Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Bà Rịa – Vũng Tàu có nguồn tài nguyên rừng vùng cửa sông, ven biển phong phú
10:39 | 25/05/2015 Print   E-mail    


Theo Sở NN-PTNT, BR-VT là địa phương có nguồn tài nguyên rừng vùng cửa sông, ven biển phong phú. Địa phương có nhiều khu rừng ven biển và rừng ngập mặn ở các địa phương rất phong phú về hệ sinh thái tự nhiên tạo cho BR-VT tiềm năng sinh học đặc sắc, có ý nghĩa to lớn đối với bảo tồn thiên nhiên. Theo đó, các nhà khoa học môi trường và nông nghiệp đã phát hiện tại BR-VT có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 653 loài rong, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm..
 
           Một góc biển Bãi Trước Vũng Tàu nhìn lên đỉnh núi Nhỏ
             
Theo Sở NN-PTNT, do có sự tham gia khai thác của nhiều ngành kinh tế và cộng đồng dân cư nên đang dẫn tới sự suy thoái các hệ sinh thái và làm giảm sự đa dạng sinh học (ĐDSH) tại BR-VT. Để phát triển kinh tế, cảnh quan môi trường ven biển trong tỉnh đang bị phá vỡ, nhiều diện tích rừng bị phá huỷ để xây dựng nhà máy, khu dân cư, khu du lịch. Kéo theo đó, môi trường vùng nước tại khu rừng biển ven bờ đã bị ô nhiễm dầu, kẽm và các chất thải sinh hoạt. Việc quản lý vùng nước ở khu rừng ven bờ từ trước đến nay của cơ quan chức năng, vẫn chỉ mới dừng lại ở các giải pháp như tăng cường kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý doanh nghiệp vi phạm mà chưa có giải pháp bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng, vùng đất ngập nước. Và đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cân bằng sinh thái đang bị mất đi, đặc biệt là sự phá vỡ và mất nơi cư trú do suy giảm chất lượng rừng.
Tại TP. Vũng Tàu, bên cạnh vành đai ven biển thì núi Lớn – núi Nhỏ cũng được xem như tấm bình phong che chắn, bảo vệ cho cư dân TP. Vũng Tàu, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho thành phố biển. Tuy nhiên, có đến hơn ½ diện tích núi Lớn – núi Nhỏ đất trọc trơ sỏi đá, không những làm mất vẻ mỹ quan mà còn không đáp ứng yêu cầu về phòng hộ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Vì vậy, “Nghiên cứu tuyển chọn một số loài cây thích hợp tạo cảnh quan cho Núi Lớn – Núi Nhỏ” với các loài cây trồng phủ xanh phổ biến như: keo lá tràm, keo tai tượng, bằng lăng, tếch, muồng đen, lim xẹt, gõ mật, giáng hương... đã che bớt những khiếm khuyết đó của núi. Bà Lê Thị Nga, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết, hiện nay địa phương cũng đã thử nghiệm thành công nhiều giống cây có khả năng chịu mặn ven biển như: Chiêu liêu, cẩm liên, cẩm lai, vên vên, sến mù... Địa phương đang tiếp tục nghiên cứu và tuyển chọn các loại cây đáp ứng được tiêu chí đa dạng sinh học và nhanh chóng xác định tập đoàn cây phù hợp với thổ nhưỡng và khoa học của BR-VT cũng như những cây mang tính đặc hữu, đặc trưng địa phương.
Để bảo vệ các hệ sinh thái, sự ĐDSH và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên này, theo Sở NN-PTNT cần chia sẻ trách nhiệm, quyền hạn giữa các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương. Theo đó, việc bảo vệ hệ sinh thái rừng các loại ngoài việc xoá bỏ tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng của ngành kiểm lâm, hạn chế gây ô nhiễm của cơ quan bảo vệ môi trường… còn phải xây dựng mối quan hệ giữa các nhóm người sử dụng tài nguyên với chính quyền địa phương nhằm sử dụng lâu dài các nguồn tài nguyên và nâng cao nhận thức của con người trong vấn đề khai thác hợp lý nguồn tài nguyên này. Và đây cũng chính là giải pháp quan trọng để bảo tồn sự ĐDSH trong hệ sinh thái của BR-VT trong bối cảnh hiện nay.
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu