Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Chung tay bảo vệ rừng ngập mặn
06:24 | 10/06/2015 Print   E-mail    

 


Rừng ngập mặn (RNM) được ví là “lá phổi” không thể thiếu, bảo đảm cho hệ sinh thái ven biển phát triển. RNM còn tạo môi trường thích nghi cho dòng nước mặn từ biển chảy vào và cho dòng nước ngọt từ ven sông thoát ra với các loại động - thực vật sinh sôi, phát triển nhanh chóng

.

Rừng ngập mặn phường 12-TP. Vũng Tàu

Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, RNM còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường. RNM có khả năng hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm. Ngoài ra, RNM còn mang lại các giá trị và dịch vụ cho đời sống như: vườn ươm, nuôi trồng thủy hải sản, cung cấp dược liệu, chất đốt, nguyên liệu cho công nghiệp, tạo cảnh quan cho du lịch, là tấm lá chắn phòng hộ vùng ven biển và lá phổi xanh hấp thụ khí CO2 điều tiết nhiệt độ và khí hậu... Tuy nhiên, thời gian gần đây diện tích RNM đang bị suy giảm. Theo ông Trần Đăng Tài, Cán bộ công chức địa chính, xây dựng và môi trường phường 12,TP. Vũng Tàu nguyên nhân chính của tình trạng RNM đang bị suy kiện là do nguồn nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản trong khu dân cư xả thẳng ra những khu RNM này. Chúng tôi lần theo một hệ thống đường ống xả thải dài khoảng 1km đi qua tổ 77 (khu phố 6, phường 12) của các cơ sở chế biến hải sản thải ra nhánh sông Cỏ May. Theo quan sát, dòng nước thải ra môi trường từ đường ống này có màu trắng đục ngàu, thậm chí xác những con cá nhỏ vẫn còn nguyên vẹn cũng được xả thẳng ra sông. Bằng mắt thường ai cũng có thể nhận biết đây là nước thải chưa qua xử lý. Anh Nguyễn Văn Vinh, một người làm đùng ở đây cho biết: “Trước đây nhiều hộ dân ở phường 12 nuôi tôm, nuôi cá, cua, ghẹ… lứa nào cũng thắng. Nhưng đã nhiều năm nay, khoảng gần 50 cái đùng ở tổ 77 này thì chỉ có khoảng 10 đùng còn nuôi tôm cá, còn lại phải treo đùng đi làm thuê việc khác kiếm ăn vì tôm chết, cá mất, cua ghẹ cũng không sống nổi vì nguồn nước ô nhiễm”.


Trước đây, nhờ có các dãy RNM tự nhiên và những dãy rừng ở các vùng cửa sông, ven biển nên nạn xói lở bờ biển tại BR-VT rất ít xảy ra và không có hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào đất liền nên việc nuôi trồng thủy sản cũng rất phát triển. Tuy nhiên, vài năm gần đây, do việc nạn phá rừng ngày càng tăng và các KCN, cơ sở chế biến hải sản ven sông xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường đã làm cho hệ sinh thái RNM ngày càng bị thay đổi. Theo thống kê của Chi cục Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên – Môi trường), toàn tỉnh hiện chỉ còn 2.232,1ha diện tích RNM. Việc RNM ở BR-VT bị thu hẹp làm tăng diện tích đất hoang, tăng xâm nhập mặn, xói lở vùng bờ, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường nước ven bờ.


Có thể thấy những lợi ích, hiệu quả mà RNM mang lại. RNM như “vị cứu tinh” của con người khi mực nước biển dâng cao. Song những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, nhiệt độ trái đất đang ấm dần lên, mực nước biển dâng lên ngày càng cao,...vấn đề đặt ra là hiện nay là làm thế nào để bảo vệ, khôi phục và trồng lại những khu rừng ngập mặn đã bị tàn phá, tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng mới vẫn đang là bài toán khó. Vì lợi ích kinh tế, vì kế sinh nhai, rừng vẫn có thể bị chặt phá nếu không được trông coi, giám sát chặt chẽ.


Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh cho biết, việc khôi phục và phát triển RNM là vấn đề hết sức cấp thiết và bảo vệ môi trường ven biển bền vững.


                                                                                                                                                          Bài, ảnh: YẾN NHI
                                                                                                                                                                             BBT.
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu