu (người thủ từ) đứng ra sắm lễ cúng tế, hoặc do những người hảo tâm tự mang lễ đến cúng tế tại đình, đền, miếu. Các tục lệ trong ngày Tết Đoan Ngọ mang tính cộng đồng làng xã cũng ít được tổ chức, thường sau tục lệ giết sâu bọ, người ta xuống đồng bắt đầu thu hoạch vụ lúa chiêm xuân. Cuộc sống ở xã hội truyền thống và xã hội đương đại có những đổi thay; song Tết Đoan Ngọ vẫn tồn tại trong lòng người dân đất Việt Nam như một phong tục tốt đẹp, với ý nghĩa thiêng liêng về đạo lý làm người.
 
Ngày nay ở Việt Nam, nghi lễ thờ cúng Tết Đoan Ngọ thường tồn tại trong các gia đình. Một số tập tục trong ngày Tết Đoan Ngọ cũng bị lược bỏ, nhưng trong  mỗi người dân luôn nhận thức được ý nghĩa thiết thực và giá trị thiêng liêng của Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ mang một hình thức và ý nghĩa văn hoá phù hợp với truyền thống của người Việt Nam. Đó là những nghi lễ thờ cúng và tập tục được xây dựng trên nền tảng của đạo đức truyền thống Việt Nam được khẳng định và lưu truyền trong lịch sử phát triển của dân tộc./.
 
Bài:   Lê Ngân
BBT.